Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cáp quang biển liên tục gặp sự cố: Chưa có công nghệ kết nối hiệu quả

Việt Nga| 08/01/2018 07:32

(HNM) - Liên tục trong những năm gần đây, các tuyến cáp quang biển liên tục xảy ra sự cố, đứt cáp với tần suất dày đặc gây ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ cho khách hàng trong nước.

Sửa chữa cáp quang dưới biển.


Chỉ tính riêng trong năm 2017, tuyến cáp quang biển quốc tế AAG (Asia-America Gateway) gặp sự cố 5 lần liên tiếp lần lượt xảy ra vào các ngày: 8-1 (rò nguồn điện ở vùng biển Vũng Tàu); ngày 18-2 (đứt trên nhánh cáp hướng đi Hồng Kông - Trung Quốc); ngày 27-8 (đứt tại ba vị trí do ảnh hưởng của bão trên biển); 12-10 (sập nguồn mất liên lạc với trạm cập bờ tại Hồng Kông - Trung Quốc); ngày 7-11 (rò nguồn cách trạm cập bờ Vũng Tàu 35km).

Cũng trong năm 2017, tuyến cáp quang biển IA (Intra-Asia, còn gọi là Liên Á) có tới 4 lần xảy ra sự cố, lần lượt vào các ngày: 10-1 (bị đứt tại vị trí gần Hồng Kông - Trung Quốc); 11-1 (bị sụt nguồn tại vị trí gần Singapore); 4-3 (cáp bị lỗi gần phân đoạn tại Singapore) và 27-8 (bị đứt cách trạm cập bờ Hồng Kông - Trung Quốc 54km). Tại Việt Nam, IA cập bờ tại Vũng Tàu.

Tiếp đó là tuyến cáp quang biển APG (Asia Pacific Gateway) cũng bị sự cố 2 lần trong năm 2017. Tuyến cáp quang biển SMW-3 (SE-ME-WE 3) - tuyến duy nhất kết nối từ Châu Á, qua Ấn Độ sang Châu Âu - bị đứt ngày 10-10 tại bờ biển Đà Nẵng. Tuy nhiên, do vị trí đặt cáp khu vực này sâu lại ở vùng biển sóng lớn, nên phải đến giữa tháng 12-2017 mới được khôi phục 100% dung lượng.

Khi xảy ra sự cố, các nhà cung cấp trong nước đều cho biết đã sẵn sàng xử lý các phương án định tuyến lưu lượng sang các hướng cáp khác đang hoạt động ổn định, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Song có một thực tế, các tuyến cáp quang biển liên tục bị đứt hoặc sự cố, có những tuyến có thời điểm trùng nhau như AAG bị sự cố ngày 8-1-2017, IA bị sự cố vào các ngày 10, 11-1-2017; AAG và IA cũng bị đứt cáp ngày 27-8-2017, khiến chất lượng cung cấp dịch vụ internet bị ảnh hưởng.

Lý giải về nguyên nhân các tuyến cáp quang biển hay gặp sự cố, lãnh đạo Tập đoàn VNPT cho biết, các điểm nối đều nằm ở các vị trí cập bờ tại những điểm được coi là trung tâm (hub) hàng hải quốc tế và khu vực như Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore; các vị trí cập bờ tại Việt Nam ở Vũng Tàu, Đà Nẵng. Đây lại là những khu vực cảng biển quan trọng có lượng tàu thuyền, đặc biệt là tàu trọng tải lớn qua lại nên mỗi khi nhổ neo, dễ gây ảnh hưởng đến cáp quang biển.

Ngoài ra, do nằm dưới biển, nên các tuyến cáp quang còn chịu những biến động bất khả kháng từ dưới lòng đất, đại dương. Một ý kiến khác của lãnh đạo Tập đoàn Viettel cho rằng, nguyên nhân khiến cáp quang biển AAG hay bị đứt còn có thể do lỗi thiết kế.

Mặc dù vậy, kết nối bằng các tuyến cáp quang biển vẫn là phương án hiệu quả nhất và chủ yếu cho đến nay trên thế giới (ước tính truyền tải thông tin qua vệ tinh chỉ chiếm 1% lưu lượng trên toàn cầu). Vì so với đầu tư cho vệ tinh (vô tuyến) thì đầu tư cho cáp quang biển (hữu tuyến) có giá thành thấp hơn. Có thể so sánh, một suất đầu tư cho một quả vệ tinh lên tới hàng trăm triệu USD chưa kể chi phí cho vận hành, bảo dưỡng (VNPT đầu tư để phóng hai quả vệ tinh viễn thông VINASAT-1 và 2 là 200-300 triệu USD mỗi quả), trong khi chi phí cho một suất đầu tư cáp quang biển là vài chục triệu USD (ví dụ Viettel đầu tư 50 triệu USD cho tuyến AAE-1, VNPT đầu tư 44 triệu USD cho tuyến APG…).

Đặc biệt, quả vệ tinh đầu tư lớn nhưng sở hữu dung lượng lại không nhiều (khoảng 1GB), còn đầu tư mỗi tuyến cáp quang, nhà mạng sở hữu với dung lượng từ lớn đến rất lớn lên tới 2,5Tbps. Thêm nữa, công nghệ vô tuyến lại chịu ảnh hưởng của thời tiết, khí hậu tác động khiến chất lượng có thể bị suy giảm, còn cáp quang biển sử dụng ổn định hơn. Tất nhiên, mỗi công nghệ có đặc thù riêng, song đến nay, đầu tư cho cáp quang biển để kết nối internet Việt Nam với thế giới vẫn giữ vai trò đặc biệt quan trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cáp quang biển liên tục gặp sự cố: Chưa có công nghệ kết nối hiệu quả

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.