Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đi tìm “điểm trụ”

Ánh Tuyết| 05/06/2015 06:38

(HNM) - Công nghiệp hỗ trợ được xác định là xương sống của nền kinh tế nước ta. Tuy nhiên, trên thực tế, dù đã có chính sách phát triển, ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam vẫn đang loay hoay tìm hướng đi phù hợp nhưng chưa tạo ra được bước đột phá quan trọng.

Chưa chú trọng tăng năng lực

Theo số liệu của Viện Chiến lược Công nghiệp (Bộ Công thương), nước ta hiện chỉ có khoảng 200 doanh nghiệp trong nước có đủ trình độ tham gia sản xuất cho nước ngoài trong tổng số 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế tạo. Số ít doanh nghiệp đó tập trung chủ yếu vào lĩnh vực xe máy và điện tử. Riêng ngành công nghiệp ô - tô đặt mục tiêu giai đoạn 2010 - 2020 phải nội địa hóa 60% nhưng hiện mới chỉ đạt mức 7%-8%.

Việt Nam vẫn đang tìm hướng đi phù hợp cho phát triển công nghiệp hỗ trợ. Ảnh: Linh Ngọc



Theo Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chúng ta chưa xây dựng được hệ thống các nhà cung cấp chuyên nghiệp về nguyên liệu, cụm linh kiện và phụ tùng. Sự phát triển công nghiệp hỗ trợ còn mang tính tự phát. Trình độ công nghệ so với nhiều nước trong khu vực ASEAN còn có khoảng cách lớn. Nói cách khác, các nhà cung cấp - doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước, thiếu năng lực cung ứng đúng số lượng và chất lượng cần thiết cho các khách hàng lớn, các nhà lắp ráp lớn.

Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là do Việt Nam tập trung nhiều vào gia tăng số lượng doanh nghiệp mới nên bỏ lỡ cơ hội tăng cường năng lực, quy mô cho các doanh nghiệp đang hoạt động. Giáo sư - TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, hiện nay, Việt Nam chưa có chiến lược đầu tư ưu tiên phát triển một vài loại công nghiệp hỗ trợ mang tầm quốc gia để tạo ra sản lượng quy mô lớn.

Trong thập niên 9 của thế kỷ trước, Malaysia đã tập trung phát triển điện và điện tử để phục vụ sản xuất trong nước và tạo ra mặt hàng xuất khẩu chủ lực trên thị trường thế giới (tới năm 2000 đã chiếm 57% kim ngạch xuất khẩu của nước này). Thái Lan khuyến khích FDI vào ngành công nghiệp ô tô, đã thu hút được 17 hãng sản xuất ô tô lớn của thế giới, năm 2012 đạt sản lượng 2,45 triệu chiếc, trong đó khoảng 1/2 để xuất khẩu; 635 nhà cung ứng cấp 1 (chiếm 65%) là doanh nghiệp Thái Lan hoặc liên doanh với nước ngoài với cổ phần chi phối là của người Thái; khoảng 1.700 nhà cung ứng cấp 2 là người Thái.

Sự hạn chế về năng lực của doanh nghiệp Việt Nam một phần là do chiến lược đầu tư mà họ xác định. Qua quá trình làm việc với các doanh nghiệp sản xuất nước ngoài, ông Đặng Đình Thịnh, Công ty CP Sản xuất phụ tùng ô tô và thiết bị công nghiệp JAT đúc kết: Các đối tác lớn nước ngoài như Honda, Piaggio, Yamaha… thường yêu cầu đầu vào có chất lượng rất cao theo các quy chuẩn của họ. Để sản xuất được những linh kiện đầu vào đó, các doanh nghiệp Việt Nam phải được trang bị máy móc tối tân và đối tác chỉ nhìn vào điều kiện đó để đặt hàng, tức là có máy móc rồi mới ký hợp đồng; tuy thế, thường thì các doanh nghiệp phải có hợp đồng chắc chắn rồi mới nghĩ đến chuyện đầu tư công nghệ. Đó thực sự là hạn chế lớn.

Cần có "điểm trụ"

Nghiên cứu kinh nghiệm của một số nước trong phát triển công nghiệp hỗ trợ như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, các chuyên gia đã chỉ ra những vấn đề quan trọng mà Việt Nam cần học hỏi, đó là: Xây dựng mối liên kết chặt chẽ và thông suốt giữa các doanh nghiệp và công nghiệp lắp ráp, chế tạo; xác định doanh nghiệp hạt nhân; nâng tầm doanh nghiệp sản xuất thành các nhà thầu phụ… Tuy nhiên, trước hết, để phát triển công nghiệp hỗ trợ thì cần phải có hệ thống giải pháp gồm định hướng, chính sách của Nhà nước, của địa phương; các doanh nghiệp phải có cách tiếp cận mới trong điều kiện toàn cầu hóa kinh tế thế giới và hội nhập quốc tế của nước ta. GS - TSKH Nguyễn Mại cho rằng: Nước ta có thể đồng thời phát triển công nghiệp hỗ trợ theo hai hướng chính: Thứ nhất là sản xuất phụ tùng, linh kiện cho sản phẩm công nghệ cao như của Intel, Samsung, Canon, cho ngành công nghiệp ô tô, xe máy… Hướng phát triển này đòi hỏi đầu tư trang thiết bị công nghệ, nguồn nhân lực có kỹ năng đáp ứng đòi hỏi của từng loại sản phẩm. Hướng thứ hai là phát triển công nghiệp hỗ trợ ngành may mặc, da giày, và các ngành chế tạo khác không đòi hỏi cao về công nghệ và kỹ năng lao động nhưng tạo ra nhiều việc làm với mức thu nhập cao.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc thì cho rằng, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam phần lớn là sản phẩm thô, trong khi các nước đi trước đang xuất khẩu những thứ tinh hoa nhất mà họ đã làm từ hàng trăm năm nay như máy bay, xe tăng, ô tô. Ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chưa có được những "điểm trụ" để làm nền tảng nên khó có thể phát triển nhanh. Mỗi doanh nghiệp muốn phát triển lâu dài và bền vững thì trước tiên cần có sự đầu tư nghiên cứu, đổi mới công nghệ. Đồng thời, các doanh nghiệp trong nước nên có sự liên kết hợp tác với nhau để sản xuất linh kiện, làm tăng tỷ lệ nội địa hóa và mang lại lợi nhuận cho quốc gia. Việc phát triển công nghiệp phụ trợ cần được xác định là chiến lược quốc gia, chứ không phải việc đơn lẻ của các doanh nghiệp, để có thể cất cánh. Chỉ khi trở thành chiến lược quốc gia, các quyết sách của Nhà nước mới đủ sức vực dậy ngành cơ khí vốn đang rất khó khăn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đi tìm “điểm trụ”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.