Theo dõi Báo Hànộimới trên

Làng nghề cuối năm: Hàng tiêu thụ nội địa lên ngôi

Nguyễn Mai| 23/12/2012 06:57

(HNM) - Cuối năm, trong khi nhiều làng nghề chế biến nông sản phục vụ thị trường nội địa nhộn nhịp sản xuất thì ở các làng nghề xuất khẩu, không khí hết sức trầm lắng. Một bức tranh về thực trạng sản xuất - kinh doanh tại các làng nghề trên địa bàn thành phố đã hiện rõ.

Sáng sớm, những cánh đồng rìa làng thuộc các xã Cát Quế, Dương Liễu, Minh Khai (huyện Hoài Đức) đã phủ trắng miến. Hàng chục xe cải tiến chất đầy phên miến được người sản xuất kéo đi phơi... Vào trong làng, không khí sản xuất tấp nập. Tại nhà ông Lê Văn Học, khu 4, xã Cát Quế, hàng chục phên miến vừa ra lò chờ phơi nắng. Ông Học cho biết, càng về cuối năm, thị trường tiêu thụ hàng nông sản càng thuận lợi; thời điểm này mỗi ngày gia đình ông sản xuất 2 tấn miến. Ngoài 4 lao động trong nhà, ông phải thuê thêm lao động thời vụ để bảo đảm đơn đặt hàng Tết. Ông Tạ Công Thanh, chuyên viên Phòng Kinh tế huyện Hoài Đức cho biết, cả huyện có 51/53 làng có nghề. Trong khi các làng nghề làm hàng xuất khẩu đều gặp khó khăn về thị trường thì các làng nghề làm hàng tiêu thụ nội địa vẫn đang "sống khỏe". Điêu khắc Sơn Đồng, bánh đa nem ở Ngự Câu, xã An Thượng, nhất là các làng nghề chế biến tinh bột, làm miến, mạch nha, bánh kẹo ở Dương Liễu, Minh Khai, Cát Quế… cuối năm làm không hết việc.  

Miến thành phẩm chuẩn bị đưa ra thị trường tại một hộ sản xuất ở  xã Cát Quế (Hoài Đức).

Ở thôn Thu Thủy, xã Xuân Thu (huyện Sóc Sơn) thời gian này nghề sản xuất tre trúc phục vụ thị trường nội địa cũng tấp nập không kém. Đây là nghề truyền thống của địa phương. Những năm gần đây, người dân đã phát triển sản phẩm có giá trị kinh tế cao như trường kỷ, giường trúc, tranh tre, nhà tre… Theo anh Phan Văn Mão, Giám đốc Công ty TNHH mây tre đan Bông Mai, sản phẩm tranh tre mới xuất hiện ở làng chừng 10 năm trở lại đây, nhưng đã thu hút được sự chú ý của nhiều người tiêu dùng. Thời điểm cuối năm, sức tiêu thụ tranh trên thị trường tăng hơn, bởi vậy, công ty đang đẩy mạnh sản xuất. 

Trái ngược với không khí hối hả ở các làng nghề sản xuất hàng tiêu thụ nội địa, nhiều làng nghề xuất khẩu như mây tre đan ở Chương Mỹ, Phú Xuyên, sơn mài ở Thường Tín… khá trầm lắng. Anh Nguyễn Văn Đề, chủ doanh nghiệp đan cỏ tế xuất khẩu ở xã Phú Túc (Phú Xuyên) cho biết, thời gian gần đây sản xuất của công ty giảm sút hẳn. Doanh thu năm 2012 giảm tới 40% so với năm 2011. "Không riêng gì công ty chúng tôi, xã Phú Túc có hơn chục công ty, doanh nghiệp đều trong tình trạng "sống dở chết dở" do không có đơn đặt hàng, giá bán giảm mạnh. Chưa kể, nếu có đơn hàng cũng khó tìm được lao động vì hiện ngày công lao động của thợ làm cỏ tế chỉ 30 - 50 nghìn đồng/ngày, quá thấp so với các ngành nghề khác. Trước đây, công nghề phụ hồ rẻ mạt nhất thì nay cũng đã tới 150 - 200 nghìn đồng/ngày, gấp 3 - 4 lần ngày công làm hàng mây giang đan.

Còn anh Đỗ Hùng Chiêu, chủ cơ sở sản xuất sơn mài Duyên Thái (Thường Tín) cho biết, các sản phẩm sơn mài của làng nghề tiêu thụ rất chậm. Trong khi đó, lớp trẻ lại không mặn mà, chỉ còn khoảng 30-40% lao động theo nghề và làm thời vụ chứ không xác định gắn bó lâu dài. Nhiều chủ xưởng chuyên điêu khắc đá, gỗ xuất khẩu của thôn Nhân Hiền, xã Hiền Giang cho biết thêm, thời kỳ hưng thịnh, mỗi năm làng nghề thu về hàng triệu USD từ xuất khẩu, nay giảm khoảng một nửa. Không ít nghệ nhân, thợ giỏi cả đời gắn bó với nghề truyền thống phải tính đến việc chuyển nghề để bảo đảm cuộc sống.

Điểm qua tình hình sản xuất kinh doanh ở một số làng nghề, phần sáng - tối của bức tranh phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp nông thôn đã lộ rõ.

Chủ tịch UBND xã Cát Quế Nguyễn Danh Ngọ:

Mấy năm nay, nghề chế biến nông sản ở địa phương vẫn phát triển ổn định. Hiện cả xã có 28 doanh nghiệp cùng hàng trăm cơ sở sản xuất nhỏ chuyên chế biến nông sản, tạo việc làm ổn định cho trên 2.000 lao động. Riêng chế biến tinh bột có 50 hộ sản xuất theo mùa vụ từ tháng 10 năm trước đến tháng 2 năm sau, 20 hộ làm miến, 8 hộ làm nha và 5 hộ chuyên bóc vỏ đậu với quy mô 2 tấn/ngày. Nhờ phát triển nghề truyền thống, thu nhập bình quân đầu người đạt 24 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 5%.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Làng nghề cuối năm: Hàng tiêu thụ nội địa lên ngôi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.