Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không “trải thảm đỏ” kiểu chung chung!

Trà My| 19/12/2014 06:16

(HNM) - Nhà khoa học nước ngoài trình độ cao làm việc tại Hà Nội có thể được trả lương cao hơn khi làm việc ở chính nước họ; Quỹ Khoa học và Công nghệ (KHCN) thành phố có thể hỗ trợ cả các nhà khoa học


- Đánh giá lại hoạt động của ngành KHCN Thủ đô trong năm 2014, theo ông đâu là những điểm nhấn đáng chú ý?

- Năm 2014, Sở KHCN tham mưu cho lãnh đạo thành phố ban hành và trực tiếp ban hành một số văn bản nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 04/NQ-HĐND của HĐND thành phố về "Chính sách ưu đãi áp dụng đối với tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển KHCN, cùng các nhà KHCN tham gia thực hiện chương trình KHCN trọng điểm của Thủ đô theo quy định tại khoản 2, Điều 13 Luật Thủ đô". Theo đó, trong chương trình phát triển KHCN trọng điểm Thủ đô giai đoạn 2015-2020, Hà Nội mong muốn thu hút không chỉ đội ngũ trí thức trong nước mà còn kêu gọi chuyên gia Việt kiều, nhà khoa học nước ngoài hợp tác cùng thành phố giải quyết những bài toán về phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hà Nội sẽ không "trải thảm đỏ" theo kiểu mời về cộng tác chung chung như nhiều nơi đang làm, mà chỉ mời những người này khi họ có định hướng nghiên cứu, có thể tạo ra những sản phẩm khoa học cụ thể, phù hợp với định hướng phát triển Thủ đô. Những người này có thể được trả lương tối đa gấp 1,2 lần mức họ đang được nhận ở nước ngoài.

Công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội sử dụng bơm hút bùn công nghệ khí nén nạo vét bùn trên sông Tô Lịch.



Cũng trong năm 2014, Quỹ Phát triển KHCN của thành phố đi vào hoạt động, tạo cơ hội cho các nhà khoa học, người dân yêu khoa học theo đuổi các công trình nghiên cứu và doanh nghiệp đầu tư đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh; đồng thời đáp ứng kịp thời kinh phí thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh theo yêu cầu của thành phố và các sở, ngành với thủ tục đơn giản, hiệu quả, thẩm định nhanh, cấp kinh phí ngay...

- Ông có thể giới thiệu khái quát một số kết quả nghiên cứu đã đi vào thực tiễn cuộc sống, phát huy giá trị trong thời gian gần đây?

- Trong 1-2 năm gần đây, không ít kết quả nghiên cứu đã có đóng góp trực tiếp cho sự phát triển của nhiều lĩnh vực. Nổi bật là trong lĩnh vực y tế với các kết quả như: Nghiên cứu và ứng dụng thành công các kỹ thuật tiên tiến trong phẫu thuật và điều trị các bệnh tim tại Bệnh viện Tim Hà Nội, đưa đơn vị này trở thành một trong những cơ sở y tế chuyên sâu về tim mạch hàng đầu cả nước. Trong lĩnh vực ngoại khoa, đã nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật kết xương mới, áp dụng trong điều trị gãy liên kết mấu chuyển xương đùi cho kết quả rất tốt và tốt đạt trên 96%. Trong lĩnh vực sản nhi, đã áp dụng Surfactant để điều trị trẻ đẻ non suy hô hấp; áp dụng thành công phương pháp thay máu điều trị nhiễm trùng huyết nặng của trẻ sơ sinh cho kết quả tốt, nâng tỷ lệ sống lên gần 70%, giảm số ngày nằm điều trị còn trung bình 19 ngày... Trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, việc lai tạo, đưa vào sản xuất đại trà thành công một số giống lúa, ngô, đậu tương, hoa lan; phương pháp canh tác mới... đã góp phần quan trọng vào chương trình xây dựng nông thôn mới.

- Trong hai kỳ họp HĐND thành phố vừa qua, kết quả đề tài "Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị nạo vét bùn cho các sông thoát nước đã kè bờ của TP Hà Nội" được nghiệm thu từ 4 năm trước nhưng vẫn chưa thể đưa vào vận hành chính thức được cử tri quan tâm. Ông có thể lý giải rõ hơn về vấn đề này?

- Đúng là có chuyện như vậy. Đề tài đã thành công trong việc nghiên cứu, chế tạo, tích hợp các hệ thống thiết bị chế tạo trong nước với bơm hút bùn nhập khẩu từ Châu Âu tạo thành một tàu hút bùn công nghệ cao, chuyên dụng cho nạo vét sông, hồ đô thị. Giá thành chế tạo bằng 1/3 giá thành nhập khẩu. Tàu cũng được Đăng kiểm Việt Nam phê duyệt thiết kế, cấp phép lưu hành. Tháng 9-2010, kết quả sản phẩm của đề tài là tàu nạo hút bùn đã được bàn giao cho Công ty TNHH một thành viên Thoát nước Hà Nội. Tại biên bản bàn giao, Sở Xây dựng cũng đã ghi rõ Công ty Thoát nước Hà Nội có trách nhiệm quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả thiết bị này.

Việc tàu hút bùn chưa được đưa vào sử dụng, Sở KHCN có một phần trách nhiệm trong việc tham mưu, đề xuất để tháo gỡ những vướng mắc. Bởi từ trước đến nay, các sản phẩm KHCN từ trung ương đến địa phương sau khi nghiên cứu thành công đều được các đơn vị tiếp nhận ứng dụng. Tuy nhiên đến nay, văn bản của trung ương mới chỉ hướng dẫn phần định giá những trang thiết bị máy móc hoàn chỉnh được mua trên thị trường phục vụ cho công tác nghiên cứu của các đề tài, dự án. Đề tài được nghiên cứu, chế tạo ra thì chưa có hướng dẫn định giá do đó việc đưa tàu nạo hút bùn vào hoạt động gặp khó khăn. Chúng tôi cũng như những bên có liên quan như Sở Tài chính, Sở Xây dựng xem đây là "điểm nghẽn" cần phải xử lý rốt ráo.

- Năm 2015 và những năm tiếp theo, Sở sẽ tập trung vào những phần việc nào để nâng cao chất lượng hoạt động của ngành?

- Tôi cho rằng, việc tiếp tục đổi mới cơ chế chính sách để làm sao từ quá trình nghiên cứu đến thực tiễn đời sống cần phải được rút ngắn tối đa là vấn đề cấp thiết. Do đó, Sở KHCN vẫn kiên trì định hướng là khúc mắc ở đâu xử lý dứt điểm khâu đó, theo hướng rút ngắn thủ tục hành chính. Ngoài ra, công tác kiểm tra, giám sát định kỳ về sở hữu trí tuệ; các thiết bị chiếu xạ công nghiệp, y tế... tiếp tục được thực hiện trên diện rộng. Năm 2015, Hà Nội cũng sẽ có công cụ để tự kiểm tra chất lượng xăng dầu lưu thông trên thị trường, phần việc trước đây khi có nghi ngờ vẫn phải chuyển sang Tổng cục Tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng giám định.

- Xin trân trọng cảm ơn ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không “trải thảm đỏ” kiểu chung chung!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.