Theo dõi Báo Hànộimới trên

Doanh nghiệp ngậm bồ hòn

Đình Hiệp| 03/12/2011 06:21

(HNM) - TP Hồ Chí Minh luôn là "mảnh đất màu mỡ" cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng... Thủ đoạn của gian thương ngày càng tinh vi, trong khi không ít người tiêu dùng vì hám rẻ đã vô tình tiếp tay cho những sản phẩm này thâm nhập sâu rộng hơn vào thị trường.

Cuộc chiến chống "cối xay gió"

Là DN chuyên phân phối sản phẩm khẩu trang sợi hoạt tính Kissy, ông Nguyễn Văn Trung, Giám đốc Công ty TNHH Phân phối Top A, không khỏi bức xúc khi trên thị trường Hà Nội và TP Hồ Chí Minh xuất hiện nhiều loại khẩu trang Kissy giả, nhái kém chất lượng. Tại hội thảo "Phòng, chống hàng giả, gian lận thương mại" nhân Ngày Phòng, chống hàng giả, hàng nhái (29-11), ông Trung cho biết: "Trên thị trường có rất nhiều loại khẩu trang mà người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là hàng thật, hàng giả, hàng nhái. Khẩu trang Kissy được cấp bằng độc quyền sáng chế, sản phẩm được Bộ Y tế khuyên dùng nhưng tại nhiều hiệu thuốc, cửa hàng tạp hóa, người bán dạo… đâu đâu cũng thấy khẩu trang giả, nhái sản phẩm của Kissy". Công ty đã nhiều lần kiến nghị đến các cơ quan chức năng nhưng đến nay kiến nghị vẫn chỉ là kiến nghị. Từ nhiều năm nay công ty vẫn phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" dù biết rõ nơi sản xuất, nơi bán hàng giả, nhái sản phẩm của mình, đồng thời chịu thiệt hại khoảng 20-30% doanh số hằng năm.

Hàng thật, hàng nhái na ná giống nhau khiến người tiêu dùng khó phân biệt.

Cũng trong tình cảnh như vậy, ông Nguyễn Hữu Vĩnh, Phó Trưởng phòng Hành chính nhân sự, Công ty TNHH Mỹ phẩm LG Vina - chủ sở hữu của các thương hiệu mỹ phẩm Essance, Ohui và Whoo - cho rằng, hàng giả không chỉ gây thiệt hại về uy tín mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu của DN. Mấy năm vừa qua, doanh thu của LG Vina không được như dự kiến, thường chỉ đạt 70-75% dù đã nghiên cứu, khảo sát thị trường rất kỹ; nguyên nhân là do bị hàng giả chiếm mất thị phần. Ông Vĩnh chua chát nói: "Cuộc chiến chống hàng giả giống như hiệp sĩ Don Quixote đánh nhau với cối xay gió, bởi hàng giả có muôn hình vạn trạng, mặt hàng nào cứ có doanh số cao là ngay lập tức bị làm giả và mức độ làm giả ngày càng tinh vi". Theo ông Vĩnh, trước đây nhãn hàng Essance (dòng hàng bị làm giả nhiều nhất trong số các sản phẩm của LG Vina), bị làm giả tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận thì nay được sản xuất ở Trung Quốc rồi nhập lậu vào Việt Nam.

Cơ quan chức năng "bó tay"

Báo cáo của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2011, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, xử lý 4.879 vụ, xử phạt hơn 15 nghìn tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh cũng đã xử lý 597 vụ vi phạm giả mạo nhãn hiệu, phạt hơn 5 nghìn tỷ đồng; xử lý 8 vụ vi phạm kiểu dáng công nghiệp, phạt 116 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra truy cứu trách nhiệm hình sự 3 vụ. Đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP cho biết, địa bàn kinh doanh hàng giả tập trung chủ yếu ở các chợ đầu mối như An Đông, Kim Biên, Bình Tây, Tân Bình; khu vực đông khách mua sắm như chợ Bến Thành, Sài Gòn Square, Trung tâm Thương mại An Đông Plaza. Hàng giả chủ yếu sản xuất từ Trung Quốc, một phần được sản xuất trong nước, các đối tượng vi phạm thường thuê nhà ở hẻm cụt hoặc khu vực mới đô thị hóa vừa để ở vừa dùng làm nơi sản xuất hàng giả, chỉ thuê thời gian ngắn rồi lại chuyển địa điểm khác nhằm tránh bị cơ quan chức năng phát hiện, xử lý. Tại TP Hồ Chí Minh, các sản phẩm may mặc, đồng hồ, mắt kính, mỹ phẩm, thuốc… là những mặt hàng giả chiếm tỷ lệ cao nhất.

Trước tình trạng hàng giả, nhái xuất hiện tràn lan trên thị trường, một số DN tại TP Hồ Chí Minh cho biết đã sử dụng tem chống giả như giải pháp hữu hiệu để tự bảo vệ mình và giúp người tiêu dùng phân biệt hàng thật, giả. Tuy nhiên, thời gian gần đây trên thị trường cũng đã xuất hiện tem chống giả… bị làm giả khiến DN và người tiêu dùng lo lắng. Ông Đỗ Hữu Quang, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết, dù lực lượng quản lý thị trường, công an, hải quan… tăng cường kiểm tra, xử lý nhiều vụ việc nhưng tình trạng bày bán hàng giả, hàng nhái vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Công tác chống hàng giả hiện gặp khó khăn vì nhiều lý do. Trước hết, cơ sở pháp lý chưa hoàn thiện do các quy định chưa thống nhất, chưa cụ thể nên chưa có cơ sở xác định hàng giả và xử lý hàng giả cả về hành chính và hình sự. Các chế tài quy định ở nhiều văn bản nhưng không thống nhất, hay thay đổi, chồng chéo, trùng lặp nên khó thực thi.

Để loại trừ tận gốc vấn nạn này, nhiều ý kiến cho rằng cần truy cứu trách nhiệm hình sự các đối tượng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái; đặc biệt là trong cuộc chiến chống hàng giả cần phải có sự quyết tâm, quyết liệt và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, DN và cả người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Doanh nghiệp ngậm bồ hòn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.