Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xu hướng “trực tuyến hóa” trong mua sắm công nghiệp

Hoàng Linh| 08/09/2017 07:14

(HNMO) - Khảo sát về Động lực mua hàng trong ngành Công nghiệp (Industrial Buying Dynamics) năm 2017 do UPS vừa công bố cho thấy, Trung Quốc đang bỏ xa Mỹ và Châu Âu trong việc ứng dụng các kênh trực tuyến và di động nhằm thực hiện hành vi mua sắm.

Mua sắm trực tuyến không chỉ là xu hướng của người tiêu dùng mà còn phát triển mạnh mẽ trong cả môi trường công nghiệp.


Nghiên cứu về Động lực mua hàng trong ngành Công nghiệp của UPS được thực hiện từ tháng 12-2016, với sự tham gia của hơn 2.500 người mua trong ngành công nghiệp tại Trung Quốc, Châu Âu và Mỹ, bao gồm nhiều lãnh đạo cấp cao cùng hàng loạt nhân vật có tầm ảnh hưởng trên thế giới. Nghiên cứu này giúp cung cấp cho các nhà sản xuất một cái nhìn sâu rộng về vị trí của họ trên thị trường, đồng thời nhấn mạnh những yếu tố tiềm năng giúp cải tiến và phát triển kinh doanh.

Hiện nay, tại Mỹ, Châu Âu và Trung Quốc vẫn là những thị trường xuất khẩu chính của các nhà sản xuất Việt Nam. Các hiệp định thương mại tự do mới như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU và Khu vực tự do thương mại ASEAN, hứa hẹn sẽ thúc đẩy làn sóng đầu tư, cũng như cải cách hành chính tại Việt Nam. Từ thực tế này, có thể thấy các nhà sản xuất tại Việt Nam nếu muốn thúc đẩy kinh doanh tại thị trường quốc tế, đồng thời đáp ứng được tốt hơn các nhu cầu của khách hàng tại Mỹ, Trung Quốc và Châu Âu có thể tập trung vào các yếu tố như:

Thứ nhất, tập trung khai thác mua sắm trực tuyến qua sàn giao dịch điện tử và các ứng dụng di động. Theo khảo sát, hiện nay có tới 43% người mua trong ngành công nghiệp tại Trung Quốc đã sử dụng những ứng dụng di động trong việc mua sắm, bỏ xa Mỹ (30%) và Châu Âu (17%).

Thứ hai, tương tác cá nhân trực tiếp vẫn giữ vai trò quan trọng với những nhà sản xuất Việt Nam muốn mở rộng quy mô kinh doanh sang nước ngoài. Tại Trung Quốc và Mỹ, hai kênh mua sắm phổ biến nhất là: trang web chính thức (Trung Quốc 17%, Mỹ 23%), và đại diện bán hàng của doanh nghiệp (Trung Quốc 25%, Mỹ 22%). Tương tự, tại Châu Âu, người mua có xu hướng mua sắm qua thư điện tử (24%) và qua tương tác cá nhân trực tiếp (22%). Đáng chú ý, 93% người mua tại Trung Quốc đòi hỏi được tương tác cá nhân trực tiếp với đơn vị cung cấp dịch vụ trước khi thực hiện hành vi mua sắm. Các nhà sản xuất muốn thâm nhập thành công vào thị trường này cần nỗ lực khai thác mạng lưới liên kết và quan hệ cá nhân phù hợp.

Thứ ba, dịch vụ hậu mãi chính là nhân tố thiết yếu giúp các nhà sản xuất Việt Nam tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Dịch vụ hậu mãi là vô cùng quan trọng và thường được người mua đòi hỏi trên mọi thị trường, đặc biệt tại Trung Quốc (99%), Mỹ (76%) và Châu Âu (86%). Dịch vụ hậu mãi đã trở nên đặc biệt quan trọng, bởi 1/5 đến 1/3 tổng người mua chia sẻ rằng họ có thể sẽ chuyển đổi sang một nhà cung cấp khác với hỗ trợ các dịch vụ hậu mãi. Ít nhất 1/3 người mua tại Trung Quốc (32%), Mỹ (43%) và Châu Âu (34%) mong muốn được hưởng các chính sách đổi trả hàng. Bảo dưỡng và sửa chữa tại chỗ cũng là một nhu cầu mà phần lớn người mua ở Trung Quốc (82%), Mỹ (61%) và Châu Âu (61%) rất chú trọng. Đảm bảo quy trình đổi trả hàng dễ dàng và dịch vụ hậu mãi tại chỗ sẽ giúp các nhà sản xuất, đặc biệt là của Việt Nam, tăng lợi thế cạnh tranh của mình, đồng thời giúp phát triển thị phần quốc tế.

Thứ tư, khi lựa chọn nhà cung cấp, yếu tố tối quan trọng đối với người mua tại Trung Quốc, Mỹ và Châu Âu là chất lượng sản phẩm. Đứng sau là các yếu tố về giá thành/chất lượng phù hợp, cũng như tình trạng hàng sẵn có. Theo khảo sát, phần lớn người mua trong ngành công nghiệp tại Trung Quốc (55%), Mỹ (72%) và Châu Âu (67%) chủ yếu lựa chọn các nguồn hàng sản xuất trong nước. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc 45% người mua Trung Quốc đang mua sắm từ nguồn sản xuất ở nước ngoài; do đó, đây chính là thị trường tiềm năng cho các nhà cung cấp Việt Nam phát triển kinh doanh. Ba lý do chính khiến người Trung Quốc mua sắm hàng trong nước là giá cả (64%), chất lượng (46%) và khả năng dễ dàng trao đổi khi giao dịch (45%). Bởi vậy, nhà sản xuất Việt Nam muốn thâm nhập vào thị trường này cần đẩy mạnh các nỗ lực truyền thông của mình, nhằm tương thích với các nhu cầu khác nhau của mỗi thị trường.

Thứ năm, các dịch vụ giá trị gia tăng, như công nghệ in 3D, là một yếu tố giúp nhà sản xuất Việt Nam trở nên nổi bật hơn trong thị trường đầy cạnh tranh. Kết quả khảo sát cho thấy khả năng sẵn sàng chuyển đổi sang nhà cung cấp tích hợp công nghệ in 3D là đáng lưu ý, với 20% người mua tại Trung Quốc, 18% người mua tại Mỹ và 12% người mua tại Châu Âu. Dịch vụ in 3D giúp gia tăng mức độ hấp dẫn của sản phẩm – giúp nâng cao chất lượng, tính cá nhân hoá và khả năng thực hiện những yêu cầu khẩn cấp.

Có thể thấy, kết quả nghiên cứu đã tái khẳng định xu hướng mua sắm qua sàn giao dịch điện tử và ứng dụng di động, cũng như vai trò quan trọng của tương tác cá nhân trực tiếp khi mua hàng trong ngành. Trong năm yếu tố nêu trên, cũng cần nói rằng dịch vụ hậu mãi là một yếu tố thiết yếu nên được đáp ứng cho người mua tại mọi thị trường, trong đó chính sách đổi trả hàng là dịch vụ được đánh giá cao nhất bởi người mua tại Mỹ và Châu Âu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xu hướng “trực tuyến hóa” trong mua sắm công nghiệp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.