Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình: Điểm nhấn từ Đà Lạt

Hương Chi| 02/07/2015 05:56

(HNM) - Để có thể bắt tay vào xây dựng nhà máy điện hạt nhân (ĐHN) đầu tiên, với đội ngũ chuyên gia được đào tạo từ nhiều nước, Việt Nam đã có nhiều năm nghiên cứu, đào tạo và sử dụng năng lượng nguyên tử vào mục đích hòa bình.



Rất nhiều người trong số họ đã góp phần vận hành và khai thác lò phản ứng đầu tiên và duy nhất của Việt Nam tại TP Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) trong 31 năm qua. Đà Lạt đến giờ vẫn là "điểm hẹn" của nhiều thế hệ nhà khoa học hạt nhân của Việt Nam.

Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt.


Tiền đề quan trọng

Lò phản ứng hạt nhân (PƯHN) Đà Lạt hình thành từ Trung tâm Nghiên cứu nguyên tử Đà Lạt (do Mỹ xây dựng từ đầu những năm 1960 và chỉ vận hành trong 5 năm 1963-1968), tái khởi động trở lại vào ngày 20-3-1984 với sự giúp đỡ của Liên Xô cũ. Lò có công suất 500kWt, gấp 2 lần so với thiết kế của Mỹ trước đây. Qua 31 năm xây dựng và phát triển, lò PƯHN Đà Lạt có đóng góp quan trọng trong sự phát triển một số lĩnh vực của ngành công nghiệp, y học, nông nghiệp và năng lượng hạt nhân... nước nhà.

PGS.TS Nguyễn Nhị Điền, Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân (NCHN) cho biết: Từ lò PƯHN Đà Lạt - "trái tim" của Viện NCHN - đến nay, viện đã nghiên cứu và điều chế thành công khoảng 30 chủng loại đồng vị phóng xạ và dược chất đánh dấu để dùng trong y tế và một số ngành kinh tế kỹ thuật khác. Viện cũng đã tư vấn, thiết kế cho các cơ sở y tế trong nước đầu tư xây dựng các khoa y học hạt nhân và xạ trị, góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh của các khoa y học hạt nhân nói riêng và đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật hạt nhân và đồng vị phóng xạ vào các ngành kinh tế - kỹ thuật nói chung. Viện NCHN cũng đã thành công trong các nghiên cứu, triển khai công nghệ bức xạ để bảo quản thực phẩm, khử trùng và biến tính vật liệu, tạo cơ sở cho việc ra đời các trung tâm chiếu xạ công nghiệp ở phía Nam…

Trong lĩnh vực sinh học phóng xạ, Viện NCHN đã nghiên cứu và thành công trong việc sử dụng bức xạ gamma gây đột biến tạo các loại giống cây và hoa mới. Công nghệ trồng nấm, đặc biệt là một số loại nấm dược liệu quý đã được nghiên cứu hoàn thiện và chuyển giao quy trình nuôi trồng cho nông dân áp dụng. Công nghệ nhân giống in-vitro được thực hiện đối với một số cây hoa và cây trồng đặc sản quý hiếm để cung cấp giống sạch bệnh cho nông dân. Viện cũng đang tham gia vào việc bảo tồn giống, bảo tồn đa dạng tài nguyên sinh học thực vật của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung. Ngoài ra, các đồng vị phóng xạ môi trường (7Be, 210Pb, 137Cs...) do Viện NCHN điều chế đã được ứng dụng tốt để đánh giá các quá trình môi trường như trầm tích và bồi lắng của các hồ chứa nước thủy lợi, thủy điện và xói mòn đất, mất dinh dưỡng đất... trong các năm qua.

PGS.TS Nguyễn Nhị Điền cho biết thêm: Lò PƯHN Đà Lạt đã có gần 40.000 giờ hoạt động an toàn, chứng tỏ Viện NCHN đã tập hợp được một đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ đa ngành, được rèn luyện theo tác phong làm việc công nghiệp, làm chủ trong vận hành, bảo dưỡng, bảo đảm kỹ thuật và khai thác các thiết bị khoa học lớn, quan trọng. Đây là cơ sở để tạo dựng niềm tin bước đầu khi Viện NCHN tham gia thực hiện các dự án xây dựng lò phản ứng nghiên cứu công suất cao hơn trong tương lai.

Chiếc áo đã chật!

Với kế hoạch ứng dụng và phát triển năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình của Việt Nam trong những năm tới, trong đó có việc xây dựng các nhà máy ĐHN thì việc có một cơ sở nghiên cứu - đào tạo hạt nhân mới, công nghệ hiện đại là rất cần thiết. Trong khi đó, lò PƯHN Đà Lạt hiện có như "chiếc áo" quá chật, dự kiến sẽ ngừng hoạt động trong 10 năm tới nên cần phải có cơ sở thay thế.

Theo Bộ KH&CN, thỏa thuận xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân được Việt Nam và Nga ký ngày 22-11-2011. Dự án sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ Nga dành cho Việt Nam khoảng 500 triệu USD, gồm hai hợp phần dự án tại Đà Lạt và Hà Nội. Trọng tâm dự án là lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu, có công suất dự kiến khoảng 15MWt, gấp 30 lần so với lò PƯHN Đà Lạt. Bộ KH&CN đã chọn được địa điểm thích hợp cho lò nghiên cứu mới là tiểu khu 151A, Phường 12, TP Đà Lạt. Địa điểm này có quy mô hơn 100ha và có hồ nước với trữ lượng nước đủ dùng cho lò phản ứng, nằm cách ly với khu dân cư, cơ sở hạ tầng như giao thông, điện, nước, viễn thông đầy đủ. Ngoài ra, việc lò nghiên cứu mới nếu được xây dựng ở Đà Lạt cũng sẽ dễ dàng hỗ trợ cho dự án ĐHN tại Ninh Thuận trong quá trình xây dựng và đưa nhà máy vào vận hành, cũng như các dự án sau này ở khu vực miền Trung.

Trung tâm KH&CN hạt nhân được xây dựng nhằm thúc đẩy các lĩnh vực nghiên cứu chiến lược hỗ trợ phát triển ĐHN, tính toán, thiết kế, giải quyết các nhiệm vụ KH&CN liên quan đến thực hiện chương trình ĐHN như thiết bị, nhiên liệu hạt nhân, vật liệu, quản lý chất thải phóng xạ; tham gia đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho lĩnh vực năng lượng nguyên tử nói chung và ĐHN nói riêng. "Tuy nhiên, thời gian qua, việc triển khai gặp nhiều khó khăn, do chưa có sự đồng thuận về "phương án địa điểm" giữa Bộ KH&CN và tỉnh Lâm Đồng. Hiện nay, ngoài việc tiếp tục khảo sát thêm một số địa điểm mới, Bộ KH&CN đang hoàn chỉnh hồ sơ trình Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư và xin phép chỉ định đầu tư và lập hồ sơ phê duyệt địa điểm và dự án đầu tư" - TS Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử (Bộ KH&CN) nói.

Được biết, hiện nay ngoài vị trí do Bộ KH&CN đề xuất ban đầu, UBND tỉnh Lâm Đồng cũng giới thiệu một địa điểm cách Đà Lạt 35km để có thể xây dựng Trung tâm KH&CN hạt nhân mới. Khi hoàn thành (dự kiến là năm 2020), đây sẽ là đơn vị nghiên cứu chủ lực của ngành năng lượng nguyên tử Việt Nam trong tương lai.

Lý giải về việc chọn vị trí xây Trung tâm KH&CN hạt nhân ngay tại Đà Lạt, TS Nicolas Arkhangelsky, cố vấn quản lý sáng chế của Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga - đơn vị được Nga và Việt Nam chọn làm tổng thầu dự án - cho biết, nền địa chất ở Hà Nội dễ xảy ra động đất hơn, nên nếu xây ở Hà Nội sẽ tốn chi phí nhiều hơn. Ở Đà Lạt đã có một đội ngũ có kinh nghiệm vận hành lò PƯHN và Việt Nam cũng có chủ trương xây dựng các nhà máy ĐHN ở phía Nam nên lựa chọn Đà Lạt là đúng đắn.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sử dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình: Điểm nhấn từ Đà Lạt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.