Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao giá trị sản phẩm thương hiệu Việt

Ánh Tuyết| 12/02/2016 07:35

(HNM) - Sau 5 năm thực hiện, Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015 đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của sản phẩm, đặc biệt là nông sản, góp phần phát triển bền vững kinh tế - xã hội.

Giá trị nông sản tăng cao

Theo ông Phan Ngân Sơn, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN): Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Hoạt động sử dụng, khai thác tài sản trí tuệ được khởi xướng mạnh mẽ ở các địa phương. Đến nay, đã có 35 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phê duyệt và triển khai chương trình của địa phương, góp phần tích cực để tăng năng suất, chất lượng của sản phẩm hàng hóa là thế mạnh, tiềm năng vùng, miền và nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Thu hái chè tại Mộc Châu. Ảnh: Nhật Nam


Những sản phẩm đặc thù, sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng được chương trình tập trung hỗ trợ bảo hộ và khai thác tài sản trí tuệ. Có 110 dự án dạng này đã được triển khai, chiếm 51,64% tổng số dự án thuộc chương trình. Các sản phẩm đã được Nhà nước bảo hộ sở hữu trí tuệ, các hiệp hội ngành nghề được thành lập để quản lý, phát triển sản phẩm. Bên cạnh đó, chương trình còn hỗ trợ việc thiết kế, in ấn tem nhãn, bao bì, hệ thống nhận diện, xây dựng và ban hành các quy trình kỹ thuật hướng dẫn sản xuất, khai thác, bảo quản sản phẩm.

Sau khi được bảo hộ, khai thác quyền sở hữu trí tuệ, giá trị của nhiều sản phẩm đã tăng rõ rệt, như cam Vinh đã tăng hơn 50% sau khi có chỉ dẫn địa lý và quản lý. Giá bán các sản phẩm chè Mộc Châu có bao bì mang chỉ dẫn địa lý cũng tăng từ 1,7 đến 2 lần so với các sản phẩm cùng loại không có bao bì. Sau khi được bảo hộ, sản phẩm su su Sa Pa đã được đối tác Trung Quốc yêu cầu đóng bao bì và gắn lô gô nhãn hiệu tập thể trước khi xuất khẩu. Đây là tín hiệu rất tích cực vì trước đây, khách hàng Trung Quốc hầu như chỉ nhập khẩu sản phẩm thô, không cần nhãn mác. Cam Cao Phong đã tăng gần 50% giá trị sau khi công bố chỉ dẫn địa lý. Một số nhà xuất khẩu cà phê Buôn Ma Thuột đã và đang cố gắng thỏa thuận với tất cả các nhà rang xay cà phê lớn của thế giới để gắn lô gô chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột nổi tiếng của Việt Nam trên bao bì cà phê xuất khẩu. Sản phẩm chè Tân Cương có bao bì mang chỉ dẫn địa lý được bán với giá cao hơn khoảng 1,5 lần so với các sản phẩm cùng loại không có chỉ dẫn địa lý.

Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết: Trong thời gian qua, Việt Nam đã đưa được quả vải thiều tới những thị trường khó tính nhất như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản, Australia với sản lượng xuất khẩu càng ngày càng tăng. Với sự hỗ trợ của KH&CN, không chỉ giá thành sản phẩm tăng mà thị trường xuất khẩu cũng được mở rộng, bảo đảm thu nhập cho bà con nông dân.

Tập trung hướng tới doanh nghiệp

Dù đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng theo ông Hoàng Văn Tân - nguyên Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, chương trình còn một số hạn chế như chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh và tầm quan trọng của mình, một số nội dung quan trọng chưa triển khai được như mong muốn. Cơ chế cụ thể nhằm huy động và tạo điều kiện thuận lợi cho các cán bộ, chuyên gia vẫn còn thiếu, cần tiếp tục nghiên cứu để đưa ra mô hình cơ quan quản lý bên ngoài dự án và mô hình cơ quan kiểm soát chất lượng sản phẩm.

Thứ trưởng Bộ KH&CN kiêm Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Trần Việt Thanh nhận định, những thành công của Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ trên thực tế còn khiêm tốn so với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp và nền kinh tế. Các hoạt động hỗ trợ bảo hộ, khai thác tài sản trí tuệ đến nay đã được triển khai đồng bộ ở tất cả các địa phương, song còn dàn trải, manh mún, thiếu tính chuyên nghiệp. Chương trình chưa trở thành hạt nhân thúc đẩy các hoạt động tạo lập, sử dụng, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ của cả nước, chưa tạo được nhiều động lực cho các hoạt động đổi mới, sáng tạo của các doanh nghiệp cũng như hoạt động nghiên cứu và phát triển của các viện nghiên cứu, trường đại học.

Để khắc phục tình trạng trên, trong thời gian tới, theo ông Phan Ngân Sơn, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ đổi mới cách tiếp cận và phương thức hướng dẫn, tuyển chọn dự án nhằm đẩy mạnh việc triển khai nội dung bảo hộ và khai thác sáng chế, thương mại hóa tài sản trí tuệ. Đối tượng tập trung hướng tới là doanh nghiệp, các nhà sáng chế, sáng tạo và tài sản trí tuệ của doanh nghiệp. Việc rà soát lại tiêu chí, quy trình xem xét, tuyển chọn dự án cũng sẽ được xem xét lại để bảo đảm lựa chọn đơn vị chủ trì, phối hợp thực hiện dự án thật sự có năng lực, kinh nghiệm triển khai các dự án.

Trong giai đoạn 2011-2015, chương trình đã hỗ trợ việc bảo hộ sáng chế cho 61 giải pháp kỹ thuật và công nghệ, áp dụng thực tiễn 11 sáng chế; quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ cho 9 trường đại học và viện nghiên cứu; bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ đối với 109 đặc sản địa phương mang địa danh; hỗ trợ thành lập 52 hiệp hội, hội để quản lý tài sản trí tuệ của cộng đồng; tập huấn về sở hữu trí tuệ cho hơn 30.000 lượt người; tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ trên đài truyền hình của 49 địa phương với gần 3.000 số được phát sóng.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao giá trị sản phẩm thương hiệu Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.