Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giá cả ngày Tết và CPI

Đào Lâm| 05/02/2013 11:30

Ngày Tết do nhu cầu chi tiêu tăng mạnh nên quan hệ cung cầu cũng tác động đến giá cả. Vì vậy, muốn hạn chế tác động tiêu cực, lợi dụng tác động tích cực thì cần dự đoán các yếu tố tác động đến CPI trong 2 tháng đầu năm nay.

Trước hết, cần nhìn nhận tốc độ tăng giá (CPI) trong 2 tháng đầu năm (là những tháng trước và sau Tết Nguyên đán) trong thời gian từ 2004 đến 2012.


CPI 2 THÁNG ĐẦU NĂM TỪ 2004- 2012 (%). Nguồn: TCTK


Theo đó, CPI 2 tháng đầu năm của năm 2008 cao nhất, chủ yếu do Tết Nguyên đán năm này “ăn to” hiếm thấy trong nhiều năm, sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2007. Ngân hàng Nhà nước phải đưa ra một lượng tiền lớn để đáp ứng nhu cầu tăng cao của tiền thưởng, của nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết cổ truyền của người dân, cộng với yếu tố giá cả tăng cao (cả năm 2008, CPI tăng 19,89%). Một số năm khác cũng có tốc độ tăng CPI cao hơn tốc độ tăng bình quân là 2004, 2005, 2011. Hai tháng đầu năm 2009 CPI tăng thấp nhất do CPI năm 2008 tăng rất cao, tiêu dùng của người dân co lại theo phản ứng tự nhiên của quy luật và do tác động của các biện pháp kiềm chế lạm phát trong năm 2008 với lãi suất huy động khá cao, tiền của người dân chảy vào các ngân hàng thương mại.

Số liệu thống kê lịch sử qua hai nhận diện trên cho thấy, CPI trong 2 tháng đầu năm thuộc loại cao, có năm thuộc loại rất cao so với mức bình quân 1 tháng trong năm và năm nay sẽ không nằm ngoài quy luật và thông lệ đó.

Thứ hai, cần lường đoán các yếu tố tác động đến CPI trong 2 tháng đầu năm nay.

Yếu tố trực tiếp và có tầm quan trọng hàng đầu là tốc độ tăng cung tiền; tốc độ tăng dư nợ tín dụng tính chung cả năm thì thấp, nhưng lại tăng mạnh vào “phút 89” – cuối tháng 12 năm trước. Đó là yếu tố về tiền. Quan hệ tiền – hàng là quan hệ trực tiếp tác động đến giá cả hàng hoá; nếu tiền ra lưu thông nhiều hơn thì giá cả sẽ tăng lên.

Yếu tố về cầu, nhu cầu tiêu dùng trong mùa tổng kết cuối năm, mùa cưới hỏi, Tết Cổ truyền, lễ hội thường cao hơn nhiều thời gian khác trong năm. Quan hệ cung – cầu cũng là quan hệ trực tiếp tác động đến giá cả hàng hoá; nếu cầu tăng lên thì giá cả hàng hoá sẽ tăng lên.

Về yếu tố cung, lương thực, thực phẩm - một trong những mặt hàng sử dụng nhiều nhất và tăng lên trong dịp Tết cổ truyền. Giá lương thực tháng 1/2011 tăng 2,28%, tháng 2 tăng 1,15%; tháng 1, tháng 2/2012 đã giảm và đã giảm trong nhiều tháng sau đó.

Giá lương thực năm nay có thể không tăng cao như 2 tháng đầu năm 2011, nhưng cũng khó giảm như 2 tháng đầu năm 2012 (thực tế tháng 1/2013 tăng 0,15%). Có thể gạo nếp, gạo thơm tăng giá, nhưng không lớn. Giá thực phẩm đầu năm 2011 tăng rất cao (tháng 1 tăng 2,74%, tháng 2 tăng 4,53%); đầu năm 2012 tuy tăng thấp hơn (tháng 1 tăng 1,41%, tháng 2 tăng 2,73%), nhưng sau đó đã giảm gần như liên tục để giá cả năm 2012 tăng thấp (tăng 0,95%) hiếm thấy so với 10 năm trước đó. Tuy nhiên, do thời tiết rét đậm, lượng rau xanh đã sớm đắt và kéo dài. Thực phẩm chăn nuôi cũng đã đắt lên do đàn gia súc, gia cầm bị sụt giảm, có loại giảm khá sâu (thực tế tháng 1/2013 giá thực phẩm đã tăng 1,96%). Do vậy, giá thực phẩm có thể sẽ tăng khá cao không chỉ trong dịp Tết mà có thể tăng trong cả năm 2013. Một số mặt hàng có nhu cầu cao trong dịp Tết, như bia, bánh kẹo, quần áo giá cũng tăng cao.

Thứ ba, nhìn tổng quát, CPI trong 2 tháng đầu năm nay có thể tăng cao. Đó là chỉ số chung, còn về mặt hàng cụ thể, thời điểm cụ thể có thể sẽ tăng cao hơn. Nhưng về mặt tâm lý, người tiêu dùng cũng sẽ điều chỉnh nhu cầu, sẽ không lao vào các cơn sốt bằng mọi giá, vì thu nhập, sức mua có khả năng thanh toán của cư dân không cao. Các ngành, các địa phương đã, đang và tiếp tục cần khẩn trương chuẩn bị lượng hàng hoá thiết yếu để sẵn sàng can thiệp, tránh hoặc khắc phục các cơn sốt có thể xảy ra ở một thời điểm hoặc một số địa điểm cục bộ nào đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giá cả ngày Tết và CPI

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.