Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giải phóng hàng tồn kho: Không chỉ trông chờ Nhà nước

Thanh Mai| 03/08/2012 06:36

(HNM) - Hàng tồn kho tăng, vốn quay vòng chậm lại, trong khi doanh số bán hàng giảm, thực trạng về cung - cầu hàng hóa cho thấy nền kinh tế gặp nhiều khó khăn. Các ngành có tác động đến nền kinh tế như thép, than đang chịu tác động tiêu cực do sức cầu giảm quá lớn.

Thép là một trong nhiều mặt hàng có lượng tồn kho lớn.  Ảnh: Trần Việt -TTXVN

Than… tồn kho

Tính đến hết tháng 7-2012, lượng than tồn kho của Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam (TKV) lên tới hơn 8,9 triệu tấn, tăng hơn năm trước 2,4 triệu tấn. Các hộ tiêu thụ than trong nước mua chậm, than xuất khẩu bị ảnh hưởng bởi diễn biến xấu của kinh tế thế giới… là những nguyên nhân dẫn tới lượng than tồn kho của TKV.

Công ty Than Núi Béo có sản lượng khai thác khá lớn (4,4 triệu tấn/năm), nhưng mới tiêu thụ được 43%. Với tốc độ như hiện nay, khả năng tiêu thụ hết số lượng than khai thác trong năm là không thể, mặc dù giá than Núi Béo hiện rẻ so với một số đơn vị khác. Cùng chung khó khăn, Công ty Kho vận Cẩm Phả mới thực hiện được 45% kế hoạch. Lượng than tồn hiện khoảng 1,3 triệu tấn và khả năng sẽ còn gia tăng.

Lượng than tồn kho cao không chỉ ảnh hưởng tới kế hoạch sản xuất, kinh doanh (SXKD) của các công ty, mà còn phát sinh những chi phí do tồn đọng vốn, bảo quản, lưu kho… Đồng thời, có thể kéo doanh thu năm 2012 giảm so với kế hoạch. Bên cạnh việc chủ động điều chỉnh sản lượng để giảm sức ép tồn kho, TKV ưu tiên duy trì đời sống, công việc cho đội ngũ thợ lò. Các công ty có mức than tồn kho cao so với kế hoạch như than Đông Bắc, Hòn Gai, Vàng Danh, Kho vận Hòn Gai, Kho vận Đá Bạc.

Lượng than tồn kho hiện nay đã vào khoảng 1,3 triệu tấn và con gia tăng. Ảnh: TTXVN

Thép cũng tồn kho

Ngành thép không bao giờ để tồn kho quá lớn, thông thường cuối tháng, các đơn vị sản xuất thép đều có tồn kho - gối đầu cho tháng sau khoảng 250.000-300.000 tấn. Tuy nhiên, từ tháng 6-2012, lượng tồn kho đã vượt quá mức bình thường, đến 350.000 tấn, tháng 7 lên 370.000 tấn. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, 6 tháng đầu năm, sản xuất và tiêu thụ thép đều giảm mạnh. Đây là điều chưa từng gặp trong 10 năm nay. Cụ thể, sản xuất thép đạt 4.637.100 tấn, giảm 3,39% so với cùng kỳ năm trước, trong đó thép xây dựng đạt 2.605.541 tấn (giảm 10,67%). Tiêu thụ sản phẩm thép dài đạt 2.618.145 tấn (giảm 16,96%), sản lượng thép sản xuất trong nước cũng giảm 10,67%. Đặc biệt, nhập khẩu 6 tháng đầu năm chưa bao giờ giảm như năm nay, với mức giảm 36,19%. Trong bối cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp (DN) đã tìm đường xuất khẩu nên lượng xuất khẩu thép xây dựng tăng mạnh, đạt 236.019 tấn, tăng 54,02%.

Tình hình kinh tế khó khăn, nhiều công trình xây dựng thiếu vốn phải giãn tiến độ hoặc tạm dừng lại, do vậy thị trường tiêu thụ thép giảm sút, gây sức ép cho SXKD của các DN. Lượng tồn kho tháng 7 khoảng 370.000 tấn là mức tồn kho cao hơn bình thường, lượng tồn kho tăng hơn 15% so với các tháng đầu năm. Đơn cử như thép Thái Nguyên, có tháng chỉ tiêu thụ 20.000 tấn, thậm chí các tháng sau đó chỉ bán được 14.000-15.000 tấn. Lượng tiêu thụ thép quá thấp buộc các DN phải tiết giảm sản xuất để con số tồn kho không tăng thêm. Với lãi vay ngân hàng vẫn cao như hiện nay thì 1 tấn tồn kho chi phí tài chính một tháng tăng khoảng 200-250 nghìn đồng. Như vậy đã không bán được thép, DN còn phải chịu lỗ vì có hạ giá vẫn chịu chi phí tài chính. Sức bán giảm, tồn kho tăng cao chưa kể vay vốn ngân hàng cao là nguyên nhân khiến nhiều DN thép rơi vào tình trạng ngừng sản xuất, chạy nợ và không có tiền trả cho nhân công.

Bên cạnh tình trạng cung lớn hơn cầu, hàng tồn kho ứ đọng nhiều, thép Việt Nam còn chịu thêm sức ép cạnh tranh từ các sản phẩm nhập khẩu, nhất là thép Trung Quốc. Riêng mặt hàng thép xây dựng, thép Trung Quốc đã vào nước ta với giá bán thấp hơn nhiều so với giá thép tròn cuộn DN "nội" sản xuất. Hiện nay, nhu cầu thép thế giới giảm, trong lúc giá các loại nhiên liệu như điện, xăng, dầu, than… tăng theo giá thị trường, rồi hàng tồn kho và sự cạnh tranh của thép nhập khẩu… đã ảnh hưởng rất nhiều đến giá sản phẩm thép "nội". Vấn đề đặt ra là làm thế nào để tăng sức tiêu thụ thép và giảm sản phẩm tồn kho?

Nỗ lực tự cứu

Từ đầu năm nay, sức mua trong nước giảm mạnh, chỉ số tồn kho tăng cao khiến các DN gặp khó khăn. Chỉ số tồn kho của ngành công nghiệp chế biến tăng 26%. Một trong những nguyên nhân là chi phí đầu vào cho SXKD cao và bất ổn, ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm. Chỉ số giá nguyên, nhiên, vật liệu cho sản xuất từ đầu năm đến nay tăng 13,78% đã tác động đến giá sản phẩm bán ra của các nhà sản xuất, việc tiêu thụ sản phẩm công nghiệp vì thế cũng gặp khó khăn. Ngoài ra, chi phí vận tải cao cũng làm giá thành sản phẩm tăng cao.

Theo Bộ Công thương, để giải quyết khó khăn cho các DN, thời gian tới Bộ Công thương sẽ tập trung dồn sức tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN giảm lượng hàng tồn kho, tiếp cận vốn ngân hàng để đẩy mạnh SXKD, duy trì tăng trưởng và phát triển. Trước mắt sẽ tìm biện pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách và nguồn vốn khác đã được phê duyệt nhằm tiêu thụ các sản phẩm, như xi măng, sắt thép, thiết bị vệ sinh, thiết bị điện… đồng thời có chương trình kích cầu ở một số nhóm hàng tồn kho lớn. Đồng thời Bộ Công thương sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn, đề xuất các biện pháp giúp DN giải quyết hàng tồn kho các sản phẩm: than, quặng titan, quặng apatit loại 2, sắt và các loại khoáng sản, sản phẩm khác; khuyến khích các DN sử dụng sản phẩm của nhau, nhất là đối với những sản phẩm của DN này là nguyên liệu đầu vào của DN khác.

Sản phẩm tồn kho cao đồng nghĩa với việc SXKD tiếp tục ngưng trệ và tác động đến phát triển kinh tế nói chung. Để giải phóng hàng tồn kho, bên cạnh việc thực thi các chính sách chỉ đạo điều hành của Chính phủ, bộ, ngành thì các DN cũng phải nỗ lực tìm hướng đi cho riêng mình để tự cứu chính mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải phóng hàng tồn kho: Không chỉ trông chờ Nhà nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.