Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực tế ảo - Tương lai của công nghệ hiện đại

Mai Hà| 31/10/2017 07:07

(HNM) - Công nghệ thực tế ảo đã trở thành một xu hướng phát triển trong thời gian gần đây, và được coi là tương lai của công nghệ hiện đại.

Holocare - giải pháp hỗ trợ bác sĩ toàn cầu, giúp hội chẩn và chẩn đoán bệnh trên nền tảng 3D thực tế ảo của một công ty khởi nghiệp Việt Nam.


Giáo dục và y tế hưởng lợi

Thực tế ảo (virtual reality) là các môi trường giả lập với hình ảnh do con người chủ động thiết kế qua các ứng dụng phần mềm chuyên dụng, được hiển thị trên màn hình máy tính hoặc thông qua kính thực tại ảo nhằm đem lại những trải nghiệm thực tế nhất cho người xem. Thế giới ảo này không tĩnh tại, mà phản ứng, thay đổi theo ý muốn của người sử dụng. Điều này xác định một đặc tính chính của thực tế ảo, đó là tương tác thời gian thực, tức là máy tính có khả năng nhận biết được tín hiệu vào của người sử dụng và thay đổi ngay lập tức thế giới ảo. Người sử dụng nhìn thấy sự vật thay đổi trên màn hình ngay theo ý muốn của họ và bị thu hút bởi sự mô phỏng này.

Không chỉ có trong thế giới game, giải trí, công nghệ thực tế ảo còn cho thấy khả năng ứng dụng hữu ích ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Theo khẳng định của ông Nguyễn Vũ Hiển, Giám đốc Công ty Co-well Châu Á, đây là một trong những công nghệ thuộc tốp tiên phong của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Trên thế giới, công nghệ thực tế ảo đang được áp dụng phổ biến trong các lĩnh vực giải trí, truyền thông, game, kiến trúc, giáo dục… Ở Việt Nam, chúng cũng hứa hẹn sự phát triển rất mạnh trong tương lai.

Giáo dục được cho là một trong những ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ công nghệ thực tế ảo. Công nghệ thực tế ảo được chú ý đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục bởi khả năng tương tác, cho phép con người trên khắp thế giới giao tiếp với nhau một cách thoải mái, không còn bị hạn chế bởi các vấn đề về kinh tế hoặc địa lý. Việc ứng dụng lợi thế này vào các giờ học mang đến cái nhìn trực quan và toàn diện nhất cho học sinh.

Bên cạnh đó, những tiến bộ nói trên cũng rất có ích đối với ngành y tế, cả cho công tác chữa bệnh, nghiên cứu lẫn quá trình hồi phục của bệnh nhân. Hiện nay, công nghệ thực tế ảo đang được các nhà nghiên cứu tại Đại học Louisville (Mỹ) thử nghiệm trong việc chữa trị chứng rối loạn và ám ảnh tinh thần; Đại học Stanford (Mỹ) cũng đã sử dụng công nghệ này trong môi trường thực hành phẫu thuật.

Holomia - một công ty khởi nghiệp của Việt Nam vừa gây bất ngờ khi giành Giải thưởng Lớn tại IDEAS Show APEC 2017 với sản phẩm Holocare. Đây là sản phẩm sử dụng công nghệ thực tế ảo có khả năng hỗ trợ bác sĩ hội chẩn và chẩn đoán bệnh ở phạm vi toàn cầu. Giải pháp của Holocare được đánh giá là phá vỡ những trở ngại về không gian, giúp các bác sĩ trên toàn thế giới có thể cùng tham gia hội chẩn trên môi trường 3D sinh động. Điều này có ý nghĩa đặc biệt trong ngành Y tế bởi nó rút ngắn thời gian chờ đợi, đem lại cơ hội được chữa trị kịp thời cho các bệnh nhân.

Ông Đinh Anh Tuấn, người sáng lập Holomia cho biết: Dự án này xuất phát từ mong muốn khắc phục những bất cập trong công việc của nhiều bác sĩ, khi họ phải khó khăn đọc những file scan 2 chiều và rất khó hình dung, tương tác cũng như khó kết nối thông tin với nhau… Hiện nay, giải pháp Holocare đang được nhiều bác sĩ trên thế giới trải nghiệm và cho những phản hồi tích cực. Tại Việt Nam, các bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cũng đã có những trải nghiệm tương tự với công nghệ mới này.

Vượt qua rào cản nhân lực

Khẳng định tiềm năng của công nghệ thực tế ảo tại Việt Nam, ông Đào Minh Anh, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nội dung số toàn cầu GDC cho biết, Việt Nam đã sẵn sàng thực hiện những bước chuẩn bị quan trọng để đón đầu sự bùng nổ về công nghệ. Bên cạnh những hướng đi mà các công ty công nghệ Việt Nam đang cố gắng đón đầu thế giới như trí tuệ nhân tạo hoặc bigdata (dữ liệu lớn) thì thực tế ảo và thực tế ảo tăng cường là những mảng mà Việt Nam sẽ bắt kịp xu thế của thế giới.

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều tiềm năng thấy rõ, thị trường công nghệ thực tế ảo tại Việt Nam vẫn gặp không ít trở ngại, trong đó, chính bản thân công nghệ tiên tiến cũng là rào cản, bởi nó khiến khách hàng khó tiếp cận. Cũng theo ông Đào Minh Anh, khách hàng - có thể là người dùng hoặc chính doanh nghiệp - đưa ra quyết định lựa chọn và sử dụng công nghệ thực tế ảo trong truyền thông và bán hàng. Họ chưa từng được tiếp cận với công nghệ này. Sự hạn chế về nguồn nhân lực và việc chưa có chương trình đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực mới mẻ cũng đang là trở lực đối với việc phát triển công nghệ thực tế ảo tại Việt Nam. Theo ông Nguyễn Vũ Hiển, trên thực tế, ngay cả các trường đại học, các trung tâm công nghệ thông tin cũng chưa có được những chương trình chuyên đào tạo cho lĩnh vực công nghệ thực tế ảo. Và đây là điều mà chúng ta phải tập trung tìm cách khắc phục.

Nhận rõ tiềm năng, xác định đúng thách thức, các nhà phát triển công nghệ tại Việt Nam càng quyết tâm hơn trong việc đưa công nghệ thực tế ảo đi sâu vào cuộc sống. Ông Bùi Thành Đô, Giám đốc điều hành Công ty Co-well Châu Á khẳng định: “Sự phát triển của công nghệ thực tế ảo tại Việt Nam sẽ nhanh hơn chúng ta nghĩ, nên đây là thời điểm tốt để các doanh nghiệp ứng dụng dần công nghệ này nhằm chuẩn bị cho các chiến lược của mình trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực tế ảo - Tương lai của công nghệ hiện đại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.