Theo dõi Báo Hànộimới trên

Gỡ vướng thuê dịch vụ công nghệ thông tin

Việt Nga| 17/09/2018 07:06

(HNM) - Từ năm 2014, để thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thí điểm thuê dịch vụ công nghệ thông tin. Tuy nhiên, một số vướng mắc nội tại cộng với những bất cập khi áp dụng khiến việc triển khai gặp khó khăn.


Như đã nêu, Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg ngày 30-12-2014 của Thủ tướng Chính phủ quy định về thí điểm về thuê dịch vụ công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, được đánh giá có ý nghĩa “mở đường” cho lĩnh vực này. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông), nhiều nội dung trong Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg chưa có hướng dẫn cụ thể về thẩm định kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin, lựa chọn nhà thầu, mẫu hồ sơ. Thêm nữa, khi Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư công có hiệu lực thì một số quy định về sử dụng vốn đầu tư phát triển, sử dụng vốn chi thường xuyên của quyết định này không còn phù hợp...

Ông Bùi Quang Ngọc, Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT cho rằng, việc thực hiện tin học hóa trong cơ quan nhà nước bị ảnh hưởng lớn vì các vướng mắc cho thuê dịch vụ công nghệ thông tin chưa được giải quyết. Vì khi ban hành quy định, cơ quan soạn thảo đã “bê” các quy định cho đầu tư xây dựng cơ bản sang cho quy định đầu tư dự án công nghệ thông tin. Nghĩa là “bê” cả cách tính các loại chi phí lập dự án, thi công của ngành Xây dựng - một ngành vốn sử dụng nhiều “cơ bắp” sang cho công nghệ thông tin - vốn sử dụng “trí tuệ” là không phù hợp.

Để tháo gỡ khó khăn trên, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đưa ra dự thảo mới Quyết định quy định về thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng vốn nhà nước và hiện đang lấy ý kiến góp ý trên Cổng thông tin của Bộ. Sau đó, Bộ sẽ hoàn thiện để trình Chính phủ, nếu được ban hành sẽ thay thế Quyết định số 80/2014/QĐ-TTg áp dụng hiện nay.

Theo đại diện Cục Tin học hóa, Dự thảo Quyết định quy định về thuê dịch vụ công nghệ thông tin sử dụng vốn nhà nước có những nội dung được làm rõ hơn so với trước đây. Chẳng hạn, Điều 2 dự thảo phân loại sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin làm hai loại: Sản phẩm dịch vụ công nghệ thông tin thông dụng, sẵn có trên thị trường (được công khai về giá...) và sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin được đặt hàng theo yêu cầu riêng nhằm đáp ứng yêu cầu đặc thù của cơ quan nhà nước.

Tại Điều 3 về quản lý hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin phù hợp với nguồn vốn sử dụng nêu rõ quy định: đối với vốn đầu tư công sử dụng theo Luật Đầu tư công; với nguồn chi thường xuyên, thực hiện theo quy định tại Luật Ngân sách nhà nước...

Điều 7 về dự toán, phương pháp xác định chi phí thuê dịch vụ đặt hàng sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin được xác định bằng các phương pháp: So sánh, chuyên gia, lấy báo giá thị trường, tính chi phí và kết hợp các phương pháp trên...

Thuê dịch vụ công nghệ thông tin được coi là hình thức giúp chính các cơ quan nhà nước tối ưu hóa nhân lực công nghệ thông tin. Việc làm này huy động được nguồn lực xã hội từ doanh nghiệp và giảm chi phí đầu tư ban đầu, cũng như các rủi ro đầu tư từ ngân sách nhà nước cho hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin.

Do vậy, việc Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo dự thảo quyết định mới là hoàn toàn hợp lý nhằm tháo gỡ khó khăn cho cả bên thuê và cho thuê, đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gỡ vướng thuê dịch vụ công nghệ thông tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.