Theo dõi Báo Hànộimới trên

Vì sao Microsoft quyết định “quẳng” trung tâm dữ liệu xuống biển?

Nguyễn Thúc Hoàng Linh| 14/06/2018 20:26

(HNMO) – Microsoft hiện đang thử nghiệm một trung tâm dữ liệu tự duy trì dưới nước mang tên gọi “Dự án Natick”...



Dự án Natick đã đưa trung tâm dữ liệu với kích thước tương đương một chiếc container xuống đáy vùng biển thuộc quần đảo Orkney, phía bắc Scotland. Đây là thử nghiệm của Microsoft nhằm đánh giá khả năng vận hành một hạ tầng điện toán đám mây tiết kiệm điện, độ trễ thấp dành cho các thành phố nằm gần vùng nước lớn. Việc hạ thủy các trung tâm dữ liệu như vậy xuống độ sâu hàng chục mét dưới mực nước biển có thể giúp cắt giảm một trong những khoản chi phí vận hành tốn kém nhất: điều hòa nhiệt độ.

Từ tháng 7-2014, Microsoft đã khởi động giai đoạn đầu của Natick, nhưng phải tới tháng 2-2016, người ta mới biết đến dự án này. Ngay sau đó, Microsoft cũng cho biết đã thử nghiệm thành công một trung tâm dữ liệu vận hành ở độ sâu khoảng 10m ngoài khơi bang California (Mỹ) trong vòng 105 ngày.

Tới nay, Natick đã sang giai đoạn thứ hai, với trung tâm dữ liệu mới mang tên Northern Isles có dạng hình trụ với độ dài khoảng hơn 12m. Trung tâm này gồm 864 máy chủ (đủ để lưu trữ 5 triệu bộ phim) được đặt ở độ sâu hơn 30m so với mặt nước biển, có nhiệm vụ lưu trữ dữ liệu và xử lý thông tin trong vòng 5 năm mà không cần bảo dưỡng. Để đưa được Northern Isles xuống đáy biển, đội ngũ kĩ thuật đã phải sử dụng nhiều trang bị hỗ trợ, bao gồm cả một thiết bị lặn điều khiển từ xa để vận chuyển cáp.

Được biết, khu vực thử nghiệm lần này có điều kiện tự nhiên khá khắc nghiệt, với thủy triều mạnh (có thể dâng với tốc độ 15km/giờ), sóng cao 3m (và có thể lên tới 18m trong bão). Theo Trưởng dự án Natick Ben Cutler, nếu hệ thống có thể vận hành trơn tru trong điều kiện như vậy, việc triển khai các trung tâm dữ liệu ở mọi nơi khác là điều khả thi.

Cũng theo nghiên cứu của Microsoft, do hơn một nửa dân số thế giới sinh sống cách không quá 200km từ bờ biển, việc đặt các trung tâm dữ liệu như Natick sẽ đem lại cả lợi ích về độ trễ truyền dữ liệu do khoảng cách gần. Điều này đồng nghĩa với việc người dùng sẽ truy cập dữ liệu nhanh và trơn tru hơn, đồng thời đem lại nhiều cải thiện tích cực cho các ứng dụng, đặc biệt là ứng dụng về trí tuệ nhân tạo vốn đòi hỏi tốc độ truyền dữ liệu cực nhanh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao Microsoft quyết định “quẳng” trung tâm dữ liệu xuống biển?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.