Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hồ sơ được duyệt trong năm 2016

Ninh Chữ| 26/11/2015 06:19

(HNM) - Sau một thời gian tích cực chuẩn bị, chủ đầu tư dự án Nhà máy Điện hạt nhân (ĐHN) Ninh Thuận là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã hoàn thành hai bộ hồ sơ về phê duyệt địa điểm và báo cáo khả thi liên quan đến dự án trình Thủ tướng Chính phủ để Hội đồng thẩm định nhà nước tiến hành các bước tiếp theo,


Cần 8-10 năm để xây dựng tổ máy đầu tiên

Ông Phan Minh Tuấn (Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án ĐHN Ninh Thuận) cho biết, Nghị quyết của Quốc hội về dự án ĐHN Ninh Thuận được lập, phê duyệt trong giai đoạn 2008-2009 và lúc đó những tài liệu nghiên cứu về dự án chúng ta dựa nhiều vào kế hoạch xây dựng nhà máy nhiệt điện. Sau khi Quốc hội phê duyệt chủ trương, chúng ta tìm hiểu thật kỹ, cộng với những thay đổi về công nghệ, trình độ phát triển, sự đặc thù của ngành ĐHN trên thế giới nên Chính phủ yêu cầu phải xem xét thật thận trọng, chuẩn bị kỹ lưỡng trước khi chính thức xây dựng. Riêng việc chọn đối tác xây dựng hai nhà máy ĐHN đầu tiên cũng mất hàng năm, sau đó là cả một quá trình đàm phán kỹ thuật, khả năng hỗ trợ tín dụng ra sao… cũng mất nhiều thời gian. Đặc biệt, sự cố ĐHN Fukushima xảy ra ngày 11-3-2011 có tác động lớn đến kế hoạch phát triển ĐHN của nước ta. Chính phủ yêu cầu có những nghiên cứu sâu hơn về mặt công nghệ, địa điểm xây dựng, các yếu tố địa vật lý liên quan như: Động đất, sóng thần… Chính phủ cũng thống nhất quan điểm là chúng ta không chạy đua theo thời gian mà cần chuẩn bị thật kỹ lưỡng trên nguyên tắc bảo đảm an toàn cao nhất. Mọi công tác chuẩn bị thật chín muồi thì mới chính thức khởi công nhà máy.

Người dân Ninh Thuận nghe giới thiệu về công nghệ điện hạt nhân của Liên bang Nga. Ảnh: Thế Duy



"Thông thường, các quốc gia lần đầu xây dựng nhà máy ĐHN cần khoảng 10-15 năm để hoàn thành tổ máy đầu tiên. Theo nghiên cứu sơ bộ của chúng tôi thì giai đoạn 2019-2020 bắt đầu khởi công Nhà máy ĐHN Ninh Thuận 1 và có thể phát điện tổ máy đầu tiên vào khoảng năm 2028 là hợp lý" - ông Phan Minh Tuấn khẳng định.

Trong khi đó, theo Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử Hoàng Anh Tuấn, chuẩn bị cho dự án ĐHN Ninh Thuận 1, các công tác đào tạo nhân lực, hoàn thiện hệ thống văn bản pháp quy, xem xét các yếu tố kỹ thuật, tuyên truyền… đang được triển khai khẩn trương. Hiện nay, tỉnh Ninh Thuận được giao chủ trì vấn đề di dời, tái định cư. Những người phải di dời sẽ được đền bù đất ở, đất trồng trọt, chăn nuôi theo chính sách của dự án. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Thuận, trong đó có hỗ trợ người dân tái định cư, người dân trong hai huyện Ninh Hải, Thuận Nam có nhà máy ĐHN.

Người dân mong sớm được triển khai

Trung tuần tháng 11-2015, tại TP Phan Rang - Tháp Chàm (Ninh Thuận) đã diễn ra hội thảo - trưng bày về phát triển ĐHN. Sự kiện này mỗi ngày thu hút hàng trăm người dân đến tham quan và đa phần trong số họ đồng thuận với chủ trương phát triển ĐHN, đặc biệt là mong dự án sớm được triển khai để cuộc sống sớm được ổn định. Để nhận được sự ủng hộ của người dân sở tại, công tác tuyên truyền những năm qua được các cấp, ngành tích cực triển khai.

Ông Trần Văn Luyến (Ban Quản lý dự án ĐHN Ninh Thuận), người tham gia công tác truyền thông của dự án từ những ngày đầu, cho biết: Bên cạnh, thuận lợi, đối tượng trong vùng dự án là cộng đồng dân cư đa tôn giáo, nhiều sắc tộc nên để thuyết phục dân chúng phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt. Đặc biệt, sự hoài nghi, quay lưng với ĐHN của số đông trong cộng đồng hay hơn 80% số người được hỏi đều lo ngại về sự cố hạt nhân, về rủi ro phóng xạ đối với sức khỏe con người và môi trường sống... cũng là trở ngại. Kinh nghiệm truyền thông tại địa điểm xây dựng Nhà máy ĐHN Ninh Thuận được phân chia thành các nhóm trong đó chú trọng đến đối tượng chức sắc tôn giáo, nhân sĩ trí thức trong cộng đồng dân tộc Chăm... bởi họ có trách nhiệm, có tiếng nói và ảnh hưởng tới cộng đồng. Bên cạnh đó vẫn tuyên truyền đến các nhóm thông thường, hộ gia đình... Đáng chú ý, khi tuyên truyền tại địa điểm dự án phải nói tới mục tiêu phát triển ĐHN, nguyên nhân chọn Ninh Thuận là nơi xây dựng nhà máy ĐHN đầu tiên cũng như ĐHN là gì và có ảnh hưởng đến sức khỏe, môi trường và con người hay không.

"Thực tế việc truyền thông tại địa điểm dự án giai đoạn đầu khá vất vả, Ban Quản lý dự án ĐHN Ninh Thuận tổ chức tới 100 hội thảo "bỏ túi" nghĩa là chỉ với máy tính, màn chiếu để đến những nơi người dân cần thông tin và không hiểu ĐHN để tuyên truyền cho họ hiểu và ủng hộ. Đặc biệt, trong quá trình truyền thông người dân vùng dự án mong muốn nhiều hơn những gì họ được hưởng về bồi thường, muốn nhiều lợi ích hơn, cũng như quan tâm đến ảnh hưởng của an toàn phóng xạ, môi trường và con cái họ có được tham gia vào đào tạo nguồn nhân lực, làm việc cho nhà máy ĐHN hay không... Vì vậy, việc thông tin và truyền thông để người dân ủng hộ và hài hòa lợi ích rất quan trọng. Có thể nói đến thời điểm này, việc thông tin và truyền thông đã đạt kết quả bước đầu, tuy nhiên việc thông tin và truyền thông phải thường xuyên, liên tục trong thời gian trước khi xây dựng, đang hoạt động và kể cả khi nhà máy dừng hoạt động" - ông Luyến khẳng định.

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, những người dân sống trong khu vực từ 1,5km đến 25km quanh nhà máy ĐHN bị ảnh hưởng nhất nên cần xây dựng chính sách, cơ sở hạ tầng như bệnh viện, trường học, đường sá… thật tốt để người dân gắn bó với mảnh đất đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hồ sơ được duyệt trong năm 2016

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.