Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Nỗ lực vì một sân chơi lành mạnh

Minh Quang| 10/12/2018 06:36

(HNM) - Khi những hay, dở của mạng xã hội Facebook đã được nhìn rõ, thì việc hạn chế mặt không tích cực càng trở nên cấp bách.


Nhiều vấn đề cần giải quyết

Tại rất nhiều hội thảo về sử dụng mạng xã hội Facebook, hàng loạt vấn đề đã được đặt ra. Theo đó, mạng xã hội Facebook được đánh giá tiếp tục là kênh thông tin quan trọng trong đời sống xã hội khi công nghệ phát triển mạnh mẽ từng ngày. Nhận thức được điều này cũng đồng nghĩa sẽ phải có những giải pháp với các mặt trái của mạng xã hội.

Facebook và các mạng khác đang tạo ra một “xã hội ảo” tồn tại song song với cuộc sống hằng ngày. Ảnh: Anh Tuấn


Một trong những nguyên nhân khiến mạng xã hội trở thành mối bận tâm của các nhà quản lý, của toàn xã hội chính là tính chất không biên giới của nó. Điều này khiến việc áp dụng chính sách, pháp luật của nước sở tại khi xử lý một hành vi trên mạng xã hội gặp khó khăn. Vì vậy, việc đưa ra giải pháp hợp lý để hạn chế ảnh hưởng xấu của các thông tin sai lệch trên mạng xã hội như Facebook là vô cùng cấp thiết.

Thực tế cho thấy, trong công tác thanh tra chuyên ngành, chế tài xử lý những sai phạm trên mạng xã hội chưa đủ mạnh, chưa đạt được hiệu quả răn đe cần thiết. Trong khi đó, không hẳn người sử dụng mạng xã hội nào cũng đủ bản lĩnh, kiến thức để phân biệt đúng, sai; biết nên hay không nên làm gì khi tham gia vào thế giới ảo.

Với sự phát triển mạnh mẽ về công nghệ, chỉ với một chiếc điện thoại thông minh, mọi người dân đều có thể trở thành những người đưa tin. Vấn đề là không ít thông tin, hình ảnh được họ đăng lên thiếu sự kiểm chứng, không được kiểm duyệt dẫn đến những hệ lụy khó lường, đặt ra không ít khó khăn cho công tác quản lý.

Anh Nguyễn Anh Tài (quận Ba Đình, TP Hà Nội), một chuyên gia công nghệ cho rằng, kiến thức, bản lĩnh của người tham gia mạng xã hội Facebook sẽ quyết định nhiều đến môi trường văn hóa tại không gian ảo này. Không đề cập đến những trường hợp cố tình tung tin xấu, độc hại để phục vụ mục đích cá nhân, rất nhiều người dùng Facebook một cách không kiểm soát.

Thế nên, phải có những chiến dịch truyền thông dài hơi và quy mô lớn; cần môi trường học tập văn hóa, nơi thầy, cô giáo có thể trao đổi, truyền đạt cho học trò cách “chơi” Facebook vừa văn minh, vừa khai thác được mặt tích cực phục vụ cho chính người sử dụng.

Cùng quan điểm, Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Phát triển và Hỗ trợ cộng đồng đề xuất, những chiến dịch truyền thông lớn để xây dựng văn hóa ứng xử trên mạng xã hội Facebook phải được tổ chức thường xuyên, thậm chí kéo dài trong nhiều năm, với sự tham gia của cả cộng đồng mạng.

Kinh nghiệm của các nước và công tác quản lý tại Việt Nam

Không chỉ Việt Nam mà nhiều quốc gia khác cũng đã nhận thức rõ những tiềm ẩn rủi ro của mạng xã hội Facebook. Ủy ban Văn hóa - Thể thao - Truyền thông - Kỹ thuật số (DMSCC), Hạ viện Anh từng yêu cầu các công ty mạng xã hội phải chịu trách nhiệm pháp lý trước thông tin giả mạo.

Kiến nghị này được đưa ra sau khi các nhà lập pháp Anh kết luận thông tin giả mạo và độc hại tràn lan đang đe dọa trật tự chính trị, xã hội. Họ đề nghị Chính phủ nước này phải siết chặt quản lý mạng xã hội, trong đó áp đặt mức thuế, hình phạt tài chính mới và xác định rõ “trách nhiệm pháp lý” đối với các công ty công nghệ như: Facebook, Twitter...

Còn Chính phủ Đức có quy định phạt nặng các công ty mạng xã hội, gồm cả Facebook, Twitter với mức phạt lên đến 50 triệu euro, nếu không xóa, chặn “tin tức giả mạo”, ngôn từ thù địch và nội dung bất hợp pháp trong vòng 24 giờ. Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) đã áp dụng “quy định 1 giờ” với các trang mạng xã hội.

Theo đó, Facebook, Google và Twitter có 1 giờ kể từ khi phát hiện hoặc nhận được thông báo từ cơ quan chức năng để chặn và xóa bỏ thông tin xấu, giả mạo, thông tin kêu gọi tấn công khủng bố. Chính phủ Mỹ cũng từng gây áp lực để Facebook xóa 32 trang và tài khoản đưa thông tin sai lệch, nhằm gây chia rẽ cử tri Mỹ trước thềm cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11-2018.

Tại Trung Quốc, cơ quan quản lý buộc các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải xác định được tên thực của người dùng trước khi cho phép họ đăng tải các bình luận lên mạng. Quy định này buộc các nhà cung cấp dịch vụ internet, các trang mạng xã hội phải kiểm tra danh tính chính xác người sử dụng.

Ngoài ra, các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội phải tăng cường giám sát các thông tin của người dùng trên trang mạng do mình quản lý.

Ở Việt Nam, Luật An ninh mạng đã được thông qua và sẽ áp dụng từ đầu năm 2019 được xem là giải pháp quan trọng trong công tác quản lý thông tin trên mạng xã hội, trong đó có Facebook. Cơ sở pháp lý quan trọng, cần thiết này ra đời trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập quốc tế, có nền công nghệ thông tin phát triển và đặc biệt là Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ; một mặt giúp bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự an toàn xã hội, mặt khác góp phần xây dựng, phát triển văn hóa, lối sống của con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay nói chung, trên môi trường mạng nói riêng. Với nhận thức tốt hơn về mạng xã hội, nhiều hội nghề nghiệp ở Việt Nam cũng tiến hành xây dựng quy tắc ứng xử trên mạng xã hội đối với thành viên của mình.

Tuy nhiên, các giải pháp đưa ra không phải để "trói chân, trói tay" các nhà cung cấp mạng xã hội. Ngược lại, các nhà cung cấp các trang mạng xã hội, kể cả từ nước ngoài vẫn được tạo điều kiện tối đa để hoạt động ở Việt Nam, nhưng phải theo đúng pháp luật. Khi các nhà cung cấp mạng xã hội được hoạt động trong môi trường pháp lý công khai, rõ ràng, minh bạch thì càng dễ thực hiện các mục tiêu, chiến lược kinh doanh của mình.

Vì thế, các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội cũng phải có trách nhiệm tuân thủ quy định của mỗi quốc gia; có trách nhiệm xây dựng môi trường không gian mạng văn minh, lành mạnh, an toàn. Mục đích chung mà nhà quản lý, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và người sử dụng cùng hướng tới là được thụ hưởng tối đa thành quả mà thế giới ảo mang lại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Nỗ lực vì một sân chơi lành mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.