Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cân bằng cán cân thương mại: Mừng mà lo

Thanh Mai| 14/12/2012 06:12

(HNM) - Với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu (XK) tiếp tục cao hơn so với tăng trưởng nhập khẩu (NK), cán cân thương mại của Việt Nam đã được cải thiện khi xuất siêu 11 tháng đạt 14 triệu USD, bằng 0,01% kim ngạch nhập khẩu (KNNK). Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, đây lại là thách thức lớn cho năm 2013.

Nhóm hàng công nghiệp chế biến đóng góp đáng kể vào kim ngạch xuất khẩu năm 2012. Ảnh: Danh Lam


Cán cân thương mại không âm: Không phải bản chất của nền kinh tế

Theo Bộ Công thương, tổng KNXK 11 tháng của cả nước đạt 104 tỷ USD, tăng 18,4% so với cùng kỳ, trong đó KNXK của doanh nghiệp (DN) FDI (không kể dầu thô) chiếm gần 57,85 tỷ USD, tăng 34,5%. Đóng góp đáng kể vào tăng tổng KNXK là nhóm hàng công nghiệp chế biến với giá trị gần 67 tỷ USD, chiếm tỷ trọng hơn 64%; nhóm điện thoại và linh kiện, máy vi tính, sản phẩm điện tử đóng góp 8,5 tỷ USD. Dự kiến, tổng KNXK cả năm sẽ đạt 114,5 tỷ USD, tăng 18,2% so với năm 2011. Trong khi đó, KNNK 11 tháng đạt 103,9 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ (DN trong nước NK 49,03 tỷ USD, giảm 7,8% so với cùng kỳ, DN FDI NK 54,96 tỷ USD, tăng 24,3% so với cùng kỳ và chiếm tỷ trọng gần 53% tổng KNNK cả nước). Đáng chú ý, KNNK của nhóm hàng cần kiểm soát đã giảm hơn 35%, nhóm hàng hạn chế đã giảm 5,5% nhưng tổng giá trị NK của hai nhóm này vẫn là 8,62 tỷ USD. Việt Nam vẫn nhập siêu chủ yếu từ Trung Quốc (15 tỷ USD), Hàn Quốc (9,1 tỷ USD) và ASEAN (3,4 tỷ USD)…

Dưới góc độ ổn định kinh tế vĩ mô, cán cân thương mại cân bằng là chỉ tiêu đáng mừng của nền kinh tế. Tuy nhiên, với đặc thù là nước đang phát triển và sản xuất công nghiệp vẫn chủ yếu gia công, lắp ráp từ điện tử đến dệt may, thời gian qua Việt Nam chủ yếu nhập nguyên nhiên liệu đầu vào để đáp ứng 80% nhu cầu phục vụ sản xuất. Vì vậy, việc KNNK nguyên vật liệu đầu vào của khối DN trong nước tiếp tục giảm trong khi KNNK của khối DN FDI vẫn tăng cao, cho thấy sản xuất trong nước vẫn đang rất khó khăn, cũng như thị trường tiêu thụ hàng hóa chưa có đầu ra. Đây là tín hiệu đặc biệt lưu ý trong quá trình quản lý, điều hành vĩ mô, bởi cán cân thương mại không âm không phải là bản chất của nền kinh tế nước ta hiện nay.

Theo nhận định của các chuyên gia, hàng hóa NK tạo tài sản cố định và nguyên liệu cho năm 2013 đang ở mức độ đáng lo ngại, bởi trước đây con số này tăng trưởng khoảng 15%/năm với kim ngạch khoảng 1,3 tỷ USD/tháng. Nếu không có chính sách tốt về vốn ngắn hạn cho NK và vốn dài hạn cho đầu tư lâu dài thì các mục tiêu kế hoạch về XNK từ nay đến 2015 sẽ khó hoàn thành.

Chưa hết, Hiệp hội Chế biến và XK thủy sản (VASEP) cho biết, doanh số XK thủy sản của các DN không giảm, thậm chí tăng so với năm 2011, nhưng vẫn khó khăn do tôm chết liên tục trong khi các rào cản thương mại cho XK tôm Việt Nam vào thị trường tiêu thụ mạnh nhất là Nhật Bản vẫn chưa được hóa giải. Thêm vào đó, mặc dù lãi suất vay vốn đã giảm nhưng DN vẫn khó khăn trong tiếp cận vốn vay do các điều kiện bảo lãnh vay ngặt nghèo. Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng cho biết, XK gạo đang đối mặt với khó khăn khi giá trị XK gạo bị giảm 43 USD/tấn. Thêm vào đó, các hợp đồng XK chủ yếu là hợp đồng thương mại (chiếm 79%) trong khi thiếu các đơn hàng lớn, giá trị cao. Ngoài ra, dư nợ của DN XK gạo lại tăng cao khi phải tập trung đầu tư kho bãi, nhà xưởng bảo đảm tiêu chí bắt buộc với DN XK gạo.

Sản xuất linh kiện tại Công ty Santomas Việt Nam. Ảnh: Yến Ngọc


Mối quan tâm hàng đầu: Vốn và giảm tồn kho

Để hỗ trợ DN "nội", nhất là DN XK, Chính phủ cần tiếp tục có các chính sách hạ lãi suất đi kèm với việc đơn giản hóa thủ tục vay vốn để DN dễ dàng tiếp cận. Theo các DN, lãi suất cho vay chỉ nên ở mức 9% với vốn VND và Chính phủ cần tiếp tục gia hạn chính sách cho DN được vay ngoại tệ của ngân hàng đến hết năm 2013 nhằm giúp DN tháo gỡ khó khăn về vốn vay cũng như nâng cao sức cạnh tranh cho DN "nội". Thực tế cho thấy, DN FDI đã có thị trường tốt do tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu nhưng quan trọng hơn cả là khối DN này được vay vốn của công ty mẹ và ngân hàng nước ngoài với lãi suất thấp (3-5%/năm), nên chi phí vốn rẻ hơn nhiều so với DN "nội". Đặc biệt, Chính phủ cần tiếp tục gia hạn chính sách cho DN sản xuất công nghiệp và XK vay ngoại tệ với lãi suất hợp lý để DN ổn định hoạt động. Mặt khác, Bộ Tài chính cần xem xét đưa thuế NK nguyên liệu phục vụ chế biến XK về 0% để bảo đảm nguyên liệu đầu vào cũng như tăng sức cạnh tranh cho thủy sản XK của Việt Nam trong điều kiện cạnh tranh gay gắt như hiện nay. Ngoài ra, việc ban hành chính sách thuế suất ưu đãi cho XK hàng thủy sản chế biến sâu, có giá trị gia tăng cao cần sớm được áp dụng để hạn chế XK thô thủy hải sản.

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho XK gạo, Bộ Công thương đã có phương án trình Thủ tướng Chính phủ tháo gỡ bất cập trong việc khống chế đầu mối XK gạo. Theo đó, Bộ đề xuất khống chế bằng thành tích XK khoảng 500 tấn/tháng/DN khi quy hoạch thương nhân. Tuy nhiên, các DN cần chủ động khai thác tốt năng lực sản xuất và nhu cầu thị trường trong nước, củng cố hệ thống phân phối để sản phẩm đến tay người tiêu dùng ở mức giá thấp nhất. DN cũng cần thực hiện tốt thỏa thuận ưu tiên sử dụng sản phẩm lẫn nhau nhằm giảm lượng hàng tồn kho.  

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Cân bằng cán cân thương mại: Mừng mà lo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.