Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm sự bình đẳng cho người sử dụng

Việt Nga| 30/01/2015 07:10

(HNM) - Tại cuộc họp Ban chỉ đạo (BCĐ) số hóa truyền hình mặt đất đến năm 2020 tại Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) mới đây, một lần nữa lãnh đạo Sở TT-TT Hà Nội đã kiến nghị để Hà Nội lùi thời điểm một năm ngắt sóng truyền hình công nghệ tương tự (analog). Vì sao lại có chuyện này?

Công nghệ số hóa dần chiếm lĩnh thị trường truyền hình. Ảnh:Nguyễn Ngọc



Trước hết, về việc ngừng phát sóng truyền hình analog, theo quy định trong Quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt thì Hà Nội (cũ) là một trong 5 thành phố trực thuộc TƯ ngắt sóng analog trước ngày 31-12-2015, khu vực Hà Nội mở rộng (Hà Tây cũ) ngắt sóng analog trước ngày 31-12-2016. Tại cuộc làm việc giữa lãnh đạo Bộ TT-TT với UBND TP Hà Nội hồi đầu năm 2014, lãnh đạo UBND thành phố cũng đã có kiến nghị Bộ TT-TT xem xét việc để Hà Nội ngắt sóng truyền hình analog trên toàn địa bàn cùng thời điểm nhằm tránh phân biệt vùng miền và tên gọi Hà Nội (cũ) với Hà Tây (cũ), vì nay chỉ là Hà Nội. Sau đó, UBND thành phố cũng có văn bản gửi BCĐ Đề án số hóa, Bộ TT-TT kiến nghị về việc này. Cụ thể, UBND TP Hà Nội đề nghị lùi thời điểm ngắt sóng analog trên toàn địa bàn vào trước ngày 31-12-2016 (chậm hơn quy định một năm). Được biết, trong kiến nghị của UBND thành phố gửi BCĐ cũng nêu rõ hai lý do việc chọn một thời điểm ngắt sóng còn là nhằm bảo đảm sự bình đẳng, không phân biệt vùng miền giữa các địa bàn Hà Nội. Vì, đặc thù Thủ đô có đông dân cư sinh sống với hơn 10 triệu người (gồm 7 triệu người có hộ khẩu thường trú, tạm trú và khoảng 3 triệu người thuộc diện vãng lai), do vậy, nếu ngắt sớm sóng analog sẽ gây khó khăn cho người dân, nhất là lao động ngoại tỉnh. Bên cạnh đó, việc ngắt hoàn toàn sóng analog ngay sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Đài Truyền hình Hà Nội - hiện phủ sóng tới 20 triệu dân số đến các tỉnh lân cận, nên nếu thực hiện theo đúng lộ trình thì người dân khu vực xung quanh Hà Nội cũng sẽ không xem được truyền hình của Đài Hà Nội.

Tuy nhiên, tại cuộc họp BCĐ, đề xuất này của Hà Nội chưa nhận được sự đồng tình. Theo lãnh đạo Bộ TT-TT, việc đề xuất lùi ngắt sóng analog của Hà Nội là chưa hợp lý vì vẫn còn gần một năm nữa để thực hiện. Trong khi đó, theo quy định, nếu 95% số dân trên địa bàn chưa có đầu thu tiêu chuẩn DVB-T2 thì vẫn duy trì phát sóng analog. Đồng thời cho biết để sát thời điểm cuối năm 2015 sẽ xem xét vấn đề này. Lãnh đạo Bộ TT-TT cũng cho rằng hiện Hà Nội có một số thuận lợi hơn so với các địa phương khác như hộ nghèo ít, sẵn sàng về kinh phí, truyền thông lại được AVG cam kết hỗ trợ 50.000 đầu thu kỹ thuật số cho hộ nghèo. Vì vậy, Hà Nội cần phải thực hiện theo như quy định và cố gắng đẩy nhanh tiến độ ngừng phát sóng khu vực Hà Nội mở rộng sớm hơn một năm để cùng thời điểm với Hà Nội cũ (trước ngày 31-12-2015). Còn về lo ngại khi 5 thành phố trực thuộc TƯ (gồm Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Cần Thơ) ngừng phát sóng analog (trước ngày 31-12-2015) thì người dân lân cận không được xem truyền hình, theo BCĐ Đề án số hóa thì đã có hai phương án được tính tới. Thứ nhất, sau khi ngừng phát analog thì Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) sẽ phát bù sóng cho các khu vực lân cận với 5 thành phố trên. Để thực hiện phương án này sẽ phải cần kinh phí tới 200 tỷ đồng xây dựng các trạm phát bù và cần 20 tỷ đồng để vận hành trong vòng một năm. Thứ hai, sau khi ngừng analog sẽ hỗ trợ đầu thu DVB-T2 ở các khu vực lân cận với 5 thành phố. Có nghĩa là việc hỗ trợ đầu thu cho các hộ gia đình thuộc diện hỗ trợ ở những khu vực này (là các địa bàn lân cận của 5 địa phương) được đẩy sớm hơn so với kế hoạch. Như vậy, theo BCĐ Đề án số hóa thì cả hai phương án đã được đặt ra, trong đó phương án thứ nhất có ưu điểm là nếu xây các trạm bù sóng thì giúp việc chuyển đổi số hóa truyền hình mặt đất bảo đảm đúng tiến độ, song nếu thực hiện lại gây lãng phí không nhỏ vì chỉ phục vụ trong thời điểm một năm. Còn theo phương án thứ hai, thì một phần các hộ dân ở các tỉnh lân cận - vùng giáp ranh với 5 thành phố thuộc TƯ sẽ phải chuyển đổi sang số hóa sớm hơn so với dự kiến một năm đòi hỏi cơ quan quản lý phải sẵn sàng phương án đầu thu DVB-T2 bảo đảm để người dân tiếp sóng truyền hình số. Phương án thứ hai cũng đòi hỏi các cấp chính quyền địa phương, cơ quan quản lý nhà nước phải tính toán số hộ gia đình cần hỗ trợ chi tiết, tránh để người dân không tiếp được sóng truyền hình kỹ thuật số.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm sự bình đẳng cho người sử dụng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.