Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để công nghệ Việt không thua trên “sân nhà”

Mai Hà| 03/10/2017 06:46

(HNM) - Nhiều đơn vị nghiên cứu khoa học, gồm các viện, trường, đã và đang cố gắng phát huy tối đa hiệu quả sử dụng trang thiết bị, các phòng thí nghiệm nhằm nâng cao khả năng nghiên cứu, đưa các kết quả nghiên cứu vào cuộc sống.

Một giờ thực hành tại Viện Cơ khí thuộc Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Ảnh: Bách Khoa



Tích cực đầu tư trang thiết bị

Viện Khoa học vật liệu thuộc Viện Hàn lâm khoa học - công nghệ Việt Nam có chức năng nghiên cứu cơ bản về khoa học - công nghệ và phát triển công nghệ cơ bản. Viện có phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia, đã được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại với tổng kinh phí hơn 150 tỷ đồng. Phó giáo sư - Tiến sĩ Đoàn Đình Phương, Phó Viện trưởng Viện Khoa học vật liệu cho biết, từ phòng thí nghiệm này đã ra đời nhiều sản phẩm mang lại thương hiệu cho Viện. Đó là những vật liệu nano y - sinh phục vụ y học, thiết bị tinh chế quặng, linh kiện truyền dẫn quang và truy nhập băng thông rộng, những dịch vụ đánh giá hư hỏng vật liệu, dịch vụ đánh giá tác động môi trường. Những sản phẩm, dịch vụ này cung cấp cho khách hàng là các doanh nghiệp lớn ở trong và ngoài nước, mỗi năm mang lại doanh thu từ 10 đến 13 tỷ đồng cho Viện. Ngoài ra, nhằm tiếp tục tăng cường hệ thống trang thiết bị phục vụ cho nghiên cứu khoa học, mới đây, Viện Khoa học vật liệu đã đầu tư xây dựng Trung tâm đánh giá hư hỏng vật liệu. Kể từ khi thành lập, trung tâm này đã cung cấp dịch vụ kỹ thuật cho hơn 10 nhà máy nhiệt điện.

Không chỉ các viện nghiên cứu mà các trường đại học cũng chú trọng đầu tư trang thiết bị hiện đại, nhất là các trường thuộc khối kỹ thuật. Theo Phó giáo sư - Tiến sĩ Vũ Toàn Thắng, Phó Viện trưởng Viện Cơ khí, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Viện đã thực hiện quy trình đầu tư rất bài bản cho các ngành cơ điện tử với những dự án ODA lên đến 70 tỷ đồng. Hiện nay, Viện cũng đã đầu tư xây dựng 3 phòng thí nghiệm, gồm phòng thí nghiệm thực hành cơ điện tử, phòng thí nghiệm nghiên cứu cơ điện tử, phòng thí nghiệm mô phỏng các thiết bị cơ điện tử. Nhờ tích cực đầu tư trang thiết bị mà thành tích học tập và nghiên cứu khoa học của sinh viên Viện Cơ khí đã có sự cải thiện đáng kể. “Trước đây, sinh viên chủ yếu học lý thuyết. Hiện giờ, hầu hết các môn học đều có thực hành. Qua đó, sinh viên nắm chắc kiến thức và có thể thiết kế, gia công, nghiên cứu, chế tạo để phục vụ đời sống và sản xuất công nghiệp”, Phó giáo sư - Tiến sĩ Vũ Toàn Thắng cho biết.

Tận dụng nguồn lực, hoàn thiện cơ chế

Rõ ràng, việc nghiên cứu trong các trường đại học hay các viện đều không thể thành công nếu thiếu sự đầu tư, đặc biệt là các trang thiết bị, máy móc hiện đại. Tuy nhiên, việc sử dụng, khai thác, duy trì hoạt động của các trang thiết bị này còn hạn chế, bởi nhiều đơn vị chưa biết cách đồng thời đầu tư cơ sở vật chất và trang bị kỹ năng, kiến thức sử dụng cho các giảng viên, nhà khoa học. Bên cạnh đó, các thiết bị hiện đại luôn đòi hỏi một nguồn kinh phí rất lớn để sửa chữa, bảo dưỡng.

Hiện nay, nguồn đầu tư của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho sinh viên Viện Cơ khí để thực hành thí nghiệm phần lớn dựa vào nguồn thu từ học phí. Mỗi năm, một bộ môn được cấp khoản kinh phí trung bình từ 60 đến 100 triệu đồng để mua vật tư tiêu hao, sửa chữa các thiết bị thí nghiệm. Ngoài ra, mỗi năm trường còn đầu tư 1 - 2 tỷ đồng để mua thiết bị cơ khí mới. Theo Phó giáo sư - Tiến sĩ Vũ Toàn Thắng, các trang thiết bị phục vụ đào tạo ngành cơ khí phần lớn có giá hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng nhưng sau vài năm là cần nâng cấp, sửa chữa. Đó là vấn đề khó khăn bởi chi phí sửa chữa rất lớn.

Về vấn đề này, Phó giáo sư - Tiến sĩ Vũ Đình Lãm, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia về vật liệu và linh kiện điện tử nêu ý kiến: “Chúng tôi đề xuất cơ chế Nhà nước và nhân dân cùng làm, tức khi máy móc hỏng, cần sửa chữa thì phòng thí nghiệm chi một nửa kinh phí; các tổ chức, cá nhân tham gia đề tài nghiên cứu đóng góp 50% còn lại”. Bên cạnh đó, có một khó khăn khác là: Nếu sử dụng kinh phí đầu tư phát triển theo quy định của Luật Đầu tư công để mua sắm trang thiết bị thì khoản đầu tư đó phải nằm trong kế hoạch trung hạn hoặc dài hạn, vì vậy, không thể đáp ứng kịp thời nhu cầu nghiên cứu khoa học của các tổ chức khoa học - công nghệ.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị khoa học - công nghệ, Bộ Khoa học - Công nghệ đã trình dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động khoa học - công nghệ. Theo đó, việc sử dụng kinh phí sự nghiệp để bổ sung trang thiết bị phục vụ nghiên cứu và phát triển công nghệ sẽ được quy định rõ hơn...

Theo các chuyên gia, trong điều kiện hiện nay, trước mắt, các đơn vị nghiên cứu cần có định hướng rõ ràng, tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc tăng cường đầu tư và phát huy hiệu quả sử dụng trang thiết bị phục vụ nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, để các đơn vị khoa học - công nghệ có điều kiện thuận lợi hơn trong việc tăng cường năng lực nghiên cứu, Nhà nước cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để công nghệ Việt không thua trên “sân nhà”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.