Theo dõi Báo Hànộimới trên

Không để tình trạng “té nước theo mưa”

Hồng Sơn| 26/01/2013 07:01

CPI tăng 1,25% so với tháng trước *Giá thuốc, dịch vụ y tế đột ngột tăng mạnh (HNM) - Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã


Khách hàng lựa chọn thực phẩm tại Siêu thị Intimex. Ảnh: Trí Minh



Phải đặt CPI trong tầm kiểm soát

CPI tháng 1 cả nước tăng 1,25% so với tháng trước và là mức tăng khá cao so với mức tăng dưới 1%/tháng trong những tháng gần đây. Đáng chú ý, giá của nhóm thuốc và dịch vụ y tế đột ngột tăng mạnh (7,4%) do tác động của việc tăng giá trên thị trường quốc tế đối với một số loại dược phẩm; đồng thời do số lượng người ốm tăng khá cao, nhất là trẻ em dưới ảnh hưởng của đợt rét đậm vừa qua. Hai nhóm khác là hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhóm may mặc, mũ nón, giày dép cũng có mức tăng hơn 1%. Các nhóm còn lại tăng thấp, dưới 0,5%.

Tại Hà Nội, CPI tăng 0,95% so với tháng trước và cũng thể hiện sự tăng giá rõ rệt, nhất là so với mức tăng 0,26% của tháng 12-2012. 10/11 nhóm hàng có chỉ số giá tăng, trong đó có 2 nhóm hàng tăng hơn 1% là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (tăng 1,84%) và nhóm hàng may mặc mũ nón giày dép (tăng 1,47%); có 1 nhóm hàng giảm là nhóm giao thông (giảm 0,14%) do giá dầu hỏa và dầu diezen đã giảm 300 đồng/lít vào cuối tháng 12-2012... Theo Sở Công thương Hà Nội, đến nay sức mua xã hội đang nhích lên theo quy luật thời điểm gần tết, nhưng chưa có biến động lớn. Cụ thể, lương thực tăng nhẹ so tháng trước do nhu cầu của người dân tăng, với mức giá bán từ 12.000 đến 20.000 đồng/kg tùy loại gạo. Giá thịt lợn sau một thời gian ổn định, đến nay đã tăng 3.000-5.000 đồng/kg do nhu cầu tăng cao hơn thời gian trước. Việc kiểm tra chất lượng gia cầm từ các nơi về Hà Nội được thắt chặt, đồng thời các hộ chăn nuôi giữ lợn đến những ngày áp tết để bán nên nguồn cung ít đi. Hiện, thịt lợn mông có giá 105.000-110.000 đồng/kg, thịt nạc thăn giá 120.000-130.000 đồng/kg; Giá thịt bò tăng 5.000-10.000 đồng/kg, giá thịt gia cầm tăng từ 2.000 đến 15.000 đồng/kg (tùy loại). Mặt khác, thời tiết rét đậm kéo dài đã ảnh hưởng đến sản lượng rau, củ làm giá một số loại rau có lúc tăng khá mạnh, như bắp cải 13.000-14.000 đồng/kg, rau muống 9.000-10.000 đồng/mớ... Một số mặt hàng tiêu dùng như quần áo, giày dép mùa đông cũng tăng dưới sức ép của thời tiết lạnh trong gần một tháng qua và cả nhu cầu mặc đẹp nhân dịp tết đến, xuân về.

Tại TP Hồ Chí Minh, CPI tăng 0,44% so với tháng trước, nhưng chỉ bằng một nửa mức tăng trong tháng 1 năm trước. Đáng chú ý, nhóm hàng may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,94% so với tháng 12-2012, cũng là nhóm hàng hóa tăng giá mạnh nhất. Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,76% so với tháng trước. Hai số liệu trên cho thấy nhu cầu đối với vấn đề cốt yếu là "ăn và mặc" đang "nóng" dần vào thời điểm cuối năm, tạo ra sức cầu mới và mức tăng giá nói chung trên địa bàn.

Theo giới chuyên gia mức tăng CPI như vậy khá cao, nhưng chấp nhận được, thể hiện rõ tương quan cung - cầu trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng tăng ở thời điểm áp tết như thông lệ hằng năm. Vấn đề cần thiết là, cần theo dõi sát sao và có biện pháp đặt CPI trong tầm kiểm soát.

Không để nhiễu loạn thị trường

Theo Bộ Công thương, thời điểm cuối năm luôn "nóng" do những hoạt động buôn lậu, sản xuất và buôn bán hàng giả, vận chuyển và tiêu thụ hàng không rõ xuất xứ, thậm chí là hàng cấm liên tiếp gia tăng. Thực tế đó đòi hỏi các lực lượng chức năng phải chủ động trong phát hiện, xử lý các vi phạm nhằm mục tiêu bảo vệ cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong nước trong bối cảnh tồn đọng sản phẩm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, ngành chức năng và DN cần hợp tác chặt chẽ để bảo đảm lưu thông hàng hóa, với ưu tiên là bình ổn giá thị trường, đặc biệt chống nạn găm hàng, tích trữ hay "té nước theo mưa" để tạo cơn sốt ảo. Trong cuộc họp tổng kết hoạt động của ngành công thương mới đây, Chính phủ đã chỉ đạo toàn ngành và chính quyền các địa phương phải phối hợp làm tốt công tác quản lý, xử lý nghiêm, kịp thời những vấn nạn phát sinh để lành mạnh hóa thị trường. Kiên quyết đấu tranh với nạn hàng giả, hàng lậu, nhất là hàng ăn uống và dược phẩm có thể gây nguy hại cho sức khỏe.

Năm 2013, Chính phủ xác định chỉ tiêu tăng giá tiêu dùng ở mức 8%. Mục tiêu trên tuy không cao, nhưng không thể chủ quan, bởi vẫn đang ẩn chứa một số yếu tố bất lợi hoặc diễn biến bất thường trên thị trường nội địa. Trước hết, thị trường vẫn bị nhiễu loạn ở những thời điểm khác nhau và cục bộ do bị hàng hóa kém phẩm chất, hàng giả thâm nhập; đặc biệt nguy hại là thực phẩm, gia cầm thải loại cũng như nội tạng trâu, bò nhập lậu qua biên giới phía Bắc. Điều này trực tiếp làm mất thị phần của DN chân chính vì có giá rẻ, phương thức mua bán và thanh toán rất "thoáng", không yêu cầu về chứng từ. Năm 2013 cũng có thể diễn ra một số vấn đề bất thường về thiên tai có thể làm thiệt hại cho sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản... Những vấn đề này có thể gây mất ổn định, làm gia tăng CPI ở mức cao hơn chỉ tiêu.

Xét từ góc độ cung - cầu thuần túy, CPI năm nay khó tăng cao, thậm chí khó vượt mức cho phép, bởi dự báo nền kinh tế vẫn gặp nhiều khó khăn, nhiều DN dừng hoạt động khiến người lao động khó duy trì chi phí sinh hoạt như trước đây. Mặt khác, hiện nhiều doanh nghiệp đang tồn đọng sản phẩm và lượng hàng tồn cần được tiêu thụ càng nhanh càng tốt, từ đó dẫn tới kết quả là giá hàng hóa chủ yếu sẽ "đứng" hoặc không thể tăng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Không để tình trạng “té nước theo mưa”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.