Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phương pháp mới, đơn giản, rẻ tiền

Tuyết Hoàn| 06/03/2015 07:15

(HNM) - Giải thưởng Kovalevskaia năm 2014 công bố vào ngày 7-3 sẽ được trao cho nhóm nghiên cứu của Bộ môn Mô - Phôi thuộc Trường ĐH Y Hà Nội và Khoa Kết giác mạc thuộc Bệnh viện Mắt trung ương do PGS.TS Nguyễn Thị Bình là đại diện với thành quả nghiên cứu sử dụng công nghệ tế bào để điều trị tổn thương bề mặt nhãn cầu.


Lần đầu tiên ứng dụng tại Việt Nam

Với công trình nói trên, PGS.TS Nguyễn Thị Bình và các nhà khoa học của Bộ môn Mô - Phôi, Trường ĐH Y Hà Nội và Khoa Kết giác mạc (Bệnh viện Mắt trung ương) đã nghiên cứu tìm ra phương pháp điều trị tổn thương bề mặt nhãn cầu bằng cách nuôi tạo các tấm biểu mô từ các nguồn tế bào gốc khác nhau: Nếu bệnh nhân bị tổn thương một bên mắt sẽ lấy tế bào gốc từ vùng rìa giác mạc bên mắt lành, nếu bệnh nhân bị tổn thương cả hai mắt sẽ lấy tế bào gốc từ biểu mô niêm mạc miệng. Sau khi nuôi tạo thành công, tấm biểu mô sẽ ghép tự thân vào giác mạc cho bệnh nhân.

Các bác sĩ Bệnh viện Mắt trung ương khám mắt cho bệnh nhân. Ảnh: Hiền Minh



Đây là phương pháp mới đang được áp dụng trên thế giới và vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu, lần đầu tiên được ứng dụng tại Việt Nam. Các phương pháp vẫn đang được sử dụng phổ biến ở Việt Nam là ghép màng ối (chỉ mang tính tạm thời), ghép củng giác mạc tự thân (chỉ áp dụng cho bệnh nhân bị tổn thương một bên mắt và mảnh mô lấy để ghép phải có kích thước lớn nên sẽ ảnh hưởng tới mắt lành), ghép củng giác mạc dị thân (bệnh nhân phải uống thuốc chống loại thải mảnh ghép suốt đời và mảnh ghép hay bị loại thải). Những phương pháp này đều có những hạn chế nhất định.

Khi việc nghiên cứu ban đầu gặp khó khăn do không có kinh phí, các thành viên trong nhóm nghiên cứu đã cùng nhau đóng góp. Đến năm 2006, nhóm được phân công thực hiện 2 đề tài, một đề tài cấp bộ: "Nghiên cứu nuôi cấy tế bào rìa giác mạc và ứng dụng trong điều trị một số tổn thương giác mạc". Một đề tài là nhánh thuộc đề tài cấp nhà nước: "Nghiên cứu quy trình công nghệ tạo tấm biểu mô giác mạc người để điều trị tổn thương bề mặt giác mạc do bỏng". Mặc dù nguồn kinh phí hạn hẹp và điều kiện nghiên cứu còn hạn chế, các nhà khoa học đã khắc phục khó khăn, tìm tòi, nghiên cứu. Đến năm 2007, lần đầu tiên họ đã nuôi tạo thành công tấm biểu mô từ nguồn tế bào gốc vùng rìa giác mạc của thỏ. Các tấm biểu mô này được ghép lại cho thỏ bị bỏng mắt đã cho kết quả tốt. Sau thành công này, việc nghiên cứu trên người được triển khai. Đầu năm 2008, bệnh nhân đầu tiên đã được điều trị tổn thương giác mạc theo phương pháp này. Sau ghép, bệnh nhân đã trở lại làm việc được cho đến nay. Trong 2 đề tài nói trên, nhóm nghiên cứu đã điều trị thử cho 5 bệnh nhân với tỷ lệ thành công 80%.

Đề nghị công nhận quyền sở hữu trí tuệ

Với sự thành công của 2 đề tài trên, năm 2010, Bộ KH&CN tiếp tục cấp kinh phí để thực hiện đề tài độc lập cấp nhà nước "Nghiên cứu quy trình sử dụng tế bào gốc để điều trị một số bệnh của bề mặt nhãn cầu". Trong đề tài này, tập thể nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện các quy trình nuôi tạo và ghép tấm biểu mô nuôi cấy từ tế bào gốc vùng rìa giác mạc để điều trị cho những bệnh nhân bị tổn thương một bên mắt, tỷ lệ ghép thành công 80%. Đồng thời, các nhà khoa học cũng nghiên cứu quy trình trình nuôi tạo và ghép tấm biểu mô nuôi cấy từ tế bào gốc biểu mô niêm mạc miệng để điều trị cho những bệnh nhân bị tổn thương hai mắt, tỷ lệ thành công 70%.

Đáng chú ý, quy trình nuôi tạo tấm biểu mô của nhóm hoàn toàn mới so với các tác giả trên thế giới, lại đơn giản, rẻ tiền và không sử dụng vật liệu có nguồn gốc động vật (vốn là nỗi lo của các nhà nghiên cứu trên thế giới). Theo PGS.TS Nguyễn Thị Bình, thời gian để nuôi cấy một tấm biểu mô mất khoảng trên 20 ngày, với chi phí gốc khoảng trên 10 triệu đồng, rẻ hơn nhiều lần so với một số nước trên thế giới. Hiện quy trình này đang được đề nghị công nhận quyền sở hữu trí tuệ.

Với những kết quả đạt được, nhóm nghiên cứu đã đăng 15 bài báo trên các tạp chí có uy tín, 5 báo cáo ở các hội nghị trong nước chuyên ngành mắt và hội nghị về tế bào gốc, 1 báo cáo tại hội nghị quốc tế, được lựa chọn tham gia 2 hội nghị khoa học công nghệ tuổi trẻ các trường y - dược Việt Nam. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng đã đạt được 2 giải xuất sắc của Hội nghị Khoa học công nghệ tuổi trẻ các trường y - dược Việt Nam lần thứ XV (năm 2010) và lần thứ XVI (năm 2012).

Đại diện cho tập thể được vinh dự nhận giải thưởng cao quý Kovalevskaia năm 2014, PGS.TS Nguyễn Thị Bình cho biết, hiện tại nhóm nghiên cứu đang nghiên cứu quy trình nuôi cấy tế bào gốc để điều trị bệnh Parkinson, bước đầu có kết quả tốt, mang lại niềm hy vọng cho các bệnh nhân bị bệnh Parkinson ở Việt Nam. Nhóm sẽ không ngừng tiến hành các công trình nghiên cứu để đưa các phương pháp điều trị bệnh hiện đại vào điều trị cho người bệnh Việt Nam; đồng thời đào tạo đội ngũ các nhà khoa học trẻ để kế cận duy trì lâu dài hướng nghiên cứu của nhóm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phương pháp mới, đơn giản, rẻ tiền

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.