Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo đảm người dân được xem truyền hình công nghệ số

Việt Nga| 16/08/2016 06:03

(HNM) - Bốn thành phố trực thuộc Trung ương (TƯ) là Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh đã chính thức thực hiện tắt sóng truyền hình công nghệ tương tự mặt đất (analog) để chuyển sang phát truyền hình công nghệ số từ 24h ngày 15-8.


Việc tắt sóng truyền hình analog không chỉ tác động đến người dân - chủ yếu là các hộ nghèo, cận nghèo dùng ti vi thế hệ cũ của 4 địa phương trên, mà còn liên quan đến các hộ gia đình của 19 tỉnh lân cận. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng, các cơ quan chức năng đã và đang nỗ lực bảo đảm cho các hộ dân xem được truyền hình công nghệ số, nắm bắt kịp thời thông tin, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước...

Người dân Thủ đô sẽ được xem truyền hình công nghệ số. Ảnh: Quang Nhật



Tặng đầu thu cho các hộ nghèo, cận nghèo

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo Đề án Số hóa truyền hình Việt Nam, khi ngừng phát sóng truyền hình analog tại 4 thành phố nói trên sẽ có 10 triệu hộ dân trong khu vực bị ảnh hưởng.

Ở thời điểm tháng 4-2016, tại Hà Nội tỷ lệ hộ gia đình chỉ xem được truyền hình analog là 10,7%, Hải Phòng 10%, Cần Thơ 27,9%, TP Hồ Chí Minh 3,9%. Trên cơ sở này Bộ TT-TT chuẩn bị phương án hỗ trợ đầu thu truyền hình số (ký hiệu là DVB-T2) cũng như kiểm chuẩn thiết bị bán ra thị trường.

Theo Quyết định 2451/QĐ-TTg (ngày 27-12-2011) của Thủ tướng Chính phủ, Nhà nước sẽ hỗ trợ đầu thu DVB-T2 cho các hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn Trung ương (lấy kinh phí từ Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích). Có tổng số 413.542 hộ gia đình thuộc diện được hỗ trợ; cụ thể Hà Nội có 34.409 hộ, Hải Phòng 27.706 hộ, Cần Thơ 25.102 hộ và 327.324 hộ ở 19 tỉnh lân cận 4 thành phố. Sau khi trừ số lượng đầu thu mà Nhà nước hỗ trợ cho các hộ nghèo, cận nghèo tại 23 tỉnh, thành phố, tỷ lệ số hộ chỉ xem truyền hình analog (các hộ dùng ti vi thế hệ cũ không thuộc diện được hỗ trợ, phải tự mua thiết bị thu truyền hình số) tại Hà Nội còn 4,08%, Hải Phòng: 2%, Cần Thơ: 3,62%, TP Hồ Chí Minh: 2%).

Cùng với đó, các đơn vị phát sóng tại các thành phố cũng đã triển khai các máy phát sóng kỹ thuật số. Cụ thể, Đài Truyền hình Việt Nam có 10 máy phát sóng DVB-T2 tại khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, 5 máy phát sóng số tại khu vực Nam Bộ, 1 máy phục vụ khu vực biển đảo ở Kiên Giang. Các doanh nghiệp là Công ty CP Truyền dẫn phát sóng Đồng bằng sông Hồng (RTB), Công ty TNHH Truyền hình kỹ thuật số miền Nam (SDTV) cũng đã triển khai các trạm phát sóng tại các tỉnh, thành phố: Hải Phòng, Hà Nam, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ để truyền tải các kênh chương trình truyền hình thiết yếu...

Trở lại việc Nhà nước hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo, cận nghèo (theo chuẩn Trung ương), việc lắp đặt tại các địa phương đã được các đơn vị trúng thầu triển khai từ tháng 5-2016 để bảo đảm cho các hộ có thể xem truyền hình số khi tắt sóng truyền hình analog. Bộ TT-TT khẳng định đến thời điểm ngừng phát sóng truyền hình analog, hầu hết các hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn mới được hỗ trợ đầu thu.

Tối 15-8, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, ông Khuất Văn Thành, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết về cơ bản đến tối cùng ngày đã hoàn thành việc hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn. Cũng theo Giám đốc sở Khuất Văn Thành, có một số hộ gia đình không có nhu cầu lắp đặt đầu thu, hoặc đã tự chuyển sang dùng hình thức dịch vụ khác.

Đẩy nhanh tiến độ lắp đặt thiết bị cho hộ nghèo

Hà Nội có 65.377 hộ chịu ảnh hưởng khi chuyển đổi sang truyền hình số, trong đó có 34.409 hộ nghèo, cận nghèo (theo chuẩn cũ), 18.700 hộ nghèo, cận nghèo (theo chuẩn mới). Tập đoàn Viettel cam kết lắp đặt truyền hình cáp cho 12.018 hộ gia đình thuộc diện hỗ trợ.

Để triển khai, Hà Nội chia làm hai giai đoạn hỗ trợ lắp đặt. Đợt 1 lắp đặt cả hỗ trợ đầu thu và truyền hình cáp cho 46.427 hộ, đợt 2 là 21.900 hộ (gồm toàn bộ 18.700 hộ nghèo theo chuẩn mới; 3.000 hộ tại các địa bàn mà Viettel chưa có cáp, đang nợ cước của Viettel và còn lại khoảng 200 hộ không có nhu cầu lắp đặt).

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới chiều 15-8, ông Phạm Văn Dũng, Giám đốc Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích cho biết, thực hiện chỉ đạo của thành phố, Quỹ và nhà thầu đã lắp đặt xong đầu thu cho 34.409 hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn cũ tại 135 xã, phường, thị trấn thuộc 16 huyện, thị xã. Việc lắp đặt cho các hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn mới sẽ sớm được hoàn thành tại các địa phương còn lại.

Còn theo đại diện Sở TT-TT Hà Nội, tính đến hết ngày 12-8, Viettel đã lắp đặt truyền hình cáp cho gần 9.000 hộ gia đình trong tổng số 12.018 hộ mà đơn vị này cam kết. Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, trong quá trình hỗ trợ lắp đặt truyền hình cáp cho các hộ nghèo có một số khó khăn, Viettel cũng gặp một vướng mắc là do tại một số địa bàn xã, phường chưa có hạ tầng và đề nghị lập danh sách để hỗ trợ đầu thu. Giám đốc Sở TT-TT Hà Nội Phan Lan Tú cho biết, sáng 16-8, Sở TT-TT chủ trì phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các đơn vị liên quan tổ chức đoàn kiểm tra tại một số địa bàn về việc lắp đặt, nhằm bảo đảm các hộ gia đình thuộc diện hỗ trợ được xem ti vi truyền hình số.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo đảm người dân được xem truyền hình công nghệ số

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.