Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thị trường XKLĐ năm 2013: Những bước tiến mới

Kim Vũ| 14/02/2013 07:42

(HNM) - Năm 2013 sẽ đánh dấu những bước tiến mới cho thị trường xuất khẩu lao động (XKLĐ) của Việt Nam khi hàng loạt đơn hàng với mức lương hấp dẫn tại những thị trường khó tính được tiếp nhận. Ông Đào Công Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) khẳng định như vậy.

Thời của lao động có nghề

Mỗi năm đưa được 100.000 lao động sang nước ngoài làm việc. Đó là mục tiêu đặt ra trong giai đoạn 2013-2015. Nhật Bản là quốc gia luôn sẵn sàng tiếp nhận lao động Việt Nam. Năm 2012 có 7.000 lao động được tiếp nhận làm điều dưỡng, hộ lý ở đất nước Mặt trời mọc với những yêu cầu khắt khe: không quá 35 tuổi, phải tốt nghiệp khóa điều dưỡng hệ 3 hoặc 4 năm ở Việt Nam. Riêng với vị trí điều dưỡng phải có kinh nghiệm công tác ít nhất 2 năm ở Việt Nam, trong đó bao gồm 9 tháng thực tập sau khi kết thúc khóa học. Đây là chương trình XKLĐ chất lượng cao dành cho LĐ Việt Nam có cơ hội tiếp cận và làm việc trong điều kiện tốt, nhiều ưu đãi với mức lương hấp dẫn (khoảng 40 triệu đồng/tháng). Dự kiến năm 2013, có 8.000-9.000 lao động được tiếp nhận.

Dự kiến năm 2013 có khoảng 9.000 lao động chất lượng cao làm việc tại nước ngoài.


Mới đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng ký chương trình thí điểm đưa điều dưỡng viên Việt Nam sang học tập và làm việc tại Cộng hòa Liên bang Đức trong lĩnh vực chăm sóc người già. Chương trình thí điểm tuyển chọn 100 điều dưỡng viên đã tốt nghiệp đại học hoặc cao đẳng điều dưỡng tại Việt Nam để đưa sang học chương trình chăm sóc người già 2 năm tại các cơ sở đào tạo của Đức để lấy chứng chỉ quốc gia, sau đó làm việc tại nước này 3 năm với mức lương từ 1.800 EUR-2.000 EUR/tháng (tương đương 50-55 triệu đồng/tháng).

Thị trường Hàn Quốc dù đang vướng mắc ở việc đưa NLĐ đã hết thời hạn làm việc trở về nhưng phía Hàn Quốc vẫn đánh giá cao lao động Việt Nam. Và trong thời gian tới, Hàn Quốc vẫn tiếp nhận những lao động trở về nước đúng thời hạn (lao động trung thành) có nhu cầu đi làm việc tiếp tại nước này. Theo yêu cầu đặt ra trong năm nay, trên 5.000 lao động sẽ được tiếp nhận sang làm việc. Ả Rập Xê út và Phần Lan cũng có ý định hợp tác, tuyển điều dưỡng viên có trình độ CĐ, ĐH của Việt Nam. Tín hiệu khả quan trong những ngày đầu năm là Libya đang tiếp nhận trở lại lao động Việt Nam, với mức lương tăng khoảng 30% (tiền lương trước đây là 500USD/tháng (khoảng 9 - 12 triệu đồng, bao gồm cả tiền làm thêm); toàn bộ chi phí ăn, ở do chủ sử dụng lao động đài thọ). Thị trường Đài Loan trong năm 2013 cũng có khả năng tiếp nhận hơn 20.000 lao động Việt Nam; các thị trường Quatar, Trung Đông… cũng sẵn sàng tiếp nhận lao động của ta.

Tập trung đào tạo tay nghề

Điểm lại những thị trường XKLĐ kể trên, có thể thấy lao động có nghề đang lên ngôi. Trước đây, Việt Nam có lợi thế về lao động phổ thông và thị trường phát triển nhanh ngoài sức tưởng tượng. Tuy nhiên, khi các doanh nghiệp trong nước phát triển thì mức lương phổ thông ở các thị trường XKLĐ phổ thông cũng bắt đầu yếu thế. Và đến nay, thị trường có tay nghề bắt đầu "để ý" đến lao động Việt Nam. Dù con số chưa nhiều nhưng có thể thấy đó là tín hiệu lạc quan cho lao động Việt Nam. Nhưng, làm thế nào để giữ được sự ưu tiên mà các nước bạn dành cho Việt Nam? Câu trả lời ở chính NLĐ và các cơ sở đào tạo nghề. Phải nâng cao tay nghề - đó là tiêu chí đầu tiên. Ông Đào Công Hải cho biết, chất lượng lao động muốn tốt thì cần bảo đảm 3 yếu tố: Kỹ năng tay nghề; trình độ ngoại ngữ; và kinh nghiệm, tác phong làm việc. Điều này phụ thuộc nhiều vào công tác đào tạo nghề ở Việt Nam. Chẳng hạn, việc lựa chọn điều dưỡng, y tá sang làm việc tại Nhật Bản, Đức gặp nhiều khó khăn khi đơn vị chủ quản là Cục Quản lý lao động ngoài nước phải tổ chức đào tạo lại từ đầu cho các ứng viên trúng tuyển về ngoại ngữ. Nói như vậy có nghĩa là học viên của ta chưa toàn diện về tay nghề, được cái nọ, hổng cái kia nên các cơ quan chức năng rất khó khăn trong đào tạo và tuyển chọn. Kinh tế càng khó khăn thì nhà tuyển dụng nước bạn càng khó tính.

Bộ LĐ-TB&XH đang thực hiện dự án "Hỗ trợ đưa lao động đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng". Có khoảng 8.000-20.000 lao động được hỗ trợ, trong đó có 5.000 lao động đào tạo ở trình độ cao. Với mỗi lao động nghèo nông thôn được hỗ trợ chi phí học nghề 3 triệu đồng/khóa; ngoại ngữ 3 triệu đồng/khóa; bồi dưỡng tiền ăn, học, đi lại và chi phí làm thủ tục trước khi đi làm việc ở nước ngoài như hộ chiếu, visa, phí khám sức khỏe, lệ phí lý lịch tư pháp. Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng cho biết, từ mô hình điều dưỡng viên Nhật Bản, sẽ nhân rộng ra nhiều nước. Đặc biệt, bước ngoặt trong XKLĐ 2013 là chú trọng vào lao động chất lượng cao, có tay nghề trình độ CĐ, ĐH, phù hợp với các thị trường có thu nhập tốt như: Đức, Nhật Bản, Australia …

Đánh giá chung của các nước bạn là trình độ chuyên môn cơ bản của sinh viên Việt Nam có thể đáp ứng nhu cầu của họ. Tuy nhiên, do yếu về ngoại ngữ cũng như ý thức về nghề nên đã để lãng phí nguồn nhân lực. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp trong nước đang gia tăng, nhiều sinh viên ra trường không có việc làm. Vậy tại sao chúng ta không tận dụng đội ngũ sinh viên đã được đào tạo CĐ, ĐH từ 3 đến 4 năm, nâng cao chất lượng ngoại ngữ, tăng cường chất lượng nghề là có thể bảo đảm tiêu chuẩn về XKLĐ, tránh lãng phí?

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thị trường XKLĐ năm 2013: Những bước tiến mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.