Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bổ sung thông tin cá nhân thuê bao di động: Nhà mạng mở nhiều "kênh" phục vụ

Việt Nga| 11/04/2018 06:44

(HNM) - Theo quy định, sau ngày 24-4, thuê bao di động nếu không có thông tin cá nhân chính xác và ảnh chụp chân dung sẽ bị cắt liên lạc.

Lập tổ lưu động cập nhật thông tin

Theo Nghị định 49/2017/NĐ-CP của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định 25/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 của Nghị định 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện, các thuê bao di động phải có đầy đủ, chính xác thông tin cá nhân (tên, số chứng minh thư nhân dân, ngày cấp và nơi cấp…) và ảnh chụp chân dung. Với những thuê bao đăng ký trước ngày 24-4-2017 (thời điểm Nghị định 49/2017/NĐ-CP có hiệu lực), nhà mạng có thời gian 12 tháng để cập nhật, bổ sung. Như vậy, sau ngày 24-4-2018, thuê bao chưa cập nhật đủ thông tin sẽ bị khóa.


Những ngày qua, nhiều thuê bao di động đã nhận được tin nhắn nhắc nhở bổ sung thông tin cá nhân của nhà mạng. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới chiều 10-4, ông Nguyễn Hoàng Hải, Phó Giám đốc Ban Khách hàng doanh nghiệp VinaPhone cho biết, VinaPhone đã tự phân loại và chủ động nhắn tin tới các thuê bao chưa cập nhật đủ thông tin và ảnh chân dung, để khách chủ động bổ sung. Đại diện MobiFone cũng cho biết, ngoài việc hướng dẫn thuê bao tự kiểm tra, nhà mạng này cũng gửi tin nhắn nhắc người dùng bổ sung thông tin thuê bao theo nhóm hòa mạng dưới 5 năm và trên 5 năm...

Trả lời câu hỏi, các nhà mạng chuẩn bị thế nào để tạo thuận lợi cho khách đến cập nhật thông tin cá nhân, ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết, VinaPhone đã bổ sung nhiều hình thức đăng ký, cập nhật thông tin. Cụ thể, ngoài điểm giao dịch, đại lý... thuê bao VinaPhone có thể gửi đăng ký thông tin, ảnh qua địa chỉ email: cskh@vnpt.vn, hoặc qua ứng dụng (app) MyVinaPhone. Ngoài ra, VinaPhone còn lập tổ lưu động hỗ trợ khách hàng bổ sung thông tin.

Tương tự, đại diện Viettel cũng cho biết, ngoài hệ thống 2.000 cửa hàng, đại lý ủy quyền tiếp nhận hỗ trợ khách hàng, thuê bao Viettel có thể bổ sung thông tin qua app MyViettel (nhưng lưu ý chỉ dành cho thuê bao trả trước hòa mạng, chuyển đổi, đăng ký thông tin... trước ngày 24-7-2017). Đáng chú ý, các nhà mạng đều cho biết sẽ đến tận địa chỉ khi có yêu cầu, để cập nhật thông tin thuê bao cho khách là người cao tuổi, người khuyết tật.

Cam kết bảo mật thông tin, hình ảnh khách hàng

Từ khi Nghị định 49/2017/NĐ-CP có hiệu lực, dư luận cũng đặt vấn đề về việc nhà mạng sẽ bảo mật thông tin cho khách như thế nào? Đại diện MobiFone khẳng định, ảnh và thông tin cá nhân của người dùng được lưu trữ trên cơ sở dữ liệu tập trung của MobiFone, chỉ sử dụng trong việc quản lý thông tin thuê bao theo quy định của pháp luật. Trong khi đó, VinaPhone cam kết, thông tin thuê bao được đăng ký, lưu giữ thống nhất, tập trung, tin cậy và sử dụng đúng mục đích, bảo đảm bí mật.

Cũng vấn đề này, đại diện Viettel cho biết, việc bảo mật thông tin thuê bao là trách nhiệm của doanh nghiệp, đã được quy định trong Luật An toàn thông tin mạng và Nghị định 174/2013/ NĐ-CP của Chính phủ. Tuy nhiên, nhà mạng này khuyến cáo, nỗ lực bảo mật thông tin phải đến từ cả hai phía, nên khách hàng cũng phải cẩn trọng hơn trong bảo vệ thông tin cá nhân của mình.

Được biết, trong số hơn 120 triệu thuê bao điện thoại di động, hiện có tới 95% là thuê bao trả trước và trong số này có đến 75% là thông tin cá nhân chưa chính xác. Vì vậy, việc bổ sung thông tin khách hàng cũng là bài toán lớn đối với các nhà mạng. Tuy nhiên, việc áp dụng quy định chặt chẽ này sẽ hạn chế được tình trạng tin nhắn "rác", tin nhắn lừa đảo, để bảo vệ người dùng và giúp thị trường viễn thông phát triển lành mạnh, bền vững.

Còn 34 triệu thuê bao phải bổ sung thông tin

Tại cuộc họp với các nhà mạng chiều 10-4, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, mới chỉ có 4 triệu/38 triệu thuê bao di động đã cập nhật thông tin theo quy định. Như vậy, còn 34 triệu thuê bao thông tin chưa đầy đủ, chưa chính xác, phải đăng ký lại. Cũng tại cuộc họp, Cục Viễn thông cho biết, trên cơ sở đề nghị của các doanh nghiệp, việc thu hồi sim kích hoạt sẵn trên kênh phân phối được tạm dừng để doanh nghiệp tập trung triển khai bổ sung thông tin thuê bao.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bổ sung thông tin cá nhân thuê bao di động: Nhà mạng mở nhiều "kênh" phục vụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.