Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bổ sung thông tin thuê bao di động: Chưa cắt dịch vụ đồng loạt sau ngày 24-4

Song Nga - Thu Hằng| 24/04/2018 06:36

(HNM) - Những ngày qua, việc người dân đổ xô đến các điểm giao dịch, vào các trang web đăng ký thông tin… để bổ sung thông tin cá nhân đã khiến tất cả các nhà mạng rơi vào tình trạng quá tải trầm trọng. Tuy nhiên, thông tin mới nhất cho thấy, việc khóa thuê bao sau ngày 24-4 chưa thể thực hiện được đồng loạt.


Các điểm giao dịch quá tải

Nghị định số 49/2017/NĐ-CP được ban hành từ năm 2017 và các nhà mạng có thời gian 1 năm để thực hiện quy định. Tuy nhiên, phải đến đầu tháng 4-2018, cả ba nhà mạng lớn gồm Viettel, MobiFone và VinaPhone mới gửi thông tin đến các thuê bao yêu cầu thực hiện quy định này với thời hạn kết thúc ngày 24-4-2018, nếu không sẽ bị khóa sim chiều đi. Và đây là căn nguyên xảy ra những chuyện dở khóc, dở cười.

Điểm giao dịch của Viettel tại 26 Quang Trung (Hà Đông) những ngày qua luôn trong tình trạng quá tải.


Ngày 23-4, tại một số điểm giao dịch của nhà mạng Viettel trên địa bàn huyện Quốc Oai, quận Hà Đông, Thanh Xuân, chúng tôi ghi nhận được nhiều chuyện không vui. Đó là nhiều trường hợp sử dụng thuê bao di động từ 6 đến 7 năm trước, nhưng giờ mới biết mình không phải là chính chủ; hay có chủ thuê bao đi lại 2-3 lần mới làm xong.

Bà Bùi Thị Nga, xã Cấn Hữu (Quốc Oai) cho biết: “Tôi đã 76 tuổi, sức khỏe yếu, mắt kém nên chỉ dùng điện thoại để nghe và gọi, không biết đọc tin nhắn. Khi thấy các con gọi điện về nói kiểm tra xem thuê bao có phải bổ sung thông tin không, nên sáng 23-4, tôi nhờ người chở ra thị trấn Quốc Oai làm thủ tục. Do lượng khách đến giao dịch quá tải nên phải đợi từ sáng đến gần 3h chiều mới làm xong”. Còn bà Đỗ Thị Vân, phường Văn Quán (Hà Đông) bức xúc: “Tôi phải đi lại 3 lần ra điểm giao dịch của Viettel trên đường Quang Trung mới làm xong thủ tục bổ sung thông tin”.

Tương tự, đầu giờ chiều 23-4, điểm giao dịch của VinaPhone tại 57A Huỳnh Thúc Kháng cũng trong tình trạng đông nghẹt.

Anh Nguyễn Tiến Dũng (Nguyễn Khang - Cầu Giấy) cho biết: “Lúc đầu nghe VinaPhone công bố có 3 cách để tự đăng ký, tôi rất mừng. Nhưng sau cả tuần ngồi “rình” để truy cập mà ứng dụng liên tục trong tình trạng bận hoặc treo, việc kết nối với website cũng chập chờn nên cuối cùng phải qua điểm giao dịch để đăng ký”.

Dù cả ba nhà mạng đều có nhiều cố gắng bằng việc tăng giờ làm, bố trí thêm nhân sự hỗ trợ khách hàng, song qua đợt bổ sung thông tin cá nhân lần này đã bộc lộ sự lúng túng, yếu kém trong công tác tổ chức. Thời gian quá gấp gáp, các điểm giao dịch không đủ đáp ứng, trong khi theo thống kê có tới 34 triệu thuê bao trong diện phải đăng ký bổ sung thông tin… là nguyên nhân khiến suốt mấy tuần qua cả nhà mạng và khách hàng đều khổ sở vì quá tải.

Nới thêm thời gian thực hiện

Từ chiều 22-4, trên mạng xã hội đã rộ lên thông tin các nhà mạng sẽ kéo dài thời gian đăng ký thông tin thuê bao, chụp ảnh để giảm tải và tạo thuận lợi cho khách hàng. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới chiều 23-4, đại diện các nhà mạng đều không xác nhận thông tin này. Theo đại diện Viettel, nhà mạng này sẽ tiếp tục phục vụ khách hàng cập nhật thông tin thuê bao sau ngày 24-4. Nếu chưa kịp cập nhật, khách hàng có thể quay lại cửa hàng Viettel để được hỗ trợ hoặc tự cập nhật trên ứng dụng My Viettel. Đại diện VinaPhone cho biết, căn cứ vào lượng khách những ngày qua nên VinaPhone tiếp tục tiếp nhận và phục vụ khách hàng cập nhật thông tin trong những ngày tiếp theo.

Trao đổi với báo chí chiều 23-4, lãnh đạo Cục Viễn thông (Bộ Thông tin - Truyền thông) khẳng định, ngày 24-4-2018 là mốc thời gian mà doanh nghiệp viễn thông phải bảo đảm toàn bộ thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu tập trung của mình tuân thủ đúng quy định tại Nghị định số 49/2017/NĐ-CP. Sau thời điểm này, bất kỳ lúc nào cơ quan quản lý cũng có thể tiến hành thanh tra, kiểm tra và xử phạt doanh nghiệp nếu phát hiện có thông tin thuê bao trong cơ sở dữ liệu không đúng quy định...

Tuy nhiên, theo đại diện Cục Viễn thông, cũng không có nghĩa rằng sau mốc thời gian này, toàn bộ các thuê bao chưa cập nhật thông tin sẽ bị khóa 1 chiều, 2 chiều hay bị chấm dứt cung cấp dịch vụ. Thuê bao sẽ chỉ bị khóa, chấm dứt cung cấp dịch vụ nếu chủ thuê bao cố tình không tuân thủ việc cập nhật, bổ sung thông tin khi đã nhận được thông báo từ doanh nghiệp. Trường hợp thuê bao chưa nhận được thông báo từ doanh nghiệp thì trách nhiệm bảo đảm thông tin thuê bao đã đúng quy định thuộc về doanh nghiệp và họ không có quyền khóa hay chấm dứt cung cấp dịch vụ.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Hànộimới về trường hợp có khách hàng “bỗng dưng” là “chủ” của nhiều thuê bao “lạ”, đại diện VinaPhone và MobiFone đều cam kết, sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra và có biện pháp xử lý theo quy định, bảo đảm quyền lợi cho khách hàng. Còn theo đại diện Viettel, Nghị định 49/2017/NĐ-CP có hiệu lực là cơ hội để các doanh nghiệp và khách hàng rà soát, chuẩn hóa thông tin thuê bao, tránh trường hợp khách hàng phải đứng tên những thuê bao không mong muốn. Viettel sẽ hỗ trợ khách hàng xác nhận và chỉ giữ lại những thuê bao khách hàng đang sử dụng thực sự.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bổ sung thông tin thuê bao di động: Chưa cắt dịch vụ đồng loạt sau ngày 24-4

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.