Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới quản lý nhà nước về chuyển giao công nghệ

Hạnh Nguyên| 27/06/2017 07:06

(HNM) - Vừa qua, Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua với hơn 93% số phiếu ủng hộ.

Luật Chuyển giao công nghệ sẽ thúc đẩy cải thiện trình độ công nghệ quốc gia. Ảnh: Thái Hiền


- Ông đánh giá thế nào về sự cần thiết phải đổi mới tư duy và phương thức quản lý nhà nước về hoạt động chuyển giao công nghệ trong giai đoạn hiện nay?


- Về phía cơ quan quản lý nhà nước, chúng tôi thấy hoạt động quản lý công nghệ có lúc, có nơi còn chưa bảo đảm chuyển giao được những công nghệ tốt, công nghệ hiện đại, phù hợp cũng như hạn chế được công nghệ lạc hậu, ảnh hưởng đến môi trường Việt Nam. Do đó, cần phải thay đổi rất mạnh mẽ tư duy khi xây dựng luật, để làm sao hấp thụ được các công nghệ tiên tiến của nước ngoài nhưng đồng thời cũng phải quản lý để tránh được những công nghệ có nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, an ninh quốc phòng.

Việc xây dựng Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) lần này hướng đến nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp, tạo ra sản phẩm có năng suất, chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường Việt Nam cũng như quốc tế.

- Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) đã quy định như thế nào để làm rõ trách nhiệm trong quản lý hoạt động chuyển giao công nghệ, nhất là đối với các dự án đầu tư?

- Trách nhiệm trong quản lý hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ đã được quy định cụ thể. Theo đó, từng khâu, từng giai đoạn của quá trình chuyển giao công nghệ đều có người chịu trách nhiệm có ý kiến về công nghệ. Ví dụ trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư, trách nhiệm xem xét nội dung công nghệ dự án đầu tư được quy định như sau: Hội đồng thẩm định nhà nước sẽ thẩm định công nghệ các dự án đầu tư do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư. Bộ KH-CN chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan có ý kiến về công nghệ đối với dự án sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực chủ trì, phối hợp với Bộ KH-CN tổ chức xem xét và có ý kiến về công nghệ đối với dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường có sử dụng công nghệ, thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Cơ quan chuyên môn về KH-CN thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan có ý kiến về công nghệ đối với dự án sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao và dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường, thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Nhìn vào sự phân công sẽ thấy rất rõ trách nhiệm của từng cơ quan, từng cấp, bộ ngành, địa phương.

- Biện pháp khuyến khích thúc đẩy chuyển giao công nghệ và phát triển thị trường KH-CN trong Luật (sửa đổi) lần này được quy định như thế nào?

- Trong lần sửa đổi này, sau khi xin ý kiến các bộ, ngành liên quan về việc chuyển giao kết quả nghiên cứu của các tổ chức KH-CN, chúng tôi thấy cần làm sao khuyến khích các tổ chức nghiên cứu thu thập thông tin của thị trường và những nhu cầu thực tế của xã hội. Sau khi nghiên cứu xong họ sẽ được dùng kết quả của mình, chuyển giao hoặc kết hợp với doanh nghiệp đưa ra những phương án liên kết kinh doanh. Như vậy, người làm khoa học sẽ gắn với thực tiễn và giải quyết bài toán thực tế giúp phát triển kinh tế - xã hội, phát triển doanh nghiệp.

Cụ thể, theo quy định của Luật sửa đổi, Nhà nước có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực: Xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản phát sinh từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ; Quỹ phát triển KH-CN, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia, tổ chức tín dụng được nhận quyền tài sản này để bảo đảm cho giao dịch vay vốn đầu tư, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển sản xuất kinh doanh. Tổ chức, cá nhân đầu tư và hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được ưu đãi thuế.

Tuy nhiên, để hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam một cách toàn diện thì những quy định trong khuôn khổ Luật Chuyển giao công nghệ là chưa đủ mà cần phải có sự sửa đổi, bổ sung trong hệ thống luật và các văn bản quy phạm pháp quy khác.

- Theo ông, Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) được ban hành sẽ tác động như thế nào đến hoạt động chuyển giao công nghệ nói riêng và sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung?

- Chúng tôi tin rằng, Luật có hiệu lực sẽ tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động chuyển giao công nghệ để cải thiện trình độ công nghệ quốc gia, năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp, thúc đẩy tăng chất lượng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Đồng thời, cơ quan quản lý nhà nước có thêm cơ chế để ngăn chặn nhập khẩu công nghệ lạc hậu, tiếp thu và làm chủ công nghệ tiên tiến của thế giới phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Bên cạnh đó, thị trường KH-CN hay cụ thể là thị trường mua bán chuyển giao công nghệ sẽ có một bước phát triển mới, công nghệ sẽ đi vào cuộc sống, len lỏi vào các hoạt động của nền kinh tế. Khi đó, nhiều nhà khoa học sẽ gắn bó với doanh nghiệp và cùng doanh nghiệp giải quyết những bài toán của kinh tế, xã hội.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới quản lý nhà nước về chuyển giao công nghệ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.