Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thi chế tạo mô hình vệ tinh giám sát tầng không khí

Khánh Vũ| 11/03/2018 17:19

(HNMO) - Tại Ngày hội CanSat 2017-2018 do Trung tâm Vũ trụ Việt Nam phối hợp với Học viện Kỹ thuật Quân sự vừa tổ chức, Trường ĐH Công nghệ thuộc ĐH quốc gia Hà Nội đã giành giải nhất trong cuộc thi chế tạo mô hình vệ tinh giám sát tầng không khí.


Các đội tham dự cuộc thi CanSat 2017-2018.


Với chủ đề “Giám sát chất lượng tầng không khí”, cuộc thi đã thu hút đông đảo học sinh, sinh viên trong cả nước. Tại vòng chung kết, Ban Giám khảo đã lựa chọn ra 5 đội xuất sắc để tham dự Ngày hội CanSat 2017 - 2018. Đây là lần thứ hai tại Việt Nam cuộc thi CanSat được tổ chức nhằm giúp các kỹ sư tương lai có cái nhìn tổng quát, trải nghiệm thực tế công nghệ chế tạo vệ tinh, làm tiền đề cho việc phổ cập và phát triển ngành công nghệ chế tạo vệ tinh tại Việt Nam.

CanSat - hay còn gọi là “vệ tinh trong vỏ lon nước” - là mô hình mô phỏng thực tế vệ tinh trên quỹ đạo, được sử dụng cho nhiều mục đích giáo dục khác nhau. Khối lượng của CanSat khoảng 1kg, được tích hợp trong một khung cấu trúc nhỏ, có kích thước bằng một lon nước. Quá trình hoạt động của CanSat tương tự như các vệ tinh sử dụng ngoài không gian: Sau khi được phương tiện phóng đưa lên độ cao quỹ đạo thích hợp, vệ tinh sẽ tách ra. Sau một khoảng thời gian nhất định, các hệ thống của vệ tinh được kích hoạt và thực hiện kịch bản hoạt động cũng như nhiệm vụ đã được thiết kế.

Ông Vũ Việt Phương, Phó Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, Chủ tịch Ban Giám khảo cuộc thi chia sẻ về sự kiện: Hiện nay, ô nhiễm không khí đã và đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe cộng đồng và thiệt hại đáng kể đối với các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch. Ô nhiễm không khí đang có xu hướng gia tăng tại các đô thị lớn và khu công nghiệp. Vì vậy, cuộc thi được tổ chức với mong muốn góp phần nâng cao ý thức cộng đồng về việc bảo vệ môi trường với cách tiếp cận mới cũng như kích thích niềm đam mê của các bạn trẻ yêu thích khám phá, yêu công nghệ, môi trường thông qua việc học tập, thực hành về công nghệ vệ tinh.

5 đội tham gia vòng chung kết gồm: FIMO của Trường ĐH Công nghệ, ĐH quốc gia Hà Nội; SPACE ODDITY của Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội; YCC - KIO từ Trường ĐH Công nghệ Giao thông vận tải; UNI - INSPIRATION thuộc Trường ĐH Công nghệ thông tin, ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh; và LEATB - Liên trường Trung học Phổ thông Thái Bình.

Kết quả, đội đoạt giải Nhất là FIMO với 2 cơ hội nhận học bổng Vallet trị giá 16 triệu đồng/suất. Giải Nhì là đội UNI - INSPIRATION, giải Ba là đội YCC - KIO. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thi chế tạo mô hình vệ tinh giám sát tầng không khí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.