Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng trưởng xanh để phát triển bền vững

Quỳnh Phạm| 26/06/2016 06:22

(HNM) - Phát triển khoa học và công nghệ là nền tảng, là động lực đẩy nhanh tốc độ, chất lượng phát triển bền vững kinh tế - xã hội Thủ đô.

Tăng trưởng xanh là một xu hướng tiếp cận của nhu cầu phát triển bền vững nhằm tạo ra các động lực tăng trưởng mới thông qua nghiên cứu, phát triển công nghệ xanh, tạo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, Hà Nội phấn đấu đến năm 2020, giá trị sản phẩm ngành công nghệ cao, công nghệ xanh trong Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) là 42-45% trở lên...

Sử dụng pin mặt trời góp phần giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường.


Mục tiêu tăng trưởng xanh...

Theo Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2050, TP Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 giá trị sản phẩm ngành công nghệ cao, công nghệ xanh trong GRDP là 42-45% trở lên. Diện tích cây xanh đô thị đạt 10-12m2/người; 100% số dân được sử dụng nước hợp vệ sinh, 80% dân số được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế... Hà Nội cũng đặt mục tiêu: 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh mới áp dụng công nghệ thân thiện môi trường hoặc trang bị các thiết bị xử lý chất thải đạt tiêu chuẩn môi trường; trên 80% cơ sở sản xuất, kinh doanh hiện có đạt tiêu chuẩn môi trường. 100% khu công nghiệp, khu chế xuất và các cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng. Tỷ lệ thu gom và xử lý rác thải trong ngày ở nội thành đạt 100%, ngoại thành đạt trên 95%...

Các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm đã và đang được thành phố di dời hoặc chuyển đổi chức năng sang dịch vụ công cộng. Quy hoạch công nghiệp sạch, công nghệ cao được thực hiện đối với các khu, cụm công nghiệp nằm trong các quận nội thành và vùng đô thị hạt nhân. Môi trường ao, hồ, kênh, mương, các đoạn sông đi qua địa bàn thành phố bị ô nhiễm nặng như: Sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, Sông Nhuệ, Sông Đáy đang được cải tạo và khôi phục. Cùng với việc phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị, xử lý ô nhiễm và nâng cao chất lượng môi trường, Hà Nội sẽ xây dựng đồng bộ hệ thống cấp nước, thoát nước, thu gom nước thải và các trạm xử lý nước thải tại các khu đô thị mới, các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, đô thị vệ tinh...

Để thực hiện được những mục tiêu nêu trên, thành phố đã đề ra một số giải pháp chủ yếu, trong đó có đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ xanh, không gây ô nhiễm môi trường vào sản xuất công nghiệp. Thành phố cũng tăng cường chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ trình độ cao, nông nghiệp sinh thái; đồng thời khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực tài nguyên, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Bên cạnh đó, Hà Nội chủ trương tập trung khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường, nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu, rà soát các quy hoạch, kế hoạch phù hợp với mục tiêu tăng trưởng xanh, thúc đẩy tiêu dùng bền vững và xây dựng lối sống xanh...

Những năm gần đây, Hà Nội tiếp tục duy trì tốc độ phát triển theo hướng tăng trưởng xanh và đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Tuy nhiên, để chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bảo đảm kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển nhanh và bền vững, Hà Nội còn nhiều việc phải làm.

...và ươm tạo doanh nghiệp KH&CN

Theo Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội, TS Lê Xuân Rao, các đề tài, dự án nghiên cứu của Hà Nội tập trung chủ yếu vào việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ mới, sản phẩm mới, xử lý môi trường... Ngành đã tập trung vào các vấn đề liên quan đến mô hình, giải pháp phát triển kinh tế với tốc độ nhanh và bền vững, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; nghiên cứu các quy hoạch phân khu, quy hoạch vùng Thủ đô, đề xuất các giải pháp nhằm giảm tình trạng ùn tắc giao thông... Trong 5 năm qua, Sở KH&CN Hà Nội đã thẩm định công nghệ 115 dự án đầu tư trong các lĩnh vực tài nguyên - môi trường, trong đó có xử lý chất thải, hiện đại hóa các cơ sở y tế, các dây chuyền giết mổ gia súc, gia cầm. Có những dự án đầu tư quy mô lớn, công nghệ tiên tiến như: Công trình Nhà máy xử lý nước thải Bắc Thăng Long - Vân Trì, Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở công suất 200.000m3/ngày đêm; Dự án đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý rác tại Đồng Ké (Chương Mỹ) theo công nghệ đốt không phát điện; Dự án Nhà máy xử lý rác Nam Sơn công suất 2.000 tấn/ngày, xử lý ô nhiễm nước sông, mương, hồ trên địa bàn Hà Nội. Đặc biệt, việc nghiên cứu, phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn được chú trọng theo hướng phục vụ cho đô thị, du lịch và khu công nghiệp. Các loại giống cây, con, công nghệ nuôi, trồng, chế biến và bảo quản nông sản được nghiên cứu theo hướng ứng dụng công nghệ mới, sản phẩm mới. Cùng với đó, Sở KH&CN đã triển khai xây dựng, phát triển nhãn hiệu tập thể cho 25 sản phẩm đặc sản, làng nghề truyền thống góp phần phát triển thương hiệu các làng nghề; giữ gìn, phát huy giá trị của các sản phẩm đặc sản trong nông nghiệp: Tranh thêu Thường Tín, sữa bò Ba Vì, nón Chuông (Thanh Oai), bưởi tôm vàng (Đan Phượng), nhãn chín muộn (Hoài Đức), rau hữu cơ (Sóc Sơn), mây tre đan Phú Nghĩa (Chương Mỹ), khoai lang Đồng Thái (Ba Vì), nhãn muộn Đại Thành (Quốc Oai)...

Mặt khác, Hà Nội đã khánh thành Trung tâm Nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và giám định công nghệ có quy mô lớn nhất Việt Nam, đặt tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, có tổng vốn đầu tư lên tới 600 tỷ đồng, với mô hình nghiên cứu và sản xuất hiện đại, Trung tâm được kỳ vọng sẽ cho ra đời các sản phẩm công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Các lĩnh vực công nghệ được nghiên cứu, chuyển giao và thẩm định gồm: Công nghệ cơ khí chế tạo, công nghệ điện tử - tự động hóa, công nghệ tiết kiệm năng lượng và công nghệ môi trường. Một trong những đề tài mà Trung tâm tập trung tiến hành là nghiên cứu sản xuất pin năng lượng mặt trời có hiệu suất cao, kích thước nhỏ. Theo kế hoạch, những tấm pin năng lượng mặt trời của Trung tâm sẽ hòa lưới điện quốc gia vào năm 2020. Việc hợp tác ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô cũng được đặc biệt chú trọng. Dự kiến trong năm 2016, Dự án Trung tâm giao dịch công nghệ thường xuyên tại phường Xuân La, quận Tây Hồ sẽ hoàn thành, trong đó Khu vườn ươm công nghệ là nơi hỗ trợ các ý tưởng, các kết quả nghiên cứu cần hoàn thiện để hình thành các phát minh sáng chế, các sản phẩm công nghệ có tính khoa học và thực tiễn cao.

Hà Nội đã sớm tiếp cận với xu hướng tăng trưởng xanh, tuy nhiên, để tạo ra động lực tăng trưởng mới thông qua nghiên cứu, phát triển công nghệ xanh, tạo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, còn nhiều việc phải làm. Thời gian tới, theo Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội Lê Xuân Rao, Hà Nội sẽ tập trung phát huy những lợi thế của Thủ đô, đặc biệt là khai thác tiềm năng đội ngũ trí thức, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các hoạt động KH&CN, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, bảo đảm kinh tế - xã hội Thủ đô phát triển nhanh và bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng trưởng xanh để phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.