Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Tiếp sức” doanh nghiệp nghiên cứu

Hạnh Chi| 26/12/2017 07:26

(HNM) - Bộ Khoa học - Công nghệ đã và đang hỗ trợ rất nhiều nhóm nghiên cứu, tổ chức và đặc biệt là doanh nghiệp trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đưa sản phẩm đến với thị trường.

Startup “về đích”

Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ (FIRST) là dự án đầu tiên do Ngân hàng Thế giới tài trợ cho hoạt động khoa học - công nghệ (KH-CN) và đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, với tổng mức đầu tư 110 triệu USD, hướng tới mục tiêu khuyến khích phát triển KH-CN gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của thị trường; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo trong các doanh nghiệp, thúc đẩy sự hình thành, phát triển của các doanh nghiệp KH-CN.

Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo thông qua nghiên cứu, khoa học và công nghệ góp phần khuyến khích phát triển KH-CN gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của thị trường. Ảnh: Sơn Hà


Tại hội nghị đánh giá hoạt động và các kết quả đạt được của Tiểu hợp phần 2b - Thúc đẩy liên kết đổi mới công nghệ giữa doanh nghiệp và cộng đồng KH-CN, thuộc Dự án FIRST, diễn ra tuần qua, ông Phạm Văn Diễn, chuyên gia của FIRST cho biết: Hiện đã có 3 doanh nghiệp khởi nghiệp và 9 nhóm liên kết với gần 60 đơn vị được thụ hưởng chính sách, trong đó có hơn 10 viện nghiên cứu, trường đại học, còn lại là doanh nghiệp. Có 2 doanh nghiệp startup đã “về đích”, cơ bản hoàn thành công việc, có sản phẩm, kết quả cụ thể, đó là Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghệ Trí Nam với giải pháp “Quản lý công việc - VTICK” và Công ty cổ phần Dịch vụ và Truyền thông Minh Việt với “Phần mềm hỗ trợ giáo dục cho học sinh mầm non, tiểu học và trung học cơ sở”.

Nhận định về lộ trình của các tiểu dự án khi tham gia Dự án FIRST, ông Phạm Văn Diễn cho biết: "Phần lớn các doanh nghiệp khi tham gia dự án đều gặp những khó khăn nhất định về khả năng quản trị, thương mại hóa sản phẩm hoặc về tài chính. Với sự hỗ trợ của FIRST, các doanh nghiệp đã có những thay đổi khác biệt. Cụ thể, Công ty Trí Nam đã tìm được một đối tác khá lớn đó chính là VNPT Hà Nội, sau khi sản phẩm được thương mại hóa. Điều này cho thấy, bản thân các doanh nghiệp đều có lòng tin, có công nghệ, chỉ là họ thiếu "sức mạnh" để nâng đỡ cho dự án được chắp cánh và đến với khách hàng”.

Ông Trương Đức Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư phát triển công nghệ Trí Nam chia sẻ: Tổng kinh phí thực hiện dự án là 5,7 tỷ đồng, trong đó FIRST hỗ trợ 70%. Nếu không có sự hỗ trợ của FIRST, thời gian thực hiện kế hoạch phát triển sản phẩm sẽ lâu hơn. Trong khi đó, thế giới công nghệ biến chuyển rất nhanh, nếu không kịp thời đưa sản phẩm ra thị trường, có thể những nghiên cứu sẽ lạc hậu.

Nhìn lại quá trình thực hiện dự án, ông Trần Quốc Thắng, Tổ trưởng Tổ giám sát và đánh giá, Ban Quản lý Dự án FIRST cho rằng, dự án đã xây dựng một hệ thống giám sát, đánh giá, tiếp cận theo tiêu chuẩn dự án quốc tế. Cùng với hệ thống các chuyên gia độc lập, kiểm toán nội bộ, kiểm toán độc lập,… các dự án đều trải qua quy trình giám sát, đánh giá chặt chẽ, công khai.

Vươn ra thị trường

Đánh giá ở khía cạnh vươn ra thị trường và được thị trường chấp nhận, giải pháp “Quản lý công việc - VTICK” là một điểm sáng. Đây là một phần mềm ứng dụng, cho phép người sử dụng lên danh sách các mục tiêu, kế hoạch, nhiệm vụ cá nhân, sự kiện tham gia, ghi chú các công việc cần thực hiện… Điểm nổi bật là VTICK được triển khai theo mô hình điện toán đám mây, qua đó mọi dữ liệu và thông tin được quản lý lưu giữ an toàn bảo mật trên hệ thống máy chủ tập trung. Ông Trương Đức Tùng cho biết, sau khi tìm hiểu những vướng mắc của doanh nghiệp, FIRST đã trực tiếp hỗ trợ, giải đáp những khó khăn và thương mại hóa sản phẩm để đưa ra thị trường. Cụ thể, sự hỗ trợ của FIRST liên quan đến nghiên cứu các nền tảng trên mobile, về tính bảo mật và hiệu năng, đặc biệt là đào tạo nâng cao năng lực cho các nhóm chuyên gia. Đó là những lợi ích lâu dài và bền vững cho công ty. Đến nay, mặc dù mới hình thành ở phiên bản đầu tiên, thí điểm sản phẩm nhưng đã có một số khách hàng lớn quan tâm và sử dụng như EVN Hà Nội, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Trung tâm Quốc gia về dịch vụ việc làm (Bộ LĐ-TB&XH),… với doanh thu bước đầu đạt 3,2 tỷ đồng.

Một startup “tốt nghiệp” khác là Công ty cổ phần Dịch vụ và Truyền thông Minh Việt với Dự án “Nghiên cứu và phát triển công nghệ tăng cường thực tế trên thiết bị di động - Ứng dụng sản xuất phần mềm hỗ trợ giáo dục cho học sinh mầm non, tiểu học và trung học cơ sở”. Theo ông Bùi Quang Huy, Giám đốc dự án, qua 14 tháng triển khai, Minh Việt đã nghiên cứu mô hình ứng dụng công nghệ tạo ra sản phẩm Magicbook. Đó là bộ sản phẩm trò chơi được phát triển đặc biệt nhằm khơi gợi khả năng học tập, sáng tạo không giới hạn của trẻ nhỏ. Các trò chơi của MagicBook là sự kết hợp giữa đồ chơi vật lý và ứng dụng công nghệ trên các thiết bị thông minh, cho phép các bé tương tác chủ động bên ngoài màn hình. Với sản phẩm này, học sinh có thể tự luyện tập các kỹ năng tư duy, sáng tạo, khoa học và ngôn ngữ cùng với bạn bè và người thân. Ông Huy cho biết, hiện công ty đang giới thiệu sản phẩm với các trường phổ thông bởi “đây là sản phẩm phù hợp với mô hình giáo dục STEM”.

Đánh giá cao những dự án đã “tốt nghiệp”, ông Lương Văn Thắng, Giám đốc Ban Quản lý Dự án FIRST chia sẻ, bước đầu sản phẩm của một số doanh nghiệp nhận tài trợ từ FIRST đã được thị trường đón nhận, cũng có nghĩa là bước đầu sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu công nghệ và đổi mới sáng tạo của Bộ KH-CN và Ngân hàng Thế giới được ghi nhận. Các dự án được lựa chọn có thể được coi là “đại sứ thương hiệu”, chuyển tải thông điệp tới cộng đồng: Doanh nghiệp luôn là trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia. Các nhà nghiên cứu, viện nghiên cứu, trường đại học tạo ra các tri thức mới nên có sự thay đổi, lắng nghe doanh nghiệp, lắng nghe thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Tiếp sức” doanh nghiệp nghiên cứu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.