Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường phát điện cạnh tranh: Tiến tới giá điện hợp lý

Thanh Mai| 21/01/2013 07:20

(HNM) - Đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như nâng cao chất lượng đời sống người dân, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang tích cực tìm giải pháp hữu hiệu đẩy nhanh việc phát triển thị trường phát điện cạnh tranh (TTPĐCT).

Với quy mô quản lý hiện nay, nhu cầu điện cho nền kinh tế tăng trưởng nhanh, khoảng 13-15%/năm, đầu tư phát triển ngành điện đòi hỏi 3-4 tỷ USD mỗi năm là gánh nặng rất lớn. Đặc biệt, từ tháng 6-2006 đến nay, EVN chuyển sang hoạt động dưới dạng doanh nghiệp (DN) tập đoàn đa ngành nghề đã làm nảy sinh mâu thuẫn nội tại giữa trách nhiệm trong đầu tư phát triển điện, bảo đảm an ninh cung cấp điện, thực hiện chính sách công ích, xã hội nhất là ở vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa với lợi ích DN mà động lực là lợi nhuận. Từ mâu thuẫn này, những tồn tại của EVN đã bộc lộ trong thời gian qua là không thu hút đầu tư, không bảo đảm cung cấp điện, chưa bảo đảm lợi ích các bên tham gia đầu tư vào ngành, không minh bạch chi phí trong các khâu từ phát điện, truyền tải đến phân phối, không cải thiện hiệu quả sản xuất, kinh doanh và dịch vụ điện lực. Vì thế, không còn con đường nào khác, ngành điện phải tìm giải pháp đẩy nhanh phát triển TTPĐCT.

Công nhân Công ty Điện lực Hà Nội duy tu, bảo dưỡng đường dây nhằm tránh thất thoát điện năng. Ảnh: Ngọc Hà


Nguyên tắc hoạt động của TTPĐCT là toàn bộ điện năng phát của các nhà máy được bán cho đơn vị mua duy nhất thông qua chào giá theo chi phí biến đổi để được lập lịch huy động. Điện năng mua bán được thanh toán theo giá hợp đồng và giá thị trường giao ngay của từng chu kỳ giao dịch. Tỷ lệ điện năng thanh toán theo giá hợp đồng cho năm đầu tiên được quy định ở mức bằng 95% tổng sản lượng điện phát của nhà máy, phần còn lại thanh toán theo giá thị trường giao ngay. Tỷ lệ này sẽ giảm dần trong các năm tiếp theo để tăng tính cạnh tranh trong phát điện nhưng không thấp hơn 60%. Tham gia cạnh tranh phát điện gồm các nhà máy điện có công suất đặt từ 30 MW trở lên đấu nối vào lưới điện quốc gia; các nhà máy thủy điện chiến lược đa mục tiêu được đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện lập và công bố lịch huy động theo giá trị nước bảo đảm an ninh vận hành hệ thống điện.

TTPĐCT đã được đưa vào vận hành thí điểm ngày 1-7-2011, từ ngày 1-7-2012 chuyển sang giai đoạn vận hành chính thức và đến nay đã ghi nhận một số mặt tích cực. Các nhà máy đã chủ động vận hành tổ máy thông qua bản chào giá, làm tăng tính minh bạch trong huy động nguồn điện so với cơ chế huy động nguồn như trước đây. Một số nhà máy thủy điện đã chào giá hợp lý để huy động cao khi nước về hồ đủ lớn, vừa phù hợp với điều tiết hồ chứa của nhà máy vừa nâng cao doanh thu cũng như lợi nhuận, góp phần giảm giá. Các nhà máy đã có động lực nâng cao hiệu suất và khả năng sẵn sàng, giảm thời gian sửa chữa để đưa vào vận hành làm tăng tổng công suất khả dụng cho cả hệ thống điện. Giá thị trường từng giờ đã tạo động lực cho các nhà máy nhiệt điện giảm công suất tối thiểu theo đúng khả năng kỹ thuật của tổ máy, chủ động chào giá để giảm công suất vào giờ thấp điểm đêm, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế khi vận hành, đặc biệt trong thời điểm phải huy động cao nhà máy thủy điện vào mùa lũ. Việc không tuân thủ lệnh điều độ (phát công suất không đúng theo lệnh điều độ) giảm nhiều do sản lượng chênh lệch được thanh toán với giá thấp.

TTPĐCT bước đầu đã đạt được mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị phát điện và làm tăng tính minh bạch trong việc huy động nguồn. Giá điện ở khâu phát từng thời điểm phản ánh đúng cân bằng cung cầu và minh bạch là cơ sở để điều chỉnh giá bán lẻ theo giá điện ở khâu phát. Để có được TTPĐCT đạt hiệu quả, việc tái cơ cấu ngành điện là một vấn đề then chốt, tuy nhiên cần được tiến hành từng bước thận trọng, tránh gây xáo trộn quá lớn và đặc biệt cần sự đồng tình của dư luận xã hội. Để ngành điện hoạt động theo cơ chế TTPĐCT, công bằng, minh bạch và hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng thị trường bán buôn và bán lẻ điện cạnh tranh theo lộ trình. Việc đưa cạnh tranh vào các khâu này phải dựa trên điều kiện tiên quyết của từng giai đoạn và cần có sự cân đối hài hòa giữa các lợi ích.

Năm 2012, có 45 nhà máy trực tiếp tham gia TTPĐCT, với tổng công suất 5.344 MW. Năm 2013, dự kiến có thêm 22 nhà máy điện với tổng công suất 3.460 MW tham gia thị trường khi chính thức vận hành thương mại và đáp ứng đủ điều kiện. Tổng cộng sẽ có 67 nhà máy với tổng công suất 8.804 MW.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường phát điện cạnh tranh: Tiến tới giá điện hợp lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.