Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngày hội STEM 2016: Ươm mầm tình yêu khoa học

Ánh Tuyết| 13/05/2016 08:20

(HNM)- Trong hai ngày 14 và 15-5, Cục Thông tin khoa học và công nghệ (KH&CN) quốc gia phối hợp với nhiều cơ quan tổ chức Ngày hội STEM 2016, với mong muốn ươm mầm tình yêu khoa học trong học sinh. Đây cũng là sự kiện chào mừng ngày KH&CN Việt Nam 18-5.

Ngày hội STEM 2016 là sân chơi bổ ích và lý thú về khoa học và công nghệ cho học sinh.


Tìm hiểu thêm về một mô hình sân chơi khoa học còn mới mẻ ở Việt Nam, phóng viên đã có cuộc trao đổi với bà Lê Thị Khánh Vân, Phó Cục trưởng Cục Thông tin KH&CN quốc gia, thành viên Ban tổ chức Ngày hội STEM 2016.

- Thưa bà, đây là năm thứ 3 Ngày hội STEM được tổ chức, nhưng vẫn còn khá mới với cộng đồng. Bà có thể cho biết ý nghĩa quan trọng của sự kiện này?

- Đúng là với đa số người Việt Nam hiện nay, STEM vẫn còn khá mới mẻ. STEM là viết tắt của khoa học (science), công nghệ (technology), kỹ thuật (engineering) và toán học (mathematics). STEM là một mô hình giáo dục hiện đại đã được triển khai rộng rãi tại các nước Âu, Mỹ, trong đó tích hợp bốn lĩnh vực nói trên theo nguyên tắc giảng dạy thông qua thực hành, bằng những thí nghiệm thiết thực và sinh động, có thể ứng dụng ngay trong thực tiễn đời sống thường ngày. Cách thức giáo dục của STEM cũng khác biệt cơ bản với cách thức truyền thống lâu nay là giảng dạy từng môn, tìm cách thúc đẩy học sinh nắm bắt kiến thức thông qua bài tập trên giấy. Điều đó dẫn tới tình trạng nhiều em học các môn khoa học kỹ thuật chỉ để đối phó, hay để có thành tích cao trong nhất thời mà không có niềm đam mê thực sự.

Mục đích của chuỗi Ngày hội STEM là tiếp tục nâng cao nhận thức xã hội về giáo dục STEM và gieo niềm đam mê khoa học trong các em học sinh. Ngoài ra, trong Ngày hội STEM lần này còn có thêm một mục tiêu cụ thể quan trọng là thúc đẩy áp dụng giáo dục STEM và góp phần lan tỏa giáo dục STEM trong các trường phổ thông.

- Bà có thể cho biết kết quả đạt được qua hai lần tổ chức STEM trước?

- Qua hai lần tổ chức Ngày hội STEM tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vừa qua, mỗi sự kiện đều thu hút sự tham gia của hàng nghìn học sinh và phụ huynh. Tại Ngày hội STEM, với những trò chơi khoa học mang tính thực nghiệm, nhiều trẻ em đã không còn thấy khoa học là tháp ngà màu xám khô khan, mà tìm thấy vẻ đẹp, sự bí ẩn kỳ thú của khoa học cùng những thí nghiệm đầy màu sắc. Khoa học không còn xa xôi trong ý niệm, mà là thấy, nghe, sờ, chạm một cách sinh động trực quan. Khoa học không còn là sự tiếp thu bài giảng một cách thụ động, mà là trực tiếp tham gia trong vai trò người sáng tạo. Khoa học cũng không còn là bài giảng trên giấy, tách biệt các bộ môn, mà hướng các em tới quá trình tư duy tạo ra các sản phẩm hoàn chỉnh, trong đó gắn kết đa kỹ năng, đa lĩnh vực. Đồng thời, trong quá trình tham gia vào các trò chơi, các em thấy hình ảnh nhà khoa học trong các anh chị hướng dẫn trẻ trung, cũng như ngay chính bản thân mình. Trong vai trò là nhà khoa học nhí, các em thấy mình nhận được sự yêu quý, trân trọng từ cả cộng đồng.

- Ở Việt Nam, theo bà, đã có những mô hình hay hoạt động nào góp phần thắp lửa cho tình yêu khoa học?

- Xác định tầm quan trọng của Bảo tàng KH&CN trong việc nâng cao dân trí cho người dân, nhất là nâng cao kiến thức về khoa học cho các em học sinh, Nghị quyết số 20-NQ/TƯ, Hội nghị Trung ương 6, trong phần nhiệm vụ và giải pháp nêu rõ "Hình thành các bảo tàng KH&CN" và ban hành nghị quyết về chương trình hành động, nêu rõ cần nghiên cứu, xây dựng Ðề án hình thành Bảo tàng KH&CN Việt Nam. Năm 2013, Sở KH&CN Đồng Nai đã đề xuất xây dựng Bảo tàng KH&CN tại xã Xuân Đường, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai trên khuôn viên khoảng 250.000m2 với 5 khu vực trưng bày triển lãm. Bảo tàng sẽ được xây dựng hiện đại, có tính tương tác cao, phục vụ thiết thực cho công tác giáo dục, đào tạo.

Dự kiến Bảo tàng sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2018. Hiện Bộ KH&CN cũng đang nghiên cứu xây dựng Bảo tàng KH&CN Việt Nam tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Hy vọng tương lai không xa, trẻ em Việt Nam sẽ được "đắm mình" trong thế giới khoa học đầy hấp dẫn và đó là nguồn động lực để kích thích các em say mê nghiên cứu khoa học.

- Kỳ vọng lớn nhất vào Ngày hội STEM năm nay là gì, thưa bà?

- Sự kiện dự kiến có sự tham gia của 800 học sinh trong độ tuổi 6-12, cùng các bậc phụ huynh và giáo viên. Hiện nay đã có 840 học sinh đăng ký, nên hệ thống tự động trên trang web của Ngày hội STEM đã đóng. Thành công của hai Ngày hội STEM trước, cùng việc số lượng đăng ký đông, Ban tổ chức lần này tại Hà Nội hy vọng sự kiện sẽ tiếp tục đem niềm vui, niềm đam mê khoa học đến với nhiều em học sinh, đồng thời đem nhận thức mới đến với nhiều bậc phụ huynh và các thầy cô.

Ban tổ chức mong rằng sự kiện sẽ góp phần từng bước đưa giáo dục STEM vào trong từng cơ sở giáo dục, hình thành những CLB STEM trong các trường. Đồng thời, tùy điều kiện cụ thể của từng cơ sở, địa phương và các trường, Ngày hội STEM được tổ chức theo quy mô phù hợp. Đặc biệt, chúng tôi đặt nhiều kỳ vọng ở các thầy giáo, cô giáo, những người sẽ cùng các em học sinh tiếp tục chinh phục, khám phá những trải nghiệm học tập mỗi ngày trên tinh thần, quan điểm giáo dục STEM, để duy trì ngọn lửa STEM trong các em và lan tỏa rộng hơn nữa.

- Xin cảm ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày hội STEM 2016: Ươm mầm tình yêu khoa học

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.