Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao vai trò quản lý nhà nước về an toàn bức xạ

Khánh Vũ| 31/07/2018 06:38

(HNM) - Các kỹ thuật bức xạ ngày càng được ứng dụng rộng rãi trong lĩnh vực y tế, góp phần nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị bệnh.


Hơn 1.400 đơn vị có hoạt động bức xạ

Các ứng dụng năng lượng nguyên tử ngày nay đã trở nên quen thuộc trong ngành Y tế, nhất là trong lĩnh vực y học hạt nhân và xạ trị. Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1958/QĐ-TTg ngày 4-11-2011 về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển, ứng dụng bức xạ trong y tế đến năm 2020. Theo đó, nước ta đang và sẽ xây dựng 5 trung tâm xạ trị - y học hạt nhân trọng điểm. Mục tiêu đến năm 2020, 80% tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có cơ sở y học hạt nhân và cơ sở ung bướu có thiết bị xạ trị.

Kỹ thuật an toàn bức xạ được ứng dụng rộng rãi ở nhiều lĩnh vực, trong đó có y tế.


Tính đến hết năm 2017, ngành Y tế có hơn 1.400 cơ sở tiến hành công việc liên quan tới bức xạ, chiếm khoảng 54% tổng số cơ sở sử dụng bức xạ của tất cả các ngành trong cả nước; hơn 8.400 thiết bị X-quang chẩn đoán y tế đã được cấp phép. Hiện nay, cả nước có 33 cơ sở có thiết bị xạ trị, trong đó có 27 cơ sở có máy gia tốc xạ trị với 48 máy gia tốc đang hoạt động điều trị bệnh nhân và có 41 cơ sở y học hạt nhân.

Theo ông Nguyễn Ngọc Huynh (Phòng Cấp phép, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân), mặc dù số lượng thiết bị bức xạ ứng dụng trong y tế là rất lớn, nhưng đến nay chưa xảy ra sự cố gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe cộng đồng, an toàn và an ninh xã hội. Tuy nhiên, công tác quản lý an toàn bức xạ còn gặp khó khăn. Một số văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp với thực tiễn, đang trong quá trình chỉnh sửa. Hạ tầng hỗ trợ kỹ thuật về kiểm định hiệu chuẩn thiết bị bức xạ, thiết bị ghi/đo bức xạ chưa đáp ứng được toàn bộ yêu cầu phục vụ công tác quản lý nhà nước. Bên cạnh đó, một số cơ sở chưa thực hiện tốt công tác báo cáo định kỳ về thực trạng an toàn bức xạ. Cán bộ phụ trách công tác an toàn bức xạ tại các bệnh viện thường là kiêm nhiệm, chưa có sự quan tâm thích đáng đến công tác bảo đảm an toàn, an ninh và ứng phó sự cố bức xạ...

Cán bộ cần được đào tạo bài bản

Thực tế hiện nay đặt ra yêu cầu nâng cao năng lực quản lý nhà nước về an toàn bức xạ. Thế nhưng, vấn đề là thực hiện việc này như thế nào?

Theo ông Phạm Trung Chính, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, kế hoạch thanh tra, kiểm tra về an toàn bức xạ hằng năm của Sở chủ yếu tập trung vào các cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ và thiết bị X-quang chẩn đoán y tế tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường, có dấu hiệu không tuân thủ chặt chẽ các quy định về an toàn, các cơ sở chưa hoặc đã lâu chưa được thanh tra…

Trong thực tế, công tác kiểm tra cho thấy vẫn còn một số đơn vị chưa thực hiện đầy đủ quy định về an toàn bức xạ hoặc thực hiện có tính chất đối phó, thường chú trọng về chuyên môn hơn là về an toàn bức xạ. Hơn nữa, hiện vẫn còn một số cơ sở sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán y tế mà không có giấy phép tiến hành công việc bức xạ; sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán y tế có giấy phép hết hạn sử dụng... Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đã từ chối cấp giấy phép tiến hành công việc bức xạ đối với một số cơ sở khám chữa bệnh có diện tích phòng X-quang không đủ theo quy định. Tuy nhiên, theo ông Phạm Trung Chính, các cơ sở này có kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung quy định về diện tích phòng đặt thiết bị bức xạ cho phù hợp với từng loại thiết bị. Đó là điều cần xem xét, đặc biệt trong bối cảnh việc từ chối cấp phép có thể dẫn đến hệ lụy là sử dụng thiết bị bức xạ “chui”.

Trong khi đó, theo Sở Khoa học và Công nghệ TP Hồ Chí Minh, việc ngành Y tế chưa có quy định về giới hạn chỉ định chụp X-quang đã dẫn đến tình trạng lạm dụng chụp X-quang cho bệnh nhân tại một số bệnh viện. Chưa kể một số cơ sở y tế còn sử dụng thiết bị sai mục đích, chẳng hạn như dùng thiết bị X-quang tổng hợp để chụp răng...

Những hạn chế nói trên gây khó khăn cho công tác quản lý an toàn bức xạ, đòi hỏi những giải pháp mới, phù hợp cho lĩnh vực này. Hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đang soạn thảo và dự kiến cuối năm 2018 sẽ phát hành “Cẩm nang về bảo đảm an toàn bức xạ trong sử dụng máy phát tia X trong chẩn đoán y tế” nhằm giúp các tổ chức, cá nhân trên địa bàn nâng cao nhận thức và thực hiện đúng quy định của pháp luật về năng lượng nguyên tử.

Trên phạm vi toàn quốc, theo ông Nguyễn Ngọc Huynh, việc cấp thiết hiện nay là bảo đảm cho các cơ sở sử dụng bức xạ trong y tế, nhất là các cơ sở xạ trị có đủ cán bộ vật lý đã qua đào tạo cơ bản, chính quy để trở thành cán bộ vật lý y học có trình độ phù hợp, tiến tới có chứng chỉ hành nghề trong các ngành xạ trị, điện quang và y học hạt nhân.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, đến hết tháng 6 năm 2018, trong hoạt động bức xạ, Hà Nội có hơn 400 cơ sở y tế sử dụng thiết bị X-quang chẩn đoán với khoảng 1.000 thiết bị các loại; 181 cơ sở sử dụng gần 2.000 thiết bị, nguồn phóng xạ dùng trong sản xuất, kinh doanh, nghiên cứu.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao vai trò quản lý nhà nước về an toàn bức xạ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.