Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển nhiệt điện than: Tìm giải pháp vì môi trường

Thanh Hải| 24/06/2017 07:23

(HNM) - Với việc dừng dự án điện hạt nhân, trong Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2011 - 2020, xét đến năm 2030, nhiệt điện than vẫn là hướng phát triển chủ đạo. Vì vậy, tìm kiếm công nghệ và giải pháp môi trường để giải quyết vấn đề phát thải như tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện than luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu.

Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương.


Xu hướng chiếm ưu thế

Không phải ngẫu nhiên, tại hội thảo về “Bảo vệ môi trường trong các dự án nhiệt điện và công tác quy hoạch sử dụng biển trong giai đoạn hiện nay” do Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) vừa tổ chức, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà đã nhấn mạnh, trong thời gian tới, phát triển nhiệt điện than là xu hướng chiếm ưu thế vì tính hiệu quả.

Tại sao như vậy?

Thực tế, hiện nay, nguồn thủy điện ở nước ta đã khai thác gần hết. Và từ nay đến năm 2030, Việt Nam chưa có điện hạt nhân. Để đáp ứng nhu cầu tăng trưởng về sử dụng điện chỉ còn 2 con đường: Thứ nhất, chấp nhận phát triển nhiệt điện than và thứ hai, nhập khí thiên nhiên hóa lỏng. Tuy nhiên, việc nhập khí thiên nhiên hóa lỏng thường dành cho các nước phát triển vì giá thành sản xuất điện cao. Trong khi đó, nhiệt điện than đang chiếm khoảng 35% tổng sản lượng điện của Việt Nam và có chiều hướng tăng nhanh. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, nhiệt điện than sẽ chiếm tới 53,2% sản lượng điện của Việt Nam vào năm 2030.

Bên cạnh những đóng góp cho phát triển kinh tế, quá trình vận hành nhà máy nhiệt điện than đang tác động nhất định tới môi trường sinh thái. Vì vậy, khi phát triển nhiệt điện than, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đặc biệt quan tâm và thực hiện nghiêm các giải pháp bảo vệ môi trường như: Tuân thủ đầy đủ cam kết về quan trắc và giám sát môi trường đã được phê duyệt trong đánh giá tác động môi trường; xây dựng lộ trình cải tạo hệ thống đốt khởi động lò, để có thể đưa hệ thống lọc bụi tĩnh điện vào ngay khi bắt đầu khởi động. Với các nhà máy hiện tại, Bộ TN-MT đang xem xét các giải pháp để có thể yên tâm về vấn đề môi trường, đặc biệt là khí thải, nước làm mát, hoặc vấn đề xử lý các chất thải rắn như là xỉ than, tro bay. Với các nhà máy sắp đi vào hoạt động như Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải, Bộ TN-MT sẽ quản lý chặt các vấn đề môi trường, đặc biệt là tăng cường giám sát, vận hành...

Xử lý phế thải thành vật liệu xây dựng

Thực tế, hiện nay các nhà máy nhiệt điện than của EVN đều sử dụng hệ thống thiết bị lọc bụi tĩnh điện hiệu suất cao. Quy trình xử lý bụi và khí thải là quy trình đầy đủ, phổ biến của các nhà máy nhiệt điện đốt than trên thế giới. Hệ thống xử lý nước thải công nghiệp đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Nước làm mát tuần hoàn tại điểm đầu ra kênh thải luôn thấp hơn 40 độ C theo quy định. Các nhà máy nhiệt điện than tại khu vực phía Bắc (Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình...) đều đã có hợp đồng với đơn vị tiêu thụ tro, xỉ… Tại miền Nam, Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 đã ký hợp đồng với Công ty CP Đầu tư Mãi Xanh bao tiêu toàn bộ lượng tro xỉ của nhà máy trong toàn dự án để sản xuất vật liệu xây dựng, gạch không nung, kết cấu bê tông lấn biển và xuất thành phẩm qua Cảng Vĩnh Tân.

Cuối tháng 4 vừa qua, Tổng cục Năng lượng - Bộ Công Thương phối hợp với Trung tâm Năng lượng than Nhật Bản (JCOAL) tổ chức đối thoại chính sách than và hội thảo công nghệ than sạch về công nghệ phát điện hiệu suất cao ít phát thải trong khuôn khổ hợp tác song phương Việt Nam - Nhật Bản năm 2017 tại Việt Nam. Theo ông Phương Hoàng Kim, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương), Nhật Bản đang tích cực hỗ trợ Việt Nam nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sử dụng than như công nghệ đốt than phối trộn, kỹ thuật phát điện hiệu suất cao và tỷ lệ phát thải thấp, các công nghệ môi trường như kinh nghiệm về vận hành, bảo dưỡng nhà máy nhiệt điện, xử lý tro xỉ...

Ông Noboru Aoki, Trưởng ban Môi trường, Tổ chức Phát triển công nghệ công nghiệp và năng lượng mới Nhật Bản nhấn mạnh: "Để triển khai cụ thể các nội dung hợp tác, chúng tôi đề xuất thành lập các tổ công tác trao đổi chi tiết hơn nữa, thúc đẩy các nội dung liên quan đến công nghệ phát điện hiệu suất cao ít phát thải, giải pháp môi trường và điều phối - vận chuyển - xử lý than cho điện. Nhật Bản mong muốn được thực hiện hợp tác xây dựng một nhà máy nhiệt điện than điển hình về môi trường ở Việt Nam" - ông Noboru Aoki nhấn mạnh.

Theo kế hoạch, những năm sắp tới, các nhà máy nhiệt điện đốt than vẫn đóng một vai trò đáng kể trong cơ cấu nguồn cung cấp điện năng của Việt Nam. Vấn đề đặt ra là, việc đáp ứng nhu cầu điện năng phải được gắn kết đồng bộ với phát triển bền vững, bảo đảm môi trường sinh thái và ứng phó với biến đổi khí hậu.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển nhiệt điện than: Tìm giải pháp vì môi trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.