Theo dõi Báo Hànộimới trên

Trăm sự tại... thiếu vốn

Việt Phong| 24/06/2016 08:12

(HNM) - Phát triển nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) là một nội dung quan trọng được đề ra trong Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố Hà Nội đối với định hướng phát triển nông nghiệp Thủ đô. Đặc biệt, chương trình NNCNC đã được UBND thành phố phê duyệt cùng với việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ.


Ngóng... cơ chế

Với người dân xã Đan Phượng (huyện Đan Phượng), việc sản xuất hoa chất lượng cao là hướng đi giúp không ít gia đình vươn lên làm giàu. Theo ông Chu Văn Hòa, Chủ nhiệm HTX Đan Phượng: Toàn xã có 176ha đất nông nghiệp, trước kia chủ yếu là trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp. Để giúp nông dân nâng cao thu nhập từ đồng đất, HTX đã mạnh dạn hướng dẫn bà con chuyển sang sản xuất hoa chất lượng cao. Bước đầu cho thấy, trồng hoa cho thu nhập cao gấp 6-10 lần so với sản xuất lúa. Hiện toàn xã có khoảng 8ha sản xuất hoa chất lượng cao với hai loại chính là hoa cúc và hoa ly, mang lại thu nhập khoảng 300-500 triệu đồng/ha. Anh Nguyễn Văn Dư, một trong những hộ trồng hoa xã Đan Phượng cho biết: Sản xuất hoa chất lượng cao yêu cầu kỹ thuật chăm sóc rất tỉ mỉ, hệ thống nhà vườn phải được đầu tư bài bản. “Người trồng hoa Đan Phượng đang rất mong chương trình NNCNC được thực hiện sớm bởi với cây hoa, nếu đi theo hướng công nghệ cao sẽ cho hiệu quả rất lớn” - anh Dư nói.

Trồng cây công nghệ cao tại huyện Đan Phượng. Ảnh: Thiện Quang



Không chỉ người trồng hoa tại Hà Nội ngóng chương trình NNCNC được triển khai mà nhiều hộ trồng cây ăn quả cũng mong chờ chương trình không kém. Ông Nguyễn Chiến Thắng, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến (Chương Mỹ) cho rằng: Nếu chương trình NNCNC được triển khai với cây bưởi Diễn thì đây đúng là tin vui cho nông dân trong xã, bởi khoảng 5 năm trở lại đây, loại cây đặc sản này đã trở thành cây trồng cho hiệu quả kinh tế cao, mang lại ấm no cho nhiều gia đình.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết: Hà Nội đã xây dựng Chương trình phát triển NNCNC của thành phố giai đoạn 2016-2020 với mục tiêu đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao năm 2020 chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp thành phố; hoàn thành 1 đến 2 khu NNCNC; có 10 doanh nghiệp và 300 trang trại nông nghiệp công nghệ cao. Chương trình triển khai trên tất cả các lĩnh vực như: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản... Để hiện thực hóa chương trình, Hà Nội xây dựng một số chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này và được HĐND thành phố thông qua. Tuy nhiên, đến nay do chưa bố trí được nguồn vốn nên chưa triển khai tới các địa phương, đơn vị.

Hướng đi tất yếu

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, việc sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm NNCNC trên địa bàn thành phố còn ở quy mô nhỏ, phân tán, chưa có các doanh nghiệp, trang trại, các khu, vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất. Hiện tỷ lệ sử dụng giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản công nghệ cao đạt khoảng 30%; diện tích cây trồng mới đạt khoảng 5%, chăn nuôi trang trại mới đạt 20-25%; diện tích nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao mới đạt 2% nên giá trị thu được trên diện tích đất canh tác chưa cao.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng cho biết: Nguyên nhân cơ bản của những hạn chế trên là do hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất nông nghiệp trong các vùng chuyên canh tập trung chưa được đầu tư đồng bộ; nguồn nhân lực NNCNC còn thiếu; vốn đầu tư sản xuất NNCNC chưa đáp ứng được yêu cầu... Để khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư vào NNCNC, thành phố đã ban hành một số chính sách ưu đãi về đất đai, hỗ trợ xây dựng hạ tầng; ưu đãi về thuế, xúc tiến thương mại... Đặc biệt, các đơn vị sản xuất NNCNC sẽ được ưu tiên vay vốn từ Quỹ Khuyến nông thành phố, Quỹ Hỗ trợ nông dân, Quỹ Đầu tư phát triển thành phố. Trường hợp các tổ chức, cá nhân không vay vốn tại các quỹ trên mà vay vốn ngân hàng thương mại, được hỗ trợ 100% lãi suất tính theo mức lãi suất ngân hàng và nhiều chính sách ưu đãi vay vốn khác. Tuy nhiên, cái khó là đến nay nông dân và doanh nghiệp vẫn chưa tiếp cận được vì chưa có nguồn vốn.

“Thời gian qua, dù thành phố chưa bố trí được kinh phí song các đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT, các trung tâm, phòng ban đã tiến hành kiểm tra thực tế tại các quận, huyện, các điểm sản xuất để nắm tâm tư, nguyện vọng của người dân. Đồng thời, lắng nghe những ý kiến, kiến nghị để việc triển khai chính sách được đúng, trúng, hiệu quả. Bước đầu ngành nông nghiệp đã khảo sát chọn vùng, chọn điểm, chọn đối tượng để sản xuất” - ông Nguyễn Huy Đăng cho biết.

Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là hướng đi được nông dân tin tưởng, mong chờ trong bối cảnh phát triển kinh tế cũng như nhu cầu về thực phẩm sạch hiện nay. Rất nhiều địa phương đang mong muốn chương trình sớm được thực hiện để nâng cao giá trị sản xuất ngành nông nghiệp, hướng đến bảo vệ môi trường sinh thái và an sinh xã hội.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Trăm sự tại... thiếu vốn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.