Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo hiểm nông nghiệp: Giám sát chặt chẽ, bồi thường kịp thời

Hương Ly| 05/02/2013 07:02

(HNM) - Gần 13 tỷ đồng đã được các DN tham gia thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) chi trả cho người mua bảo hiểm cây trồng, vật nuôi, thủy sản trong năm 2012. Việc triển khai BHNN trong năm qua đã góp phần chia sẻ thiệt hại với người nông dân khi họ gặp rủi ro.

Năm nay, bên cạnh việc phát triển hệ thống đại lý, hoàn thiện hệ thống pháp luật, Bộ Tài chính sẽ tăng cường thanh tra, giám sát việc triển khai BHNN nhằm hạn chế tổn thất và phòng chống trục lợi BH.

Việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp đã góp phần san sẻ thiệt hại cho nông dân khi gặp rủi ro. Ảnh: Trọng Hải

Gần 170.000 hộ tham gia

Hết năm 2012, BHNN đã được triển khai thí điểm tại tất cả các tỉnh, thành phố với 169.764 hộ dân tham gia, trong đó 85% là hộ nghèo. Tổng giá trị BH cây trồng, vật nuôi, thủy sản là 3.631 tỷ đồng, phí BH là 233,414 tỷ đồng. BH cây lúa đã được triển khai tại các tỉnh Bình Thuận, Đồng Tháp, Nghệ An, Thái Bình, Hà Tĩnh, Nam Định, An Giang với tổng diện tích 28.988ha, với 130.252 hộ tham gia; tổng giá trị được BH hơn 942,311 tỷ đồng, đã phát sinh bồi thường 12,102 tỷ đồng.

BH vật nuôi được triển khai tại Hà Nội, Bắc Ninh, Đồng Nai, Nghệ An, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Bình Định với tổng số vật nuôi tham gia BH là 326.301 con, thu hút 32.812 hộ; tổng giá trị được BH 500,139 tỷ đồng, tổng số phí là 31,303 tỷ đồng, đã bồi thường 251 triệu đồng. BH thủy sản được triển khai thí điểm tại các tỉnh Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau với tổng diện tích tham gia là 223.797ha, thu hút 6.700 hộ; tổng giá trị được BH là 2.189,476 tỷ đồng, đã bồi thường 354,561 tỷ đồng.

Theo Cục Quản lý, giám sát BH (Bộ Tài chính), năm qua công tác thí điểm BHNN đã đạt những kết quả bước đầu, hỗ trợ kịp thời cho các hộ nông dân không may bị thiệt hại cây trồng, vật nuôi do thiên tai, dịch bệnh. Tuy nhiên, kết quả triển khai tại các địa phương không đồng đều, số người được hưởng lợi từ chương trình chưa cao và chưa xứng với tiềm năng. Nguyên nhân BHNN là cơ chế mới, phức tạp, chưa có tiền lệ nên cơ chế chính sách ban hành chưa thực sự hoàn chỉnh, trong quá trình thực tiễn phải tiếp tục bổ sung, sửa đổi.

Bên cạnh đó, việc triển khai BHNN cần phải tiến hành song song với việc tái BH ra nước ngoài. Trong khi đó, nhà tái BH lại khống chế điều khoản bảo hiểm, phạm vi BH nên công tác BH cũng gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, phạm vi đối tượng, địa bàn BHNN khá rộng, tính chất sản xuất nông nghiệp của nước ta cơ bản còn nhỏ lẻ, manh mún nên sự tham gia của hộ dân còn nhiều hạn chế.

Tăng cường giám sát, chống trục lợi

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, cùng với việc khẩn trương tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh, cần quản lý, giám sát chặt chẽ quá trình triển khai, hỗ trợ kinh phí cho các đối tượng chính sách, giải quyết bồi thường đúng chế độ quy định nhằm bảo đảm lợi ích cho người dân; quản lý chi tiêu tiết kiệm, hiệu quả nguồn kinh phí của ngân sách nhà nước và của doanh nghiệp BH.

Bộ chỉ đạo tích cực triển khai BHNN, hình thành hệ thống mạng lưới đại lý, cộng tác viên, tổ chức khai thác hợp đồng BH chặt chẽ, an toàn; đồng thời sẽ phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát việc thí điểm BHNN tại các địa phương. Về phía doanh nghiệp, tiếp tục thực hiện thận trọng theo chủ trương "làm đến đâu chắc đến đó, tiếp tục rà soát kẽ hở tại sản phẩm BH thủy sản, từ đó tăng cường biện pháp kiểm soát, quản lý rủi ro.

Đại diện Cục Quản lý, giám sát BH cho biết, năm 2013 sẽ thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát đối với người tham gia BH trên các mặt nhằm hạn chế tổn thất. Cục sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp BH xem xét bồi thường quyền lợi cho người dân theo đúng điều kiện, điều khoản của hợp đồng BH đã giao kết, phù hợp với quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, sẽ hoàn thiện mô hình tổ chức Ban chỉ đạo BHNN, trong đó tập trung đề phòng, hạn chế tổn thất, chống trục lợi BH.

Đầu năm 2013, Ban Chỉ đạo BHNN tỉnh Thái Bình phối hợp với Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt chi trả bồi thường thiệt hại lúa vụ mùa năm 2012 cho các xã thuộc huyện Tiền Hải. Đây là một trong 3 huyện được triển khai thí điểm BHNN với 34/35 xã tham gia bảo hiểm 782,6ha lúa, tổng giá trị gần 39 tỷ đồng. Ngày 28-10-2012, cơn bão số 8 trực tiếp đổ bộ vào tỉnh Thái Bình khiến 5.962ha lúa mùa chưa thu hoạch của huyện Tiền Hải thiệt hại nặng. Ngay sau khi bão tan, Công ty Bảo Việt Thái Bình đã phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương xác định mức độ thiệt hại, chi trả cho người nông dân hơn 2,7 tỷ đồng.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo hiểm nông nghiệp: Giám sát chặt chẽ, bồi thường kịp thời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.