Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khẩn trương gỡ “nút thắt”

Thúy Nga - Diệu Hương| 14/01/2013 07:25

(HNM) - Sau gần 20 năm thực hiện giao đất nông nghiệp (NN) cho hộ gia đình, cá nhân theo Nghị định 64/CP của Chính phủ đã không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống nông dân Hà Nội.

Theo chủ trương sửa đổi Luật Đất đai tới đây, sẽ nâng thời hạn giao đất NN lên 50 năm, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển NN. Tuy nhiên, từ thực tế quản lý và sử dụng quỹ đất NN, vẫn còn đó những tồn tại, phức tạp.

Lãnh đạo Phòng Tài nguyên & Môi trường huyện Sóc Sơn cho biết, việc giao đất NN cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn chủ yếu dựa trên bản đồ đất NN tỷ lệ 1/2.000 và không được đo vẽ chi tiết đến từng thửa, do vậy việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ) NN có vướng mắc. Bên cạnh đó, một số hộ gia đình tự ý đổi đất không điều chỉnh theo phương án giao đất của xã nên xảy ra việc một thửa đất được cấp giấy CNQSDĐ cho nhiều hộ... Việc quản lý sử dụng đất vào mục đích công ích cũng khó khăn bởi phần lớn diện tích đất này của các xã ở huyện Sóc Sơn manh mún, nằm rải rác, xen kẹt trong khu dân cư, do vậy diện tích đất công sử dụng không đúng mục đích khá lớn, khoảng 70,69ha.

Huyện Mê Linh cũng trong cảnh ngộ như trên. Từ một địa phương thuần nông đang chuyển dịch sang phát triển đô thị, công nghiệp nên nhu cầu, mục đích sử dụng đất đai biến động khá lớn, nhất là đất sản xuất NN buộc phải thu hẹp. Trong khi đó, công tác lập hồ sơ địa chính, tài liệu quản lý đất đai của huyện thiếu đồng bộ dẫn đến các tranh chấp về quyền sử dụng đất ngày càng nhiều và phức tạp. Một số nơi còn để xảy ra tình trạnh chính quyền thôn, HTX đứng ra giao thầu đất NN không đúng quy định gây khó khăn trong việc xử lý, thu hồi đất...

Không riêng Sóc Sơn, Mê Linh, thực trạng này đang tồn tại ở nhiều nơi và không dễ giải quyết. Tại một số địa phương đã thực hiện dồn điền đổi thửa, hiện trạng sử dụng đất nhiều thay đổi phải cấp mới hoặc cấp đổi giấy CNQSDĐ. Tình trạng xã viên chưa thực hiện nghĩa vụ với HTX hoặc không chấp hành các quy định nên địa phương không giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân ngày càng nhiều. Đáng báo động nhất là hiện tượng lấn chiếm đất công, xây dựng trên đất NN, cho thuê, cho mượn đất... diễn ra khá phổ biến, nhất là những vi phạm đất công ích kéo dài nhiều năm nhưng chưa được xử lý kiên quyết, triệt để... Thêm vào đó, tình hình sử dụng đất trồng lúa vào các dự án phi NN tại một số dự án, tiến độ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng chậm, gây nhiều bức xúc cho người dân...

Theo chủ trương sửa đổi Luật Đất đai của Quốc hội tới đây sẽ nâng thời hạn giao đất NN lên 50 năm. Để có giải pháp tổng thể, lâu dài và mang tính ổn định cao, một trong những nhiệm vụ trọng tâm đặt ra cho các quận, huyện, thị xã là khẩn trương rà soát, kiểm tra xác định quỹ đất giao theo Nghị định 64/CP, đất NN sử dụng vào mục đích công ích 5%, quỹ đất vượt 5% và đất NN khó giao để có biện pháp xử lý. Cùng với đó, đẩy mạnh việc dồn điền đổi thửa, xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính chính quy, đo đạc lại để cấp mới, cấp đổi giấy CNQSDĐ làm cơ sở dữ liệu để quản lý lâu dài. Với đất NN sử dụng vào mục đích công ích, chính quyền các địa phương khẩn trương thống kê, phân loại và xử lý nghiêm vi phạm theo đúng thẩm quyền hoặc đề xuất biện pháp xử lý đối với trường hợp vượt thẩm quyền. Riêng trường hợp sử dụng đất công ích không hiệu quả, lãng phí, vi phạm Luật Đất đai, không chấp hành đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước cần quyết liệt thanh lý, hủy bỏ và chấm dứt các hợp đồng cho thuê... Một nhiệm vụ nặng nề nữa là cơ quan chức năng cần lập hồ sơ xử lý đối với các trường hợp tự ý xây dựng trái phép trên đất NN, đồng thời kiểm điểm trách nhiệm đối với cá nhân, tập thể để xảy ra sai phạm...

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh vừa yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương thanh tra toàn diện quản lý, sử dụng đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích, trọng tâm là việc cho thuê, đấu thầu, quản lý, sử dụng kinh phí cho thuê, đấu thầu; lấn chiếm trái phép, xây dựng công trình trên đất NN; làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra sai phạm. Qua đó, lập hồ sơ xử lý vi phạm xong trước ngày 30-3-2013.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khẩn trương gỡ “nút thắt”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.