Theo dõi Báo Hànộimới trên

TS.Lê Xuân Nghĩa: Đã đến lúc bỏ trần lãi suất huy động

Thủy Hương| 05/11/2012 17:35

(HNMO)- Nếu tiếp tục duy trì sẽ đẩy ngân hàng đang huy động lãi suất cao vướng vào rủi ro pháp lý…

(HNMO)- Nếu tiếp tục duy trì sẽ đẩy ngân hàng đang huy động lãi suất cao vướng vào rủi ro pháp lý…

Tại buổi tọa đàm đánh giá hiệu quả chính sách tiền tệ 10 tháng đầu năm 2012 và khuyến nghị chính sách diễn ra ngày 5/11 tại Hà Nội, TS Lê Xuân Nghĩa-thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, cho rằng, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước (NHNN)  đã có bước đi thông minh khi bỏ trần lãi suất trên 12 tháng nhưng câu hỏi đặt ra cho NHNN là sắp tới đây có nên tiếp tục trần lãi suất huy động kỳ hạn nữa không. Trên thực tế, có quy định trần lãi suất huy động ngắn hạn nhưng các ngân hàng không thực hiện và tình trạng này vẫn đang tồn tại. Nếu tiếp tục duy trì trần lãi suất huy động thì phải yêu  cầu các ngân hàng nghiêm túc thực hiện hiện. Nếu không thì tới đây là thời điểm NHNN phải tính đến bỏ tiếp trần lãi suất ngắn hạn bởi tiếp tục duy trì sẽ đẩy ngân hàng đang huy động lãi suất cao vướng vào rủi ro pháp lý.

Cũng theo TS.Nghĩa, thời gian qua NHNN bơm tiền rất thận trọng dù đứng trước áp lực phải mở rộng chính tiền tiền tệ, chính sách tín dụng. Cụ thể, dù đứng trước áp lực lớn là phải giảm lãi suất, mở rộng tín dụng nhưng NHNN rất kiên trì trong điều hành nhằm đảm bảo mục tiêu kiềm chế lạm phát và việc điều hành này đã các tổ chức quốc tế đánh giá rất cao.

“Cách điều hành của NHNN hoàn toàn đúng, lạm phát lõi hàng tháng thấp nhất 0,18% nhưng đã leo dần lên 0,85% và 1% gần đây chứng tỏ lạm phát có nguy cơ quay trở lại và đang ở mức khá cao. Do vậy, cuối năm khi mà chu kỳ mùa vụ xuất hiện có thể tạo ra những cú sốc nhất định về cầu nên việc điều hành thanh khoản là rất quan trọng”-TS. Nghĩa nhận định.

Tới đây, sức ép giảm lãi suất lớn, mở rộng tín dụng lớn nhưng dư địa để NHNN giảm lãi suất là không có. Lạm phát lõi rất có khả năng quay trở lại, do vậy quan điểm kiên trì mục tiêu kiểm soát lạm phát, ngay cả từ nay đến cuối năm và trong năm 2013 là đúng đắn. Vì vậy, theo TS. Nghĩa, chính sách tiền tệ cuối năm là tiếp tục kiểm soát, chắc chắn không thể giảm lãi suất xuống được nữa.

Về vấn đề nợ xấu, đây là vấn đề lớn nhất của hệ thống ngân hàng và là cốt lõi của nền kinh tế hiện nay. Nợ xấu dẫn đến đóng băng tín dụng. Nếu không gỡ được băng tín dụng thì không thể hạ lãi suất, các doanh nghiệp không thể tiếp cận được vốn ngân hàng, mà vốn ngân hàng có ảnh hưởng rất lớn. Cụ thể, tín dụng ngân hàng ảnh hưởng 82% đầu tư của khu vực tư nhân, tín dụng ngân hàng cũng ảnh hưởng hơn 30% đầu tư công của Chính phủ, mà nợ xấu của khu vực này không phải là nhỏ. Thống đốc khẳng định nợ xấu xây dựng cơ bản khoảng 90 nghìn tỷ. Tín dụng ngân hàng cũng ảnh hưởng 28% nhu cầu vốn đầu tư FDI.

Do vậy, đóng băng tín dụng là thảm họa của nền kinh tế, đây là điều cần nỗ lực xử lý.  Vì thế, “muốn xử lý nợ xấu thì Chính phủ phải làm. Nếu việc này không thực hiện kịp thời thì doanh nghiệp chết ngày càng nhiều.”-TS. Nghĩa nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TS.Lê Xuân Nghĩa: Đã đến lúc bỏ trần lãi suất huy động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.