Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khu công nghệ cao Hòa Lạc: Gỡ khó để phát triển

Ánh Tuyết| 29/04/2016 07:15

(HNM) - Sau hơn 17 năm triển khai, Khu công nghệ cao Hòa Lạc vẫn chưa tạo được điểm nhấn và thu hút được nhiều nhà đầu tư.

- Những vấn đề liên quan đến đất đai đã được giải quyết, hạ tầng cơ sở đã được đầu tư bằng nguồn vốn ODA. Vậy Khu CNC Hòa Lạc còn gặp phải những khó khăn gì?

- Tính đến thời điểm hiện nay Khu CNC Hòa Lạc đã tháo gỡ được nhiều vấn đề liên quan trực tiếp đến việc phát triển, xây dựng cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, hiện nay, trong quá trình triển khai chúng tôi còn gặp nhiều khó khăn liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù như ngân sách cho huy động vốn, đầu tư cho phát triển KH&CN, chính sách thu hút đầu tư… Do vậy, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tập trung vào hai mảng chính. Thứ nhất là đẩy mạnh hoạt động đầu tư, xúc tiến khi hạ tầng đã tốt. Thứ hai là sẽ tập trung vào phát triển tiềm lực KH&CN để tạo được môi trường tốt nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng như cho cán bộ đến đây làm việc, bảo đảm hiệu quả để phát triển lâu dài cho các tổ chức, cá nhân.

Sản xuất linh kiện điện tử tại Công ty TNHH NOBLE, Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ảnh: Thái Hiền


- Vậy đâu là điểm nghẽn lớn nhất cần được giải tỏa để những những dự định nói trên có thể được thực hiện?

- Để phát triển Khu CNC, chúng tôi đang chịu sự điều chỉnh bởi rất nhiều luật, đặc biệt là các luật về vấn đề đất đai, xây dựng, quy hoạch, môi trường. Những vấn đề này thông thường được giao cho chính quyền địa phương quản lý. Chúng tôi là đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN, do vậy chưa đủ vị trí pháp lý và thẩm quyền để quyết định, mặc dù đã nhận được sự hỗ trợ, hợp tác của chính quyền địa phương để quản lý.

Trong quá trình triển khai giải phóng mặt bằng, Thủ tướng đã chỉ đạo giải quyết nhiều vấn đề khó khăn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, chính sách đã có nhiều thay đổi cùng với Luật Đất đai và hằng năm UBND Hà Nội ban hành bảng khung về giá đất. Như vậy, mỗi năm giá đất sẽ một khác. Vì vậy, chúng tôi mong muốn có một giải pháp cho vấn đề giải phóng mặt bằng của Khu CNC Hòa Lạc. Có một thực tế đang diễn ra là, những người chây ỳ trong bàn giao đất thì lại được hưởng giá đền bù cao hơn theo chính sách mới. Điều này gây ảnh hưởng tiêu cực rất lớn tới công tác giải phóng mặt bằng.

- Còn các chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư và cán bộ làm việc tại Khu CNC Hòa Lạc thì sao, thưa ông?

- So với các khu CNC khác trong cả nước thì chính sách cho Khu CNC Hòa Lạc có ưu đãi hơn, song chưa nổi trội, đặc biệt là so với các khu CNC ở nước ngoài. Nhân đây, chúng tôi cũng đề xuất một số giải pháp nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư cũng như các cá nhân. Ví dụ như, chúng tôi xin miễn giảm tiền thuế thu nhập cá nhân phát sinh tại Khu CNC Hòa Lạc để tạo điều kiện cho các cán bộ đến đây làm việc.

Đặc biệt, hiện nay Khu CNC đã có trên 10 nghìn cán bộ, tuy nhiên chưa có nhà đầu tư nào đầu tư vào nhà ở do kinh phí lớn, chính sách ưu đãi lại không hấp dẫn. Ngoài ra, theo quy định của Luật Đất đai, nhà ở Khu CNC chỉ được cho thuê chứ không được bán. Đây cũng chính là nguyên nhân ảnh hưởng đến tâm lý an cư lập nghiệp của người dân Việt Nam. Nhà đầu tư phải bỏ ra kinh phí ban đầu lớn để xây dựng khu nhà ở, nhưng tiền thu lại thì nhỏ giọt.

Hiện chúng tôi cũng đề xuất một số biện pháp ưu đãi cho đối tượng này. Những đề xuất này dù có thể vượt ra ngoài các quy định đã có, song không phải là chưa có tiền lệ. Hiện có biện pháp đã được áp dụng, như thuế thu nhập cá nhân được giảm 50%, doanh nghiệp nhà ở xã hội cũng được miễn một số loại thuế.

- Trước nhiều vấn đề phải vượt qua như vậy, đâu là giải pháp quan trọng nhất để giải quyết các nút thắt cho việc xây dựng và phát triển Khu CNC Hòa Lạc, thưa ông?

- Chúng tôi mong muốn có được cơ chế đặc thù đủ hấp dẫn và giao cho Ban Quản lý đủ thẩm quyền để làm sao cung cấp được các dịch vụ tốt nhất cho các nhà đầu tư và xử lý được các vấn đề phát sinh trong quá trình xây dựng, triển khai, đặc biệt là bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước tại Khu CNC.

Ban Quản lý hiện phải làm việc với rất nhiều đơn vị để xin ủy quyền. Ví dụ như về đất đai thì phải làm việc với Sở Tài nguyên - Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện. Về xây dựng thì phải xin ủy quyền của Sở Xây dựng, một số đơn vị chuyên ngành cấp huyện, cấp xã… Trong khi đó, nếu chúng tôi được giao trách nhiệm một cách mạch lạc, rõ ràng thì có thể chủ động xử lý những vấn đề phát sinh và chúng tôi sẽ chịu trách nhiệm trước cơ quan quản lý về quyết định của mình. Sự hỗ trợ đó của các cơ quan quản lý là điều đặc biệt quan trọng để Khu CNC Hòa Lạc phát triển trong giai đoạn tiếp theo, nhằm đạt mục tiêu vươn tới tầm cạnh tranh không chỉ trong nước mà ở tầm khu vực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khu công nghệ cao Hòa Lạc: Gỡ khó để phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.