Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiểm soát giá cả năm 2013: Điều hành thận trọng

Hương Ly| 28/12/2012 07:34

(HNM) - Trước những bất ổn của nền kinh tế, áp lực gia tăng lạm phát vẫn là một trong những thách thức lớn trong năm 2013. Bảo đảm nguồn cung hàng hóa, thực hiện lộ trình giá thị trường thận trọng với một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu là một trong những giải pháp nhằm hạn chế những "cú sốc" tăng giá trong năm 2013. Đây là nội dung chính được thảo luận tại hội thảo "Diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam năm 2012 và dự báo năm 2013" do Viện Kinh tế tài chính (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 27-12, tại Hà Nội.

Lộ rõ bất ổn

Theo Tổng cục Thống kê, CPI cả năm 2012 đã tăng 6,81%, thấp hơn nhiều so với dự báo là 8%, cho thấy Chính phủ đã thành công trong thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát. Song, dưới góc nhìn của các chuyên gia kinh tế, đằng sau "kết quả đẹp" này vẫn còn nhiều điều đáng lưu tâm.

Gas là một trong những mặt hàng thiết yếu luôn có biến động về giá cả. Ảnh: Bá Hoạt

Ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hội Siêu thị thành phố Hà Nội nhận xét, bên cạnh những con số "đẹp", không thể không nhắc tới hàng trăm nghìn DN phá sản, thua lỗ, ngừng hoạt động, kéo theo tình trạng thất nghiệp. Một số chính sách vĩ mô về tạm nhập tái xuất, chi phí giao thông đường bộ, chính sách biên mậu, xuất nhập khẩu… chưa hợp lý đã tạo điều kiện cho các đối tượng buôn lậu, trốn thuế gây khó khăn cho DN hoạt động chân chính. Hệ thống sản xuất, lưu thông, phân phối vẫn chịu ảnh hưởng bởi giá một số mặt hàng mang tính độc quyền như xăng, dầu, điện. Việc tăng, giảm giá đột ngột, bất hợp lý và thiếu minh bạch của những mặt hàng này khiến sản xuất, kinh doanh của DN gặp nhiều khó khăn, tiêu dùng xã hội bị ảnh hưởng. Hệ thống phân phối là đầu ra của sản xuất vẫn trong tình trạng yếu kém, chuỗi sản xuất đến bán lẻ bị đứt đoạn, trải qua nhiều khâu trung gian khiến giá sản phẩm đến tay người tiêu dùng bị đẩy lên cao.

Tiến sĩ khoa học Nguyễn Thị Hiền cho rằng, sự ổn định của giá cả mặt hàng thực phẩm (nhóm chủ chốt để tính CPI) năm nay ổn định là do giá đã tăng quá cao những năm trước. Cụ thể, so với tháng 12 năm 2010, chỉ số giá nhóm thực phẩm năm 2011 tăng tới 27,8%. Riêng trong tháng 9-2011, giá thịt lợn tăng tới 70% và giá thịt gia cầm tăng 100%. Việc tăng đồng loạt giá dịch vụ khám, chữa bệnh trong khi chất lượng chưa được cải thiện đã gây nhiều khó khăn cho người nghèo và cận nghèo. Hai lĩnh vực chứng khoán và bất động sản, những kênh hút vốn quan trọng, lại đang ảm đạm. Chính sách điều hành giá vàng với tư duy hành chính, áp đặt trong bối cảnh nhà đầu tư mất lòng tin vào thị trường hàng hóa và bất động sản, thông qua việc nóng vội thủ tiêu vai trò tích trữ vàng của người dân, đã gây thiệt hại cho người sở hữu vàng hợp pháp...

Phải thận trọng khi tăng giá hàng thiết yếu

Theo Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), tình trạng khó khăn của kinh tế toàn cầu còn kéo dài sẽ tác động tiêu cực khiến giá hàng hóa trên thị trường thế giới trong đó có Việt Nam tiếp tục tăng trong năm 2013.


Để kiểm soát hiệu quả giá thị trường trong nước năm 2013, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng, bên cạnh chính sách tiền tệ và tài khóa thận trọng, linh hoạt, chính sách giá năm tới cần thực hiện theo lộ trình được tính toán kỹ lưỡng. Đối với giá những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu do Nhà nước còn định giá như điện, nước, dịch vụ y tế, giáo dục… lộ trình tăng giá theo quy luật thị trường cần được thực hiện thận trọng. Bởi việc tăng giá những hàng hóa dịch vụ này, nếu thực hiện đồng loạt, sẽ tạo ra những áp lực tăng giá lớn với người dân, DN từ đó tạo áp lực tăng giá tiêu dùng và gây sức ép lạm phát.

Chỉ số giá tiêu dùng năm 2012 thấp hơn nhiều so với dự báo. Ảnh: Thanh Hải

Nhấn mạnh vai trò của Nhà nước trong việc điều hành, kiểm soát giá, ông Nguyễn Lộc An, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương) đã nêu kinh nghiệm quản lý giá hàng thiết yếu của một số quốc gia trên thế giới. Tại Ấn Độ, Chính phủ có quyền duy trì tăng nguồn cung hàng thiết yếu, bảo đảm phân phối cân bằng với mức giá công bằng thông qua việc có thể yêu cầu bất cứ đối tượng nào đang có hàng hóa thiết yếu phải bán toàn bộ hoặc một phần cho chính phủ hoặc chính quyền bang. Chính phủ có quyền cấm xuất khẩu những mặt hàng có nguy cơ tăng giá và thiếu nguồn cung, đồng thời trợ cấp việc phân phối và nhập khẩu… Tại Thụy Sĩ, để bình ổn giá hàng thiết yếu, phòng quản lý nguồn cung kinh tế quốc gia có quyền kiểm tra chất lượng và hàng dự trữ (thực hiện bắt buộc dựa trên sự hợp tác của Chính phủ và DN). Cụ thể, nhiên liệu ô tô và dầu diesel được dự trữ đủ dùng cho 4-5 tháng; thực phẩm và thức ăn chăn nuôi 3-4 tháng; đường và gạo 4 tháng; thuốc chữa bệnh: 6-8 tháng… Theo ông Nguyễn Lộc An, ngoài việc học kinh nghiệm hiệu quả của các quốc gia, công tác điều hành giá năm tới cần được thực hiện thận trọng, tránh tình trạng tăng giá đồng loạt, gây tâm lý bất ổn…

Diễn biến giá một số mặt hàng thiết yếu năm 2012

- Giá xăng dầu (tính từ đầu năm đến nay) đã 12 lần điều chỉnh với 6 lần tăng và 6 lần giảm. Trong đó, giá xăng A92 đã tăng 11,29% so với đầu năm, từ 20.800 đồng lít lên 23.150 đồng/lít.
- Giá điện tăng thêm 10% từ 1.304 đ/kWh lên mức 1.437 đ/kWh.
- Giá gas tăng 23,3%, từ 350.000 đến 352.000 đồng/bình 12kg lên 433.000-434.000 đồng/bình.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kiểm soát giá cả năm 2013: Điều hành thận trọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.