Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để hy vọng thành hiện thực: Làm gì?

Liên Cơ| 31/10/2014 06:28

(HNM) - Môi trường khởi nghiệp Việt Nam còn rất non trẻ. Tuy nhiên, trong sự non trẻ ấy, các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) Việt Nam đã thể hiện những điểm mạnh riêng mà nếu biết phát huy thì trong một tương lai không xa, họ sẽ vươn lên những tầm cao mới.


Mới mẻ nhưng giàu tiềm năng

Đầu năm 2014, Flappy Bird - trò chơi trên thiết bị di động được phát triển bởi Nguyễn Hà Đông, một lập trình viên người Việt - đã trở thành hiện tượng toàn cầu và được cho là mang lại doanh thu quảng cáo 50.000 đô la Mỹ mỗi ngày. Mặc dù sau đó "chú chim" này không còn "bay" nữa, bởi Nguyễn Hà Đông đã gỡ bỏ nó khỏi App Store và Google Play Store, nhưng đó vẫn là một chỉ báo cho thấy tiềm năng của cộng đồng khởi nghiệp ở Việt Nam.

Game Flappy Bird của Nguyễn Hà Đông. Ảnh: Đan Hạ


Đầu tư vào khoa học và công nghệ có thể mang lại lợi nhuận to lớn. Tuy nhiên, theo một khảo sát của Tổng cục Thống kê Việt Nam, chỉ có khoảng 20% trong tổng số 8.000 doanh nghiệp tham gia khảo sát đã tiến hành thành công cải tiến công nghệ và chỉ có 15% đầu tư vào nghiên cứu và phát triển. Ở phạm vi toàn cầu, Việt Nam xếp hạng 115/146 quốc gia được đánh giá về Chỉ số đổi mới sáng tạo theo phương pháp đánh giá tri thức của Ngân hàng Thế giới.

Nhìn lại một thập niên qua, ở Việt Nam đã xuất hiện khái niệm start-up hay công ty khởi nghiệp, song ấn tượng mà các công ty này để lại không nhiều. Khoảng 3-4 năm trở lại đây, một "dòng chảy" khởi nghiệp mới đã thực sự xuất hiện và ghi dấu ấn đậm nét trên lĩnh vực thương mại điện tử. Bất chấp những khó khăn, thị trường khởi nghiệp ở Việt Nam vẫn đứng trong top 3 thị trường khởi nghiệp phát triển mạnh tại khu vực Đông Nam Á, cùng với Thái Lan và Indonesia. Điều này chứng tỏ thị trường khởi nghiệp Việt Nam đang có sức sống và tiềm năng phát triển riêng.

Vai trò dẫn đường của Nhà nước

Để cải thiện tình hình, năm 2012, Việt Nam đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về phát triển khoa học và công nghệ, trong đó đặt mục tiêu phát triển khoa học công nghệ là ưu tiên hàng đầu của quốc gia. Vào năm 2013, đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam (Vietnam Silicon Valley) ra đời, là kết quả của sự phối hợp giữa Bộ KH&CN với những đối tác trong và ngoài nước nhằm hình thành và thúc đẩy một hệ sinh thái hoàn thiện hỗ trợ các start-up trong các lĩnh vực khoa học và công nghệ khác nhau. Dự án FIRST (dự án Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, công nghệ và thông tin) cũng đã được khởi động. Dự án thuộc Bộ KH&CN với nguồn vốn ODA từ Ngân hàng Thế giới, có tổng mức đầu tư là 110 triệu USD. Dự án nhằm tăng cường hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động sáng tạo, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp…

Mới đây, tại một sự kiện được cộng đồng doanh nghiệp khởi nghiệp quan tâm là "Ngày hội đầu tư" (Demo Day) - diễn đàn tạo điều kiện cho các nhóm khởi nghiệp thuộc đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam, nhiều ý kiến đề xuất liên quan đến chính sách công đã được các nhà đầu tư nêu ra, chẳng hạn như sự cần thiết áp dụng công nghệ thông tin trong các khu vực công, hỗ trợ doanh nghiệp trong các vấn đề đăng ký sở hữu trí tuệ. Một vấn đề không thể thiếu, theo các nhà đầu tư, là sự tăng cường các chương trình gắn kết với tổ chức nước ngoài để thúc đẩy hoạt động đào tạo, tu nghiệp nhằm cải thiện kỹ năng cho các nhà khởi nghiệp, từ quản lý đến kỹ thuật, đào tạo nhân lực kỹ năng cao. Song song với các biện pháp này, Chính phủ cần có chính sách đẩy mạnh dự án tăng cường áp dụng công nghệ thông tin trong bộ máy chính phủ cũng như các bộ, ngành. Các chương trình hay dự án này có thể sử dụng phần mềm từ các doanh nghiệp công nghệ tư nhân, vừa nhằm tiết kiệm nguồn lực vừa tạo thêm cơ hội cho các doanh nghiệp.

Sự hỗ trợ nguồn tài chính ban đầu cho doanh nghiệp khởi nghiệp là đặc biệt quan trọng vì hiện tại, vốn ban đầu của khởi nghiệp Việt Nam chủ yếu đến từ cá nhân và gia đình. Việc thiết thực nhất là Chính phủ có thể hỗ trợ doanh nghiệp bằng cách đưa ra những ưu đãi về thuế. Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, bên cạnh ý chí của người làm KH&CN và tinh thần của người làm doanh nghiệp, yếu tố quan trọng, quyết định thành công của doanh nghiệp chính là các quỹ đầu tư mạo hiểm - điều còn khá mới mẻ đối với Việt Nam. Thiếu quỹ này, Việt Nam sẽ khó có một hệ thống doanh nghiệp khởi nghiệp tốt.

Về cơ bản, tuy còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ nhưng doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam có một tương lai rõ ràng. Với mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam và 9 nhóm khởi nghiệp được lựa chọn, huấn luyện trong thời gian vừa qua, bà Thạch Lê Anh - Chủ nhiệm đề án Thương mại hóa công nghệ theo mô hình Thung lũng Silicon tại Việt Nam khẳng định: Đề án sẽ tạo ra được những doanh nghiệp và cá nhân xuất sắc có đủ khả năng và tố chất như Nguyễn Hà Đông… Còn theo đánh giá của Bộ trưởng Nguyễn Quân, dù kinh phí hạn hẹp nhưng đề án đã bước đầu tạo dựng được những doanh nghiệp khởi nghiệp, sẵn sàng đón nhận sự đầu tư. 9 nhóm khởi nghiệp tiềm năng đều còn rất trẻ, có hoài bão, đam mê với sự nghiệp phát triển KH&CN của đất nước, có tinh thần doanh nghiệp của những doanh nghiệp khởi nghiệp đi lên từ hai bàn tay và khối óc của chính mình. Đó là cơ sở để hy vọng và tin tưởng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Để hy vọng thành hiện thực: Làm gì?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.