Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dịch vụ Việt Nam thách thức và tiếp cận mới

LANHUONG| 26/10/2004 13:52

Đó là chủ đề hội thảo diễn ra sáng nay 26/10 tại Hà Nội do Bộ Kế hoạch & Đầu tư phối hợp với UNDP tổ chức.

Đó là chủ đề hội thảo diễn ra sáng ngày 26/10 tại Hà Nội do Bộ Kế hoạch & Đầu tư phối hợp với UNDP tổ chức. "Trong bài phát biểu của Thủ tướng Phan Văn Khải trong buổi khai mạc kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 11 ngày hôm qua có nói đến việc xây dựng Việt Nam thành một nền kinh tế có tính cạnh tranh cao. Muốn được như vậy thì phải chú ý đến mảng dịch vụ chất lượng cao mà trong khi đó ở Việt Nam hiện còn rất hạn chế". Ông Jordan Ryan, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam đã nói như vậy trong lời khai mạc hội thảo.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch & Đầu tư- Trương Văn Đoan thì nhấn mạnh: Ở Việt Nam, dịch vụ đang đóng góp 40% vào GDP nhưng vẫn còn đang rất yếu kém, làm ảnh hưởng tới tốc độ tăng trưởng kinh tế. Hội thảo lần này tập trung ý kiến của các chuyên gia hàng đầu, các nhà quản lý kinh tế để thảo luận về ba nội dung chính: Tầm quan trọng của ngành dịch vụ; Sự cần thiết có một chiến lược quốc gia về dịch vụ và vai trò của Chính phủ trong bối cảnh mới; Tính liên kết giữa các mục tiêu quốc gia và các cam kết về dịch vụ.

"Kinh tế Việt Nam mặc dầu đã có tốc độ tăng trưởng cao, trong đó nông nghiệp đã tăng trưởng liên tục ở mức trên 4%/năm, chuyển nước Việt Nam từ một nước nhập khẩu lương thực sang một nước xuất khẩu gạo, song tỷ trọng nông nghiệp trong tổng sản phẩm quốc nội còn quá cao (25,4%) và cao nhất trong khu vực, tỷ trọng công nghiệp, nhất là công nghiệp chế tạo thấp. Tỷ trọng dịch vụ của Việt Nam thuộc loại thấp nhất trong các nước Đông Á"- TS. Lê Đăng Doanh đã phát biểu như vậy.

Các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ ở Việt Nam, nói chung, cho đến nay, chưa phải đổi mặt với những đối thủ cạnh tranh mạnh trên thị trường nội địa, trừ ngành bảo hiểm đã được mở cửa. Những doanh nghiệp độc quyền không phải lo đến cạnh tranh, hệ quả là giá nhiều loại dịch vụ ở Việt Nam thuộc loại cao nhất trong khu vực khi chất lượng thấp dưới mức trung bình. Ví dụ như cước điện thoại quốc tế còn quá cao trong khi tần số xảy ra nghẽn mạch trong điện thoại di động, gián đoạn dịch vụ trong điện thoại cố định diễn ra thường xuyên hơn... Dịch vụ cho thuê văn phòng, nhà ở còn rất sơ khai lại đắt "ngang ngửa" với các thành phố khác trong ASEAN. Dịch vụ bất động sản hiện chịu sự can thiệp quá nhiều của các cơ quan hành chính, bị biến dạng làm cho giá cả, luật lệ kinh doanh rất thất thường, năng lực cạnh tranh thấp. Thị trường môi giới lao động cũng như vậy...

Nhìn chung, năng lực cạnh tranh và trình độ phát triển của khu vực dịch vụ của Việt Nam thấp. Gia nhập WTO sẽ mở ra thị trường rộng lớn nhưng cạnh tranh gay gắt, trong khi đó Trung Quốc sẽ là một đối thủ cạnh tranh mạnh trên hầu hết các loại hình dịch vụ. Nếu không có sự chuẩn bị rất năng động, có hệ thống và đồng bộ cho từng loại dịch vụ, sức ép cạnh tranh sẽ ập đến các loại hình dịch vụ của Việt Nam và thời gian đầu của thời kỳ mở cửa sẽ rất khó khăn.

"Để có thể phát huy được những thế mạnh và khắc phục những điểm yếu của ngành dịch vụ, Việt Nam cần tiếp tục đảm bảo và duy trì môi trường kinh tế vĩ mô và chính trị- xã hội ổn định, tập trung chủ yếu vào việc phát huy những lợi thế so sánh động (phát triển nguồn nhân lực, nắm bắt những có hội của hội nhập...) đồng thời với việc sử dụng triệt để nhưng giảm dấn sự phụ thuộc vào những lợi thế so sánh sẵn có như lao động rẻ, điều kiện tự nhiên thuận lợi, bảo hộ. Việt Nam cũng cần phải có một chiến lược phát triển ngành dịch vụ tổng thể, dựa trên cơ sở đánh giá điểm mạnh, điểm yếu cảu ngành, chiến lược phát triển KTXH chung của cả nước, tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế và xu hướng phát triển chung của ngành dịch vụ thế giới"- đó là ý kiến của PGS.TS Nguyễn Xuân Thắng- Viện Kinh tế và Chính trị Thế giới. Còn ông Jordan Ryan thì kết luận rằng: Việt Nam nên tập trung vào mở cửa dịch vụ cho khu vực tư nhân; tự do hoá, thể chế hoá và cách thức tạo ra luật lệ, thể chế.

Lan Hương

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dịch vụ Việt Nam thách thức và tiếp cận mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.