Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hệ thống ngân hàng sẽ có nhiều khởi sắc

Thanh Nga| 13/02/2013 07:04

(HNM) - "Khó khăn thách thức lớn nhất với công việc điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là kỳ vọng của thị trường vào chính sách quá lớn và luôn đối nghịch nhau"… Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã trao đổi với PV Báo Hànộimới nhân đầu xuân Quý Tỵ 2013.

- Theo Thống đốc, thách thức lớn nhất trong điều hành chính sách tiền tệ năm 2012 là gì?

- Trong xu thế kinh tế toàn cầu hóa và nền kinh tế Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, mọi biến động của kinh tế thế giới đều gây ra rủi ro, thách thức cho công tác điều hành chính sách tiền tệ (CSTT). Đó là chưa kể những khó khăn từ nội tại nền kinh tế trong nước được dồn tích lại sau nhiều năm qua bộc lộ khá rõ, như bất ổn kinh tế vĩ mô, lạm phát tăng cao trong năm 2011, bong bóng thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán… Chúng ta đã áp dụng các giải pháp để kiểm soát lạm phát trong những tháng cuối năm 2011 và đầu năm 2012 nhằm ổn định vĩ mô. Tuy nhiên, hệ lụy từ tác động hai mặt của chính sách cũng nảy sinh, như sản xuất kinh doanh khó khăn, tổng cầu giảm, doanh nghiệp phá sản... Nhưng, có lẽ thách thức lớn nhất là kỳ vọng của thị trường vào chính sách quá lớn và luôn đối nghịch nhau, gây áp lực lên việc điều hành CSTT. Ai cũng mong muốn lạm phát phải giảm nhanh về một con số, ngược lại ai cũng mong muốn lãi suất phải thấp để doanh nghiệp, người kinh doanh chịu được, nhưng người gửi tiền thì muốn lãi suất cao để có thu nhập. Chống “đô la hóa”, “vàng hóa” phải từng bước chuyển dần từ quan hệ vay - gửi sang quan hệ mua - bán, quản lý kinh doanh vàng.

Với nhiều biện pháp nâng cao chất lượng cùng sự vào cuộc quyết liệt của nhiều bộ, ngành liên quan, hệ thống ngân hàng sẽ có nhiều khởi sắc hơn so với năm 2012. Ảnh: Trọng Hải


- Thống đốc đã khẳng định NHNN sẵn sàng hỗ trợ vốn và dành ưu tiên số một cho các hộ có nhu cầu thực sự về nhà ở, lý do tại sao ông đưa ra giải pháp này? Liệu thị trường BĐS có thể chuyển biến được nhờ “cú hích” này không? Nếu không thì còn cách nào khác để “phá băng” thị trường?

- “Nút thắt” của nền kinh tế hiện nay là nợ xấu và hàng tồn kho, trong đó nặng nhất là “tồn kho” bất động sản (BĐS) đang gây lãng phí lớn về nguồn lực của toàn nền kinh tế. Nếu không tháo gỡ được “nút thắt” này thì khó khai thông dòng chảy vốn cho nền kinh tế. Gỡ “nút thắt” về thị trường BĐS cũng là tháo “một ngòi” lớn về nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Bên cạnh đó, thị trường BĐS phát triển quá nóng, giá bị đẩy lên quá cao so với nhu cầu mua nhà ở thực của người có khả năng thanh toán. Trong khi các DN BĐS chạy theo nhu cầu ảo về nhà ở cao cấp, phân khúc thị trường nhà ở cho người thu nhập trung bình, thu nhập thấp gần như ít được chú ý. Từ cái nhìn sát thực về thị trường BĐS, NHNN đã đưa ra giải pháp hỗ trợ khoảng 20-40 nghìn tỷ đồng để các ngân hàng thương mại (NHTM) có thể cho vay các hộ dân có nhu cầu thực sự về nhà ở với diện tích, giá cả “bình dân”. Giải pháp này sẽ đóng góp quan trọng và có ý nghĩa quyết định tạo ra “cú hích” cho thị trường BĐS. Tuy nhiên, chỉ một phía giải pháp tín dụng của ngành ngân hàng không đủ, mà cần phải có thêm sự quyết liệt, đồng bộ từ chính sách của các bộ, ngành khác để giải quyết về quy hoạch, phê duyệt nhanh về kiến trúc chuyển từ nhà ở cao cấp, có diện tích rộng sang nhà ở “bình dân” có diện tích phù hợp với yêu cầu người sử dụng; chính sách về thuế mua nhà, thuế cho thuê BĐS; các DN BĐS có sự hy sinh phần lợi nhuận để hạ giá về mức hợp lý. Nếu được như vậy, tôi tin rằng thị trường BĐS sẽ chuyển động.

- Về nợ xấu, dư luận cho rằng, tự các tổ chức tín dụng (TCTD) không thể xử lý được. Vậy theo Thống đốc, Việt Nam có thể lấy nguồn từ đâu để xử lý?

- Nợ xấu của TCTD cũng chính là nợ xấu của nền kinh tế. Kinh tế vĩ mô bất ổn, SXKD gặp nhiều khó khăn, hàng nghìn DN phá sản hoặc đang trong tình trạng thoi thóp, nhiều DN vay gấp tới 10 lần vốn tự có… Đây là nguyên nhân chính gây ra nợ xấu của TCTD. Nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận những nguyên nhân chủ quan từ phía TCTD như thẩm định tín dụng còn sơ sài, việc quản trị rủi ro yếu kém. Đã là nợ xấu của nền kinh tế, muốn xử lý được cũng sẽ phải lấy nguồn từ nền kinh tế. Theo nguyên tắc thị trường, trước tiên nợ xấu phải xử lý bằng nguồn dự phòng đã trích của TCTD, nguồn này đến nay khoảng 90 nghìn tỷ đồng, về nguyên tắc có thể xử lý được khoảng 60 nghìn tỷ đồng. Nguồn thứ 2, các TCTD thanh lý bán tài sản thế chấp hoặc cùng khách hàng thỏa thuận bán tài sản thế chấp thì nguồn thu về cũng là từ người có nhu cầu mua, sau cùng mới dùng nguồn từ NHNN.

- Thống đốc dự đoán thế nào về kinh tế vĩ mô Việt Nam nói chung, tình hình hoạt động ngân hàng nói riêng năm 2013?

- Nền kinh tế nước ta tiếp tục phải đối mặt với những rủi ro, thách thức, như kinh tế vĩ mô chưa vững chắc, lạm phát có nguy cơ quay lại, vấn đề nợ xấu và hàng tồn kho gây ách tắc cho dòng vốn lưu thông, SXKD khó khăn... Kinh tế thế giới đang đối mặt nhiều rủi ro cũng sẽ tác động mạnh vào nền kinh tế nước ta. Rõ ràng khi lường trước được khó khăn, những vấn đề phải đối mặt, giải pháp để điều hành nền kinh tế sẽ cụ thể hơn, trọng tâm, đồng bộ và quyết liệt hơn. Dự báo, năm 2013 nền kinh tế nước ta sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn, nhiều mảng sáng hơn. Đương nhiên, hoạt động của hệ thống ngân hàng cũng vì thế sẽ có nhiều khởi sắc so với năm 2012.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hệ thống ngân hàng sẽ có nhiều khởi sắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.