Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đào thải: Tại sao không?

Bách Sen - Hải Lê| 12/05/2012 06:39

Cuối tháng 5 này, Chính phủ sẽ trình Quốc hội Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế. Trong đó, đề xuất tiến hành cổ phần hóa 573 DN, giải thể hoặc phá sản 44 DN.


Tái cấu trúc toàn diện nhằm đổi mới cơ cấu và quản trị DN là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, liệu giải pháp này có đủ mạnh để tạo ra một sức bật mới cho nền kinh tế? Đối với các công ty, tập đoàn tư nhân, việc bãi chức những người được thuê làm tổng giám đốc không đủ năng lực điều hành, dẫn đến hiệu quả kinh doanh thấp hoặc thua lỗ là việc làm bình thường. Thế nhưng, ở khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN), các "ông chủ" lâu nay lại không quen với cơ chế đào thải này và rất hiếm khi bị "sờ gáy", dù luật lệ không thiếu.

Theo Nghị định số 199/2004 về Quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước và quản lý vốn nhà nước đầu tư vào DN khác, lãnh đạo một tập đoàn, tổng công ty nhà nước có thể bị "mất ghế" do năng lực điều hành yếu kém. Cụ thể, tổng giám đốc hoặc giám đốc sẽ bị miễn nhiệm hoặc chấm dứt hợp đồng trước thời hạn nếu vi phạm vào một trong các trường hợp: báo cáo không trung thực tình hình tài chính của công ty từ 2 lần trở lên hoặc 1 lần nhưng sai lệch nghiêm trọng; để công ty thua lỗ 2 năm liên tiếp hoặc không đạt chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn nhà nước đầu tư trong 2 năm liên tiếp; công ty lâm vào tình trạng phá sản nhưng không nộp đơn yêu cầu phá sản.

Chế tài đủ mạnh, quy định rõ ràng, thế nhưng, gần 8 năm trôi qua, rất ít lãnh đạo DNNN bị cách chức chỉ vì những lý do trên, cho dù không hiếm đơn vị yếu kém như nhận định của Chính phủ. Cá biệt, có những DNNN thua lỗ nặng nhưng vẫn nhận được nhiều ưu đãi quyền lực lớn từ các bộ, ngành liên quan, từ chủ trương, chính sách hỗ trợ, đến các nguồn lực như con người, vốn liếng, đất đai.

Dư luận mong muốn, ngoài việc tái cơ cấu, nâng cao chất lượng DNNN, Chính phủ phải xử lý mạnh tay như đối với trường hợp ông Đào Văn Hưng bị miễn nhiệm chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) do điều hành yếu. Việc làm này đừng là chuyện hãn hữu, cá biệt, mà phải thực hiện thường xuyên, trở thành thông điệp đủ sức răn đe lãnh đạo các DNNN làm ăn ì ạch. Và, chỉ có như thế thì nền kinh tế-xã hội mới có cơ hội phát triển lành mạnh và bền vững…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Đào thải: Tại sao không?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.