Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường TH trả tiền năm 2013: Phải vì quyền lợi khách hàng

Việt Nga| 02/02/2013 09:03

(HNM) - Các chuyên gia nhận định, việc các doanh nghiệp (DN) viễn thông tham gia đầu tư hạ tầng truyền hình cáp không chỉ tiết kiệm chi phí đầu tư mà còn phổ cập dịch vụ đến tận vùng sâu, vùng xa…

Trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, những bước tiến vượt bậc của công nghệ thông tin (CNTT), nhất là internet, đã tạo nền móng cho các ngành khác phát triển, trong đó có truyền hình. Sự kết hợp giữa truyền hình và viễn thông đã tạo ra các dịch vụ nội dung trên internet khá phổ biến như video theo yêu cầu (video on demand-VOD), truyền hình internet (IPTV) và dịch vụ Over the top (OTT). Trong đó, với VOD, khán giả có thể xem lại các chương trình, nội dung khi có nhu cầu. IPTV cho phép xem các chương trình TV (có thể truyền hình vệ tinh hoặc truyền hình cáp) thông qua kết nối internet và OTT cho phép khán giả xem truyền hình ở mọi lúc, mọi nơi mà không phụ thuộc vào nhà mạng. Sự phát triển mang tính hội tụ giữa CNTT, viễn thông và truyền hình cũng đặt ra cho các đơn vị cung cấp truyền hình phải đổi mới và lựa chọn phương thức truyền dẫn hiện đại, đáp ứng nhu cầu của khán giả cả nước.

Người tiêu dùng sẽ được hưởng nhiều ưu đãi khi có sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường truyền hình trả tiền.


Trở lại câu chuyện các DN viễn thông đầu tư vào lĩnh vực truyền hình cáp, năm 2012, trong số hơn 40 hồ sơ xin được cấp phép triển khai dịch vụ này đang "nằm" ở Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) có một số hồ sơ của các "đại gia" viễn thông, CNTT. Tiếp sau đó, Hiệp hội Truyền hình trả tiền Việt Nam và một số DN cung cấp truyền hình cáp lớn làm đơn kiến nghị gửi các ngành chức năng đề nghị không cấp phép mới dịch vụ này. Gần đây nhất, trong buổi tổng kết ngành của Bộ TT-TT, lãnh đạo Tập đoàn Viettel cũng kiến nghị việc đã xin cấp phép từ tháng 2-2012, nhưng đến nay vẫn chưa được hồi âm… (thực tế, cả 3 DN lớn là VNPT, Viettel, FPT đã làm đơn xin được cung cấp dịch vụ này). Như đã nói ở trên, sự phát triển mang tính hội tụ giữa CNTT, viễn thông, truyền hình trên cùng một đường cáp có thể triển khai được rất nhiều dịch vụ. Cả hai tập đoàn VNPT và Viettel có hạ tầng cáp quang rộng, kéo đến tận xã, trong đó có nhiều địa bàn vùng sâu, vùng xa, cộng với lợi thế có hệ thống phân phối mạnh sẽ thúc đẩy phát triển thuê bao. Theo các chuyên gia, với lợi thế này, nếu các DN lớn được cấp phép thì chỉ cần đầu tư nâng thêm dung lượng để cung cấp truyền hình cáp sẽ góp phần giảm chi phí đầu tư từ hai đến ba lần mà lại phổ cập dịch vụ đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa - những nơi mà hiện truyền hình cáp vẫn chưa về đến.

Tuy nhiên, có quan điểm cho rằng, việc các DN viễn thông tham gia kinh doanh sẽ gây lãng phí. Về vấn đề này, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc FPT, cho rằng nếu không cho DN viễn thông tham gia mới là gây tốn kém cho xã hội. Vì các dịch vụ cùng hội tụ trên một đường cáp và nếu DN chỉ cung cấp một dịch vụ trên đường cáp đó sẽ không thể tồn tại, còn nếu làm một đường truyền cho truyền hình, một đường cho điện thoại… thì hạ tầng cần có rất nhiều đường, cũng đồng nghĩa với việc kéo chậm sự phát triển của thị trường.

Về vấn đề DN viễn thông xin cung cấp dịch vụ truyền hình cáp, tại cuộc họp tổng kết ngành năm 2012, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân cho biết sẽ tạo điều kiện cho DN có đủ khả năng triển khai và yêu cầu Bộ TT-TT trả lời và báo cáo Chính phủ, chậm nhất trong tháng 2-2013. Lãnh đạo Bộ TT-TT cũng cho biết, trong tháng 2-2013 sẽ xem xét trường hợp DN viễn thông xin triển khai dịch vụ để báo cáo Chính phủ.

Như vậy, việc cấp phép hay không cho các DN viễn thông tham gia sân chơi này là do cơ quan quản lý nhà nước xem xét. Nhưng việc các DN viễn thông như VNPT, Viettel, FPT cùng xin gia nhập thị trường cho thấy nếu được cấp phép, thị trường truyền hình trả tiền tại Việt Nam có sự cạnh tranh mạnh, từ đó người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường TH trả tiền năm 2013: Phải vì quyền lợi khách hàng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.