Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thuế cao, doanh nghiệp ngành cao su… lao đao

Ngô Sơn - Chí Đạo| 03/08/2012 06:30

(HNM) - Dây chuyền thiết bị máy móc hiện đại trị giá hàng triệu USD "đắp chiếu", nhà máy đóng cửa, công nhân mất việc là thực tế đang diễn ra ở hàng loạt doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu cao su ở phía Nam. Tình trạng này diễn ra sau khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư 145/2011/TT-BTC, áp thuế xuất khẩu 3% lên sản phẩm cao su ly tâm và cao su hỗn hợp...

Đầu tư tiền tỷ để… đắp chiếu

Chỉ dây chuyền sản xuất mủ cao su ly tâm gồm 8 máy ly tâm nhập khẩu từ CHLB Đức trị giá khoảng 40 tỷ đồng đang "đắp chiếu", ông Đồng Minh Toàn, Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu tổng hợp Bình Phước - Bigimexco), bức xúc: "Chúng tôi đầu tư lớn xây dựng nhà máy sản xuất mủ cao su ly tâm và cao su hỗn hợp với kỳ vọng nâng cao giá trị sản phẩm cao su xuất khẩu, nhưng vì mức thuế suất xuất khẩu 3% được áp dụng cuối năm 2011, từ đầu năm 2012 đến nay, 8 cỗ máy tiền tỷ đã phải ngừng hoạt động, 50 công nhân phải nghỉ việc".

Nhiều doanh nghiệp đang chuyển sang sản xuất sản phẩm cao su không chịu thuế để tồn tại.

Tương tự, tại xưởng chế biến phân mủ cao su hỗn hợp của Công ty TNHH Hưng Thịnh (Tây Ninh) cũng vắng bóng công nhân. Toàn bộ dây chuyền hiện đại với 10 máy sản xuất cao su ly tâm nhập từ Thụy Điển với giá trị 400.000 USD của công ty cũng… bọc kín nilon. Ông Nguyễn Quang Hợp, thành viên HĐQT công ty nói: "Dây chuyền vừa hoàn thành việc lắp đặt thì Bộ Tài chính áp thuế xuất khẩu từ 0% lên 3% với sản phẩm cao su ly tâm, nếu làm thì chắc chắn thua lỗ nên công ty phải ngừng sản xuất".

Không chỉ công ty cao su tư nhân mà ngay cả với DN chiếm nhiều ưu thế về nguyên liệu như Công ty CP Cao su Tây Ninh thuộc Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam - VRG cũng rơi vào tình cảnh lao đao. Theo ông Lê Bá Thọ, Trưởng phòng Kinh doanh cho biết, thế mạnh của công ty lâu nay chính là sản xuất mủ ly tâm với 70% sản lượng xuất khẩu. Tuy nhiên, khi áp dụng thuế 3%, với sản lượng trong năm nay khoảng 13.000 tấn mủ cao su, dự kiến khoản thuế xuất khẩu DN phải đóng tới 11 tỷ đồng, sẽ không còn lãi, buộc công ty phải giảm sản lượng mủ ly tâm và chuyển sang chế biến loại mủ cao su khác không bị chịu thuế…

Triệt tiêu sức cạnh tranh, tăng sự lệ thuộc

Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA), năm 2011, khi sản phẩm cao su đang có giá, Bộ Tài chính ra Thông tư số 157/2011/TT-BTC áp dụng thuế xuất khẩu 3% trên chủng loại cao su tự nhiên là loại ly tâm và hỗn hợp, khiến 2 sản phẩm này tăng giá thêm 100 USD/tấn. Trong khi đó, năm 2012, giá xuất khẩu cao su 6 tháng đầu năm bình quân đạt 3.001 USD/tấn, giảm 31,3% so với cùng kỳ và ở thời điểm hiện tại đang ở mức thấp nhất, khoảng 2.700 USD/tấn (giảm 50%), cộng với việc áp dụng thuế suất 3% khiến sản phẩm cao su xuất khẩu không thể cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác. Thực tế này đã dẫn tới tình trạng các DN cao su trong nước ngừng hoặc giảm sản xuất 2 chủng loại sản phẩm như trên.

Nghịch lý hơn, cao su ly tâm và cao su hỗn hợp là những sản phẩm nằm trong chiến lược đa dạng hóa sản phẩm của ngành cao su Việt Nam nhằm mở rộng thị trường khác ngoài thị trường truyền thống là Trung Quốc (hiện chiếm tới 70%, chủ yếu xuất thô, giá trị thấp). Theo nhiều chuyên gia phân tích, nếu không mở rộng thị trường thì ngành cao su sẽ gặp nhiều rủi ro như nhiều ngành nông sản khác đã mắc, khi phải phụ thuộc quá nhiều vào một thị trường. Vì vậy, các sản phẩm như cao su ly tâm, cao su tổng hợp đang xuất bán đến các thị trường mới như EU, Singapore, Indonesia, Malaysia… lẽ ra cần được ưu tiên thì lại đang chịu cảnh đánh thuế cao.

Mặt khác, theo ông Trần Ngọc Thuận, Chủ tịch VRG, mức thuế 3% trên còn tạo sự bất bình đẳng giữa DN trong khu chế xuất (KCX) và ngoài KCX. DN trong KCX nhập các chủng loại không chịu thuế và sơ chế ra cao su hỗn hợp, khi xuất khẩu sẽ không chịu mức thuế theo quy định của KCX. Trước tình hình này, ông Trần Ngọc Thuận kiến nghị, Bộ Tài chính cần xem xét miễn thuế xuất khẩu các chủng loại cao su tự nhiên thuộc nhóm cao su ly tâm và cao su hỗn hợp.

Một vấn đề khác cũng khiến ngành cao su lao đao là đóng thuế bảo vệ môi trường đối với bao bì nhựa PE bao gói cao su. Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, bao bì nhựa đóng gói cao su nguyên liệu đều được đưa vào luyện hỗn hợp với cao su (vì khó bóc tách) làm thành sản phẩm và không xả thải ra môi trường. Đối chiếu với các đối tượng không chịu thuế tại Thông tư 152 thì loại bao bì này là nằm trong diện không chịu thuế.

Theo mục tiêu đến năm 2020, cao su tự nhiên (gồm cả chủng loại mủ ly tâm và hỗn hợp) là một trong những mặt hàng nông sản được Chính phủ khuyến khích gia tăng sản lượng để tăng xuất khẩu. Hiện mặt hàng cao su là một trong số ít những nông sản có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD (năm 2011 đạt 3,23 tỷ USD). Báo cáo mới đây của Bộ NN&PTNT cho biết, xuất khẩu cao su tháng 7 ước đạt 65.000 tấn, giá trị đạt 195 triệu USD, đưa lượng cao su xuất khẩu 7 tháng lên 468.000 tấn, thu về 1,4 tỷ USD, tăng 26,7% về lượng nhưng giảm 12,5% về giá trị.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thuế cao, doanh nghiệp ngành cao su… lao đao

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.