Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những đột phá công nghệ khiến nhân loại kinh ngạc năm 2015

Theo VTCNews| 12/02/2016 08:49

Não mini, khinh khí cầu phát wifi, xe tự lái... được coi là những bước đột phá công nghệ ấn tượng trong năm 2015.

1. Não mini

Tháng 8/2015, các nhà khoa học thuộc đại học Brown đã thành công trong việc tạo ra não bộ mini trong phòng thí nghiệm nhằm phục vụ cho các nghiên cứu về bệnh lí và thử thuốc, đồng thời giảm thiểu việc thử nghiệm trực tiếp trên động vật.

Quá trình phát triển một tế bào sẽ mất khoảng 2-3 tuần


Những bộ não mini này có đường kính chỉ vào khoảng 1/3 mm, được tạo ra từ các tế bào thần kinh của động vật và có thể được mua với cái giá khá rẻ 0,25 USD (gần 6.000 VNĐ). Toàn bộ quá trình phát triển một tế bào với hệ thống thần kinh 3D phức tạp sẽ mất khoảng 2-3 tuần.

Đây được coi là một trong những bước đột phá khoa học ấn tượng nhất trong năm qua giúp các nhà nghiên cứu có thể tiếp cận với việc nhân rộng bộ não mini này với chi phí thấp và quy trình không quá nghiêm ngặt.

2, Xe tự lái

Cuối tháng 6/2015, Google chính thức thử nghiệm dòng xe tự lái do “gã khổng lồ” nghiên cứu và sản xuất.

Những chiếc xe tự lái này hoạt động theo cơ chế kết hợp giữa hệ thống phần mềm và cảm biến trên xe cho phép chúng nhận diện và xử lý các tình huống như những lái xe chuyên nghiệp.

Với chiếc xe tự lái, Google đang dần hiện thực hóa giấc mơ của không ít người có thể tận hưởng thời gian di chuyển để thư giãn, giải trí mà không cần phải tập trung để điều khiển chiếc xe, hay lo lắng đến tình trạng giao thông.

Hiện tại, mẫu xe này vẫn đang tiếp tục được thử nghiệm tại trụ sở chính của Google ở Mountain View và hứa hẹn sẽ được đưa vào sử dụng trong thời gian tới.

3. Robot có hình dạng giống hệt con người

Tháng 7/2015, Tiến sĩ Ishiguro, cha đẻ của robot hiện đại cho ra mắt Dương Dương, cô nàng robot có ngoại hình không khác gì người thật.

Dương Dương là sản phẩm do công ty SSI kết hợp với Giáo sư Hiroshi Ishiguro, Giám đốc Phòng thí nghiệm robot thông minh tại trường Đại học khoa hoc kỹ thuật Osaka chế tạo.

Dương Dương được coi như một bản sao hoàn hảo nhất của con người tính từ trước đến nay. Da của cô nàng robot được làm từ một loại gel silica rất đặc biệt cho cảm giác giống hệt da người. Cô nàng cũng có thể di chuyển, lắc tay, lắc đầu và ôm mọi người.

Để chế tạo thành công Dương Dương, tiến sĩ Ishiguro đã mất đến 20 năm nghiên cứu, tìm tòi và không ít lần từng có ý định từ bỏ kế hoạch.

Cha đẻ của robot hiện đại tin tưởng rằng với những ưu điểm của mình Dương Dương hoàn toàn có thể thay thế các diễn viên, ca sĩ để trở thành thần tượng của giới trẻ trong một ngày không xa.

4. Khinh khí cầu phát wifi

Với mục tiêu phủ sóng wifi trên khắp thế giới, Google đã ấp ủ và phát triển Project Loon, dự án sử dụng khinh khí cầu có thể phát sóng wifi ở 40% khu vực chưa phủ sóng từ năm 2013.

Nhưng phải cho đến năm 2015, Google mới thông báo dự án này chính thức được đi vào hoạt động.

Theo tính toán, các khinh khí cầu này có thể bay lơ lửng ở độ cao gần 20 km và truyền tín hiệu đến các hộ gia đình trong một bán kính xác định.

Đây được coi là một trong những đóng góp lớn nhất của Google trong năm qua bởi các loại khinh khí cầu thường dễ triển khai, kinh phí thấp, đồng thời có thể dễ dàng phát sóng WiFi tới những nơi có địa lí phức tạp.

5. Công nghệ biên tập lại gen

Tháng 9-2015, Crispr-Cas9, công nghệ biến đổi gene phôi thai người đã chính thức được đưa vào sử dụng trong thực tế sau khi chính phủ Anh phê duyệt đề nghị đưa vào sử dụng thành tựu đáng ghi nhận trong lĩnh vực nghiên cứu gene này.

Crispr/Cas9 sẽ giúp các nhà khoa học tùy chỉnh bộ mã di truyền ADN bằng việc cắt một mẩu ADN từ tế bào phôi thai và thay thế nó bằng một đoạn mã di truyền khác.

Điều này đồng nghĩa với việc các bậc mẹ có thể dễ dàng phát hiện dấu hiệu bệnh lí ngay từ khi bào thai mới hình thành.

Mặc dù vậy, người ta vẫn lo ngại rằng nhiều bậc phụ huynh sẽ điều chỉnh cấu trúc gen, đồng thời “thiết kế” ra những đứa con của họ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những đột phá công nghệ khiến nhân loại kinh ngạc năm 2015

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.