Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xuất khẩu gạo năm 2013: Cạnh tranh gay gắt

Đào Huyền| 07/01/2013 07:37

(HNM) - Năm 2012, xuất khẩu (XK) gạo Việt Nam đạt 7,65 triệu tấn vươn lên ngôi vị số 1 thế giới, đánh dấu mốc quan trọng cho nền sản xuất lúa gạo trong nước.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện các doanh nghiệp trong nước chưa ký được hợp đồng XK gạo lớn. Hợp đồng XK gạo năm 2012 chuyển sang năm 2013 khoảng 400.000 tấn, sản lượng gạo tồn kho chuyển sang khoảng 600.000 tấn. Trong khi quý I là thời điểm các tỉnh ĐBSCL bước vào thu hoạch vụ đông xuân. Dự báo, sản lượng gạo hàng hóa sẽ tăng rất nhanh nếu không sớm tìm được đầu ra, chậm ký kết các hợp đồng mới, sẽ tạo áp lực lên giá lúa, giá gạo.

Xuất khẩu gạo được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2013.


Bên cạnh đó, hàng loạt các thị trường tiềm năng của Việt Nam đã đưa ra dự báo giảm lượng gạo nhập khẩu. Thị trường Philippines có thể hủy các kế hoạch nhập gạo. Nếu như trong năm 2012, Indonesia nhập khẩu 1,7 triệu tấn gạo từ Việt Nam thì hiện nước này thông báo có thể không nhập khẩu hoặc giảm lượng gạo nhập khẩu tối đa trong năm 2013. Malaysia cũng đang tồn kho nhiều nên trong quý I không nhập gạo. Cùng nằm trong xu hướng giảm, nhiều nước Châu Phi cũng tuyên bố tồn kho nhiều nên sẽ giảm số lượng gạo nhập hoặc nhập chậm hơn so với kế hoạch năm trước.

Đặc biệt, năm 2012, Trung Quốc vươn lên trở thành thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất Việt Nam và năm nay Trung Quốc tiếp tục là tâm điểm XK gạo Việt Nam. Tuy nhiên, VFA cho biết, Trung Quốc vừa ký một thỏa thuận gạo với Thái Lan, điều này sẽ ảnh hưởng đến việc XK sang thị trường này.

Ngoài ra, gạo Việt Nam sẽ chịu cạnh tranh gay gắt với gạo Thái Lan, Myanmar khi các nước này đang chuẩn bị XK với số lượng lớn, mức giá thấp. Theo ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, hiện Thái Lan có nhiều khả năng hạ giá XK và linh hoạt áp dụng nhiều biện pháp thương mại như bán trả chậm, đổi hàng, bán phá giá giải phóng hàng tồn kho… nhằm chiếm lại các thị trường XK trước kia và đoạt lại ngôi vị số 1. Còn theo nhận định của chuyên gia Bộ Tài chính, giá gạo XK năm nay có xu hướng giảm khoảng 7-8% so với mức giá cuối năm 2012. Như vậy, khi nguồn cung đang tăng mạnh, khả năng Việt Nam sẽ thiếu các hợp đồng gạo ngay trong quý I-2013. Đây là những khó khăn rất lớn đối với XK gạo Việt Nam trong năm Quý Tỵ này.

Cần những giải pháp đồng bộ

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cho biết, năm 2013 dự kiến cả nước giữ diện tích trồng lúa khoảng 7,67ha, sản lượng 43,5 triệu tấn bảo đảm nhu cầu lương thực trong nước và XK trên 7 triệu tấn. Lượng gạo XK có thể giảm so với năm trước nhưng giá trị XK gạo phải được tăng lên. Trước mắt, để giảm áp lực cạnh tranh về giá XK gạo trong năm 2013, VFA đã đề nghị Chính phủ sớm ban hành giá sản xuất lúa vụ đông xuân 2012-2013 làm cơ sở cho thu mua tạm trữ. Các chuyên gia lúa gạo cho rằng, nếu không ổn định giá thu mua sẽ khó hoàn thành kế hoạch tạm trữ và gạo Việt Nam rất dễ bị ép giá.

Bên cạnh đó, VFA cũng kiến nghị các bộ, ngành, Nhà nước có chương trình xúc tiến thương mại cho ngành lúa gạo để các doanh nghiệp có thể ký những hợp đồng XK gạo lớn, ổn định về giá. Theo các doanh nghiệp XK gạo, năm 2012, trong số các hợp đồng XK gạo được ký, chỉ có 21% hợp đồng tập trung, còn lại là các hợp đồng thương mại nhỏ, lẻ. Việc XK thông qua các hợp đồng nhỏ lẻ, thương mại không tập trung khiến các doanh nghiệp thường xuyên bị ép giá, gặp nhiều rủi ro bởi đối tác dễ hủy hợp đồng. Do vậy, việc đẩy mạnh tìm kiếm thị trường XK gạo phải được xúc tiến ráo riết thông qua nỗ lực của VFA, của từng doanh nghiệp và chương trình xúc tiến trọng điểm quốc gia. Đồng thời, Nhà nước cần tạo cơ chế tín dụng thông thoáng và giảm lãi suất để giúp doanh nghiệp có thể vay vốn phục vụ XK, bảo đảm lợi nhuận cho cả nông dân và doanh nghiệp.

Một trong những yếu tố cốt yếu để nâng cao giá trị XK gạo Việt Nam là giải bài toán chất lượng. Hiện, Việt Nam chủ yếu XK gạo cấp thấp, khó cạnh tranh về giá với Thái Lan, Ấn Độ,… nên hiệu quả kinh tế không cao. Mở rộng sản xuất thông qua mô hình cánh đồng mẫu lớn, đồng thời chuyển giao khoa học kỹ thuật, chọn bộ giống chất lượng và xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam là điều cấp bách hiện nay. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chỉ đạo, để XK gạo Việt Nam đạt giá trị xứng tầm, cần nâng cao chất lượng gạo. Trong tương lai, diện tích sản xuất lúa của Việt Nam có thể giảm, sản lượng gạo cũng giảm theo nhưng giá trị kinh tế từ mặt hàng này phải được nâng lên. Bộ NN&PTNT cần đẩy mạnh và quan tâm hơn nữa đến vai trò của các hiệp hội, bởi tiếng nói và sức ảnh hưởng những tổ chức này thị trường quốc tế khá lớn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu gạo năm 2013: Cạnh tranh gay gắt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.