Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khảo cổ học dưới nước Việt Nam: Thiếu thốn đủ bề

Lâm Vũ| 16/05/2015 07:40

(HNM) - Tại hội thảo khoa học


Nguồn lực hạn chế

Việt Nam có đường bờ biển dài trên 3.000km và hoạt động trên biển diễn ra hơn 2.000 năm về trước. Nằm trên "con đường tơ lụa trên biển", Việt Nam đã chứng kiến mối quan hệ thương mại giữa Trung Quốc và phương Tây hàng thế kỷ trên Biển Đông. Chính vì vậy, chúng ta có tiềm năng khảo cổ học rất lớn, gồm những loại hình di tích chìm ngập có niên đại từ hàng chục nghìn năm trước, cảng và thương cảng có niên đại ít nhất 2.000 năm trước công nguyên, di tích tàu đắm từ thế giới Ả-rập, Trung Quốc và những quốc gia thương mại khác như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Hà Lan, Mỹ, Nhật Bản và Anh.

Hiện nay, nguồn nhân lực cũng như cơ sở vật chất dành cho khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam còn thiếu và yếu.


Tiềm năng lớn là vậy, nhưng việc bảo vệ và khai thác các di vật ở dưới nước chưa được đầu tư xứng tầm. Khảo cổ học dưới nước đòi hỏi một nguồn kinh phí lớn cho cơ sở hạ tầng, thiết bị, kinh phí hoạt động hằng năm, bảo quản di tích di vật và chi phí đào tạo nhân lực. Một chuyên gia khảo cổ học Thái Lan đưa ra cách tính đơn giản về tỷ lệ chi phí tài chính, nhân sự giữa khảo cổ học trên đất liền và khảo cổ học dưới nước là 1/6. Nghĩa là cứ một đồng cần chi phí trên đất liền thì khảo cổ học dưới nước cần 6 đồng.

Nhận thức được tầm quan trọng của khảo cổ học dưới nước, năm 2011, Chính phủ Thái Lan đã thông qua ngân sách 27 triệu bạt (tương đương 900.000 đôla Mỹ) để xây dựng phương tiện đào tạo lặn cho khảo cổ học dưới nước ở Chathaburi, nơi đã có cơ sở vật chất bảo đảm phục vụ nghiên cứu và tập huấn quốc tế được xây dựng từ trước. Một bể bơi hiện đại có độ sâu và các thiết bị thích hợp cho việc tập huấn lặn đã được hoàn thành vào năm 2014. Tại Hàn Quốc, Viện Nghiên cứu di sản văn hóa dưới nước của quốc gia này đã tăng chi phí hoạt động hằng năm từ hơn 5,6 triệu won vào năm 2008 lên gần 10,7 triệu won vào năm 2011. Viện cũng được trang bị tàu SEAMUS (nặng 18 tấn, dài 18m) và NURIAN (nặng 280 tấn, dài 36,4m) có thể làm việc trên biển 20 ngày với 20 nhà nghiên cứu trên boong, được trang bị đầy đủ phương tiện khảo sát và nghiên cứu hiện đại nhất. Vào thập niên đầu của thế kỷ XXI, Trung Quốc đã tăng cường các hoạt động trong lĩnh vực này bằng cách tập hợp các nhà nghiên cứu từ nhiều cơ quan trung ương và cấp tỉnh. Đến nay, họ đã có đội ngũ gồm 710 chuyên gia khảo cổ có khả năng lặn.

Còn ở nước ta, cơ sở vật chất và thiết bị phục vụ cho khảo cổ học dưới nước gần như không có gì, gây khó khăn cho việc triển khai các hoạt động khảo sát và nghiên cứu. Từ khi thành lập vào năm 2013 đến nay, Phòng Khảo cổ học dưới nước tại Viện Khảo cổ chưa được trang bị bất kỳ một thiết bị gì, cũng chưa có một nguồn kinh phí thường niên nào dành cho các hoạt động khảo sát, nghiên cứu dưới nước.

Hệ lụy từ sự thiếu chuyên gia

Thiếu đội ngũ chuyên môn về khảo cổ học dưới nước nên mọi công trình khai quật từ trước tới nay ở nước ta chủ yếu mang tính thương mại, trừ trường hợp ở Châu Thuận Biển. Phần việc khảo cổ được sự đầu tư từ các công ty ở trong hoặc ngoài nước. "Sản phẩm" thu được chia theo tỷ lệ các bộ sưu tập hiện vật bị xé lẻ, một phần được đem bán để bù chi phí khai quật, số còn lại được chia cho một số bảo tàng. Ngay cả với tàu cổ Châu Thuận Biển, dẫu di sản không bị đem bán đấu giá thì sưu tập trong con tàu này cũng bị phân chia. Đây là điều gây bất cập cho công tác lưu trữ và nghiên cứu sau này.

Sự thiếu vắng các nhà khảo cổ học dưới nước người Việt Nam cũng làm cho những công trình khai quật dưới nước trước đây ít nhiều bị ảnh hưởng, do người biết lặn thì không biết làm khảo cổ và người có chuyên môn khảo cổ thì không biết lặn. Sự hạn chế trong việc lập và thực hiện kế hoạch khai quật đã dẫn đến tình trạng di sản biển bị khai thác bừa bãi. Rất nhiều con tàu bị ngư dân phá hủy bằng cách đánh mìn, đào phá, đến nay chỉ còn dấu tích. Nhiều con tàu và hàng hóa trên tàu bị trục vớt bởi những người săn lùng cổ vật.

Việc thiếu vắng một đội ngũ, cơ quan chuyên sâu đã tạo ra những khó khăn lớn đối với công tác điều tra, khảo sát và khai quật. Chúng ta chưa có những đợt điều tra cơ bản để lập bản đồ những con tàu đắm ở vùng biển Việt Nam. "Nếu được chủ động khảo sát bởi một cơ quan nghiên cứu của Việt Nam thì tình hình hẳn sẽ thuận lợi hơn nhiều, nhờ đó, việc bảo vệ những điểm con tàu chìm sẽ chủ động hơn, tránh được sự tàn phá đang diễn ra hiện nay" - TS Phạm Quốc Quân, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia nhận định.

Theo TS Phạm Quốc Quân, muốn cho khảo cổ học dưới nước Việt Nam phát triển sang giai đoạn mới thì phải nhanh chóng đào tạo đội ngũ các nhà khảo cổ học dưới nước trẻ, làm việc tại một cơ quan nghiên cứu chuyên sâu, hoạt động bằng ngân sách với mục đích khoa học. Với tinh thần ấy và nhìn từ các quốc gia biển như Nhật Bản, Hàn Quốc, ông đưa ra ý kiến thành lập Viện Nghiên cứu di sản biển. "Viện nghiên cứu này, ngoài trung tâm khảo cổ học dưới nước, bảo tàng, còn có những trung tâm nghiên cứu về thuyền bè, nghiên cứu về thương mại bằng tàu thuyền, trung tâm về bảo quản, lưu trữ và điều đó sẽ khắc phục tình trạng nghiên cứu thiếu tính kết nối như hiện nay", TS Phạm Quốc Quân khẳng định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khảo cổ học dưới nước Việt Nam: Thiếu thốn đủ bề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.