Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tranh cãi quanh việc Apple làm chậm Iphone đời cũ: không đáng lo ngại

Nguyễn Thúc Hoàng Linh| 23/12/2017 13:13

(HNMO) - Chỉ vài ngày sau khi Apple thông báo chính thức về việc chủ động làm chậm iPhone đời cũ để đảm bảo khả năng hoạt động bền bỉ, nhiều ý kiến bất bình đã xuất hiện, cùng một số đơn kiện đã được đệ trình lên các tòa án của Mỹ. Thực hư vấn đề này thế nào?

Thông báo mới của Apple "vận" vào những đồn đoán lâu nay đã vô tình thổi bùng cuộc chiến pháp lý không mong muốn.


Hiện tượng cụ thể

Trong những năm qua, nhiều người dùng đã phàn nàn về việc các máy iPhone đời cũ bị chậm đi theo năm tháng. Nhiều máy chậm đi một cách vô lý kể cả khi xét tới thực trạng các phần mềm thế hệ mới thường đòi hỏi cấu hình cao hơn, nên hiển nhiên sẽ chạy chậm trên chip xử lý đời cũ. Cách đây ít lâu, một số người dùng đã tiến hành thử nghiệm đo điểm hiệu năng trên iPhone 6 Plus, trước và sau khi thay pin. Kết quả cho thấy chiếc máy cũ này với pin mới chạy nhanh hơn đáng kể. Điều này khiến những kết luận về việc Apple cố tình làm chậm máy cũ rộ lên trên nhiều diễn đàn công nghệ.

Những tìm hiểu sâu hơn từ giới chuyên môn trong mã nguồn hệ điều hành iOS cũng cho thấy các dòng lệnh liên quan tới việc giảm hiệu năng xử lý khi phát hiện pin iPhone chai tới mức không thể đảm bảo vận hành trơn tru bắt đầu xuất hiện từ phiên bản 10.2.1. Thống kê của Geekbench trên 100.000 iPhone cho thấy, đây là hiện tượng đại trà. Bản thân 10.2.1 cũng là phiên bản mà Apple tuyên bố sẽ giải quyết vấn nạn sập nguồn trên một số iPhone đời cũ. Và thực tế, những máy này không còn bị hiện tượng khó chịu trên, bù lại chúng dường như chậm đi đáng kể.

Một thực tế hiển nhiên rằng pin Lithium-ion sau một thời gian sử dụng sẽ suy giảm khả năng lưu và cấp điện (chai), trong khi iPhone lại thường sử dụng các dòng chip xử lý do chính Apple thiết kế, hết sức phức tạp và cao cấp, nhưng cũng rất nhạy cảm về nguồn điện (không hẳn chỉ là công suất cao). Vì thế, Apple chủ động giảm tốc độ vận hành của các chip xử lý bên trong iPhone cũ nhằm hạ thấp công suất tiêu thụ điện, đảm bảo phần cứng này không tạo áp lực quá lớn lên hệ thống cấp nguồn, đảm bảo thời lượng pin đủ tốt, và tránh những rắc rối khác có liên quan.

Tuy nhiên, dường như "Táo" đã không tính tới thực tế rằng động thái này có thể gây ra những hiểu lầm rất lớn từ phía người dùng.

Rắc rối kiện cáo

Trong vụ kiện mới nhất có liên quan tới pin của iPhone, được một người dùng có tên Keaton Harvey đệ đơn lên Tòa án quận Bắc California (Mỹ), trong đó giải thích rằng chiếc iPhone 6 trước đây do anh sở hữu đã liên tục bị tắt nguồn kể cả khi còn hơn 50% dung lượng pin và trở nên cực kì chậm trong xử lý. Điều này khiến anh quyết định chi tiền mua một chiếc iPhone mới với giá hơn 1.000 USD. Đây là hiện tượng khá quen thuộc với một số mẫu máy iPhone đời cũ và được nhiều người dùng nhận thấy từ lâu. Nói cách khác, Harvey cũng như nhiều người dùng khác cho rằng Apple đã cố tình làm chậm iPhone cũ để buộc người dùng phải chi tiền lên đời.

Người dùng có thể chủ động thay pin để đưa iPhone trở lại trạng thái vận hành tối ưu thay vì chờ đợi kết quả các vụ kiện.


Tuy nhiên, trả lời các đơn kiện tương tự như của Harvey, một công tố viên cho biết, từ tháng 11-2016, Apple đã từng công bố rộng rãi rằng có một số lượng nhỏ các máy iPhone 6s và 6s Plus gặp vấn đề sập nguồn tương tự, buộc hãng phải tiến hành chương trình thay thế pin trong diện hẹp. Tuy nhiên, sau đó "Táo" phát hiện một số thế hệ máy khác cũng bị ảnh hưởng và cho biết đã áp dụng thủ thuật phần mềm để hạn chế bộ xử lý máy (chủ yếu là iPhone SE, 6, và 6s) vận hành ở tốc độ tối đa khi pin đã quá cũ, nhiệt độ quá thấp hoặc dung lượng còn ít nhằm hạn chế tình trạng sập nguồn xảy ra. Apple cũng từng khẳng định sẽ áp dụng thủ thuật này cho cả iPhone 7 kể từ iOS 11.2 trở đi và nhiều thế hệ máy khác trong tương lai.

Tuy nhiên, lời giải thích có vẻ hợp lý về mặt kĩ thuật này không giúp được nhiều cho cuộc chiến truyền thông. Khi ngay lập tức các ý kiến tiếp theo đã cáo buộc Apple sử dụng thủ thuật để che giấu hiện tượng thực tế của pin iPhone, nhằm tiết kiệm chi phí bảo hành, bảo dưỡng, tức là gây thiệt hại cho người dùng. Với nhóm đơn kiện này, các nguyên đơn yêu cầu Apple phải ngay lập tức chấm dứt sử dụng thủ thuật nói trên, đồng thời thông báo rộng rãi tới người dùng và bồi hoàn các khoản chi phí cho ai đã bỏ tiền nâng cấp iPhone vì máy cũ quá chậm. Bên cạnh đó, "Táo" cũng được yêu cầu phải thay thế pin mới cho các máy iPhone quá cũ.

Lỗi nằm ở ai?

Xét ở phương diện kĩ thuật, hướng xử lý của Apple dành cho các máy iPhone đời cũ không phải là bất hợp lý. Bản thân việc những chiếc máy sau khi thay pin mới ngay lập tức chạy nhanh trở lại cũng cho thấy những cáo buộc "giấu giếm" lỗi là không hoàn toàn đúng. Nói cách khác, nếu cho người dùng chọn lựa giữa một chiếc máy dễ dàng sập nguồn bất thường, không thể đoán trước do đặc tính của pin và một chiếc máy chậm hơn nhưng vẫn có độ ổn định, đủ tin cậy để sử dụng, chắc chắn rằng nhiều người trong chúng ta sẽ chọn giải pháp thứ hai. Việc phải tìm nguồn cắm sau khi máy sập nguồn không phải dễ chịu gì, nhất là với những ai đang di chuyển trên đường hoặc cực kỳ bận rộn.

Trong khi đó, sau khi bảo hành thay pin (với những máy còn trong thời gian được hưởng chế độ này) chỉ với một khoản chi phí không lớn để thay pin khi có thể, chiếc iPhone lại sẽ vận hành "như mới".

Tuy nhiên, có thể thấy sự thiếu đồng bộ trong chiến lược truyền thông của Apple khi giải quyết khủng hoảng pin lần này là gốc rễ của những kiện cáo từ phía người dùng. Sự giải thích thiếu thỏa đáng cùng với việc để những đồn đoán về vấn đề cố tình làm chậm máy tồn tại quá lâu khiến những bức xúc từ phía người dùng tăng cao, dẫn tới việc họ ngay lập tức có những phản ứng mạnh khi công bố chính thức về vấn đề pin được đưa ra.

Người dùng nên làm gì

Dĩ nhiên, việc Apple có chấp nhận triệu hồi và thay thế pin diện rộng cho các iPhone đời cũ hay không là điều khó nói. Bởi lẽ thực tế trong thời gian giới hạn bảo hành của các mẫu máy này, hầu như người dùng không gặp trục trặc gì (và nếu có đều được xử lý theo đúng các quy định do Apple đề ra).

Với các máy cũ hơn, do chi phí thay thế pin không quá đắt đỏ nên người dùng hoàn toàn có thể chủ động thay pin nếu cảm thấy máy quá chậm, để đảm bảo hiệu quả sử dụng. Dĩ nhiên, việc chọn những cơ sở kĩ thuật uy tín là điều cần thiết.

Tại Việt Nam, chi phí thay pin cho iPhone thường khá rẻ (dưới 500.000đ với các loại pin có chất lượng đủ tốt). Do đó, việc chọn phương án "lợi cả đôi đường" này thay vì ngồi chờ những động thái tiếp theo của Apple. Bởi lẽ, nếu điều này có trở thành hiện thực cũng sẽ mất rất nhiều thời gian, đủ để nhu cầu nâng cấp máy mới trở nên lựa chọn hấp dẫn hơn nhiều.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tranh cãi quanh việc Apple làm chậm Iphone đời cũ: không đáng lo ngại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.