Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghiên cứu sửa chữa mặt cầu Thăng Long: Cẩn trọng tránh lãng phí

Nguyễn Đức| 12/10/2012 06:39

(HNM) - Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ GTVT xin chủ trương sử dụng vốn vay dự kiến hơn 12 tỷ đồng từ tổ chức JICA để nghiên cứu việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long.

Việc sửa chữa dứt điểm hư hỏng mặt cầu, tuyến huyết mạch cửa ngõ phía bắc Thủ đô là cần thiết. Tuy nhiên, cần phải xem xét kỹ để không tiếp tục lãng phí tiền của như đã từng xảy ra hồi cuối năm 2009.

Mặt cầu Thăng Long bị xuống cấp trầm trọng. Ảnh: Dương Thủy

Sau hàng chục năm khai thác, cầu Thăng Long - một trong ít cây cầu ở nước ta có kết cấu bản mặt thép, bị xuống cấp, hư hỏng, ảnh hưởng đáng kể đến việc đi lại, an toàn giao thông. Cuối năm 2009, bằng nguồn vốn xây dựng cơ bản từ ngân sách, Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam sửa chữa toàn bộ mặt cầu. Với tổng mức đầu tư hơn 100 tỷ đồng, đây là đợt sửa chữa có quy mô lớn nhất kể từ khi cây cầu này được đưa vào khai thác. Khi bắt đầu thi công, đại diện chủ đầu tư, đơn vị tư vấn giám sát cung cấp thông tin khiến dư luận hết sức yên tâm. Đó là công nghệ sửa chữa hiện đại, vật liệu chất lượng cao nhập khẩu từ Vương quốc Anh. Ý thức được vai trò quan trọng của cây cầu nên các ngành chức năng, nhà thầu đã nỗ lực tối đa, vượt tiến độ cả tháng trời. Nhưng chỉ sau 2 tháng kể từ khi hoàn thành việc sửa chữa, mặt cầu lại xuất hiện hư hỏng. Các cơ quan chức năng tất bật tìm nguyên nhân, đến ngày 23-3-2010, Viện Khoa học Công nghệ GTVT có văn bản số 226/VKHCN-KQH kết luận ban đầu cho rằng nguyên nhân là do điều kiện thời tiết. Biện pháp xử lý cục bộ khá đơn giản là khoanh mảng, cắt bỏ, sau đó sử dụng đúng loại hỗn hợp vật liệu bê tông nhựa SMA để trám vá, kết hợp với biện pháp thoát nước nhanh. Nhưng rồi hỏng vẫn hoàn hỏng. Trong buổi họp báo mới đây, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường thừa nhận, việc sửa chữa không đạt kết quả là do thất bại trong chuyển giao công nghệ chứ không phải tại "ông trời".

Việc sửa chữa không hiệu quả đã gây lãng phí cả trăm tỷ đồng. Mà sự lãng phí này là do con người. Khi áp dụng một công nghệ mới, điều quan trọng là phải nghiên cứu, thí điểm và học kinh nghiệm từ những nước có điều kiện tương tự rồi mới thực hiện. Còn nhớ, vào cuối tháng 3-2010, Tiến sĩ Doãn Minh Tâm, Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ GTVT khi đó khẳng định, tuy chưa từng sử dụng vật liệu mới trên mặt cầu bản thép, nhưng trước khi lựa chọn, Viện đã cử cán bộ sang Trung Quốc tìm hiểu, nghiên cứu việc sử dụng vật liệu này trên mặt cầu bản thép. Như vậy, không thể nói việc nghiên cứu, chuẩn bị cho áp dụng công nghệ mới là vội vàng, cẩu thả. Đáng tiếc, không hiểu vì lý do gì mà chuyển giao công nghệ vẫn thất bại...

Trở lại việc đề xuất tiếp tục vay vốn nghiên cứu sửa chữa triệt để hư hỏng cầu Thăng Long, theo Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Bộ GTVT đã phối hợp với các chuyên gia trong và ngoài nước nghiên cứu khắc phục nhưng chưa có giải pháp công nghệ cũng như nguồn vốn giải quyết triệt để. Tổng cục kiến nghị giao tư vấn Katahira&Engineers International (KEI) nghiên cứu xác định nguyên nhân hư hỏng, sơ bộ đề xuất giải pháp sửa chữa trong tháng 10-2012. Với kinh phí hơn 12 tỷ đồng, tư vấn sẽ kiểm tra, đo hiện trạng, thí nghiệm kết cấu, phân tích kết cấu, lập phương án, dự toán sửa chữa cầu. Hơn 12 tỷ đồng không phải số tiền nhỏ, bởi đã chiếm hơn 1/10 tổng kinh phí sửa chữa lần trước. Nhưng, để bảo đảm chất lượng cây cầu quan trọng như cầu Thăng Long, nếu thực sự hiệu quả, cần thiết cũng phải chấp nhận. Vấn đề đặt ra là cần xem xét, phân tích kỹ để tránh lãng phí. Cầu Thăng Long mặt bản thép, qua thời gian sử dụng đã bị biến dạng.

Vấn đề cần tập trung giải quyết là tìm phương pháp xử lý độ bám dính vật liệu, nếu bản thép còn tốt. Được biết, vừa qua Công ty Hall&Brothers (Mỹ) đã tổ chức sửa chữa, khắc phục cục bộ trên cầu Thăng Long bằng cách thay lớp bám dính mới và hiệu quả khá tích cực, chưa xuất hiện tái hư hỏng. Liệu đây có phải là biện pháp thích hợp? Để có câu trả lời, cần thêm thời gian.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghiên cứu sửa chữa mặt cầu Thăng Long: Cẩn trọng tránh lãng phí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.