Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giao dịch trên máy ATM: Nghẽn mạng là khó tránh

Đức Anh| 07/02/2013 05:48

(HNM) - Hằng năm, cứ vào thời điểm cận tết, hệ thống máy rút tiền tự động (ATM) gần như hoạt động hết công suất, nên tình trạng nghẽn mạng lại xảy ra. Ở khu vực trung tâm, người dân không quá khó khăn với việc rút tiền, bởi nếu không thể rút tại cây ATM vẫn có thể đến các phòng giao dịch của ngân hàng. Nhưng, tại các khu công nghiệp, nơi tập trung nhiều công nhân, lại không có các phòng giao dịch của ngân hàng nên máy ATM thường xuyên rơi vào cảnh "cạn" tiền…

Theo thống kê, cả nước hiện có hơn 47 triệu thẻ ghi nợ nội địa nhưng chỉ có khoảng 14.000 máy ATM. Song, không phải ngân hàng nào phát hành thẻ là có máy ATM. Những ngân hàng nhỏ thường sử dụng nhờ máy ATM của các ngân hàng khác. Vào thời điểm bình thường trong năm, tình trạng nghẽn mạng, máy ATM hết tiền hầu như không xảy ra, thì mấy ngày gần đây, lượng giao dịch tăng đột biến khiến ngân hàng khó đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Song, sự cố nghẽn mạng với máy ATM chỉ xảy ra với những khu vực ở xa, nơi tập trung nhiều công nhân. Do lượng giao dịch quá lớn, khiến nhiều công nhân phải thử đến hàng chục cây ATM, hoặc đi lại vài lần mới rút được tiền. Điệp khúc mà nhiều người nhận được trên màn hình các máy ATM vẫn là "giao dịch không thành công".

Lý giải cho tình trạng này, đại diện một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, do công nhân thường để dành tiền lương trong thẻ ATM và đều để đến những ngày sát tết mới rút, nên giao dịch bị nghẽn cũng là điều dễ hiểu. Một lý do khác nữa là một số doanh nghiệp lo ngại công nhân trốn việc về quê ăn tết sớm, nên chỉ chi trả lương, thưởng vào những ngày giáp tết, khiến công nhân phải "rồng rắn" tại các cây ATM. Hơn nữa, người lao động lại rút tiền ồ ạt vào thời điểm cuối ngày nên cũng khó cho ngân hàng trong việc cung cấp đủ tiền vào thời điểm đó...

Tuy nhiên, tình trạng nghẽn mạng, máy ATM cạn tiền chỉ diễn ra ở các khu công nghiệp, còn ở trung tâm thành phố, người dân không còn phải nhận điệp khúc "giao dịch không thành công". Người không may cũng chỉ đến 2-3 cây ATM để rút tiền chứ không phải chịu khổ như những năm trước. Tại các máy ATM quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm, hầu như không thấy ai phải "lắc đầu" sau khi đến rút tiền trên máy ATM.

Nhằm bảo đảm hệ thống ATM, nhiều ngân hàng đã đưa ra giải pháp để đáp ứng nhu cầu tiền mặt tăng cao và hỗ trợ khách hàng thông suốt trong dịp Tết Nguyên đán. Với hệ thống 1.300 ATM và gần 5.000 POS trên toàn quốc, đại diện Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) khẳng định, BIDV tăng cường kiểm tra, giám sát tình trạng hoạt động của các máy ATM, bảo đảm hoạt động thông suốt, định kỳ 3 giờ/lần, BIDV sẽ gửi thư điện tử thông báo tình trạng hoạt động của hệ thống tới chi nhánh để kịp xử lý. BIDV cũng tăng cường bảo vệ máy ATM và bố trí cán bộ trực duy trì hoạt động, hỗ trợ khách hàng, thông báo số điện thoại hỗ trợ tới khách hàng, chuẩn bị đầy đủ nguồn tiền và tiếp quỹ máy ATM kịp thời... Đặc biệt trong dịp nghỉ tết, BIDV sẽ kiểm tra, xử lý kịp thời các khiếu nại của khách hàng, phối hợp xử lý các giao dịch bất thường và cử cán bộ trực hỗ trợ liên tục...

Đối với các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán có trang bị ATM, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu kiểm tra, rà soát lại mạng lưới ATM, bố trí cán bộ trực theo dõi hoạt động của hệ thống ATM để kịp thời thực hiện công tác tiếp quỹ, giải quyết các sự cố, khiếu nại, thắc mắc của khách hàng, bảo đảm cho hệ thống ATM hoạt động thông suốt, an toàn, ổn định, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán. Với các tổ chức chuyển mạch thẻ cần chủ trì, phối hợp với các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ xây dựng, cài đặt hoặc chỉnh sửa chương trình phần mềm để bảo đảm hỗ trợ các tổ chức phát hành thẻ thu phí giao dịch ATM ngoại mạng đúng quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giao dịch trên máy ATM: Nghẽn mạng là khó tránh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.